Hà Giang cần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế
Đây là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang cuối tháng 11/2017 vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi.
Nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội
Đánh giá cao những nỗ lực của Hà Giang trong phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những thành tựu về kinh tế - xã hội mà Hà Giang đạt được trong thời gian qua tương đối toàn diện. Dù là tỉnh miền núi khó khăn, nhưng Hà Giang đã có sự liên kết, phối hợp với các tổ chức, các trường đại học có uy tín để quy hoạch phát triển bền vững du lịch, tư vấn về chính sách và giải quyết những vấn đề căn bản cho sự phát triển.
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khá. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt trên 2,5 tỷ USD (tăng gấp 5 lần so với kế hoạch). Thu hút trên 1 triệu khách du lịch, tăng 12,5% so với năm 2016; 93,8% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,3%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt 90,5%.
Công tác giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Công tác quốc phòng được tăng cường, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định.
Kinh tế - xã hội của Hà Giang trong năm 2017 có nhiều kết quả khả quan |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhận định những điểm yếu của Tỉnh, đó là: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và lạc hậu; quy mô nền kinh tế nhỏ bé, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp. Phát triển kinh tế của Tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, số doanh nghiệp thành lập còn ít. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; chuyển dịch co cấu trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực còn hạn chế, chưa thật sự rõ nét, đầu tư còn dàn trải chưa hiệu quả, nợ đọng xây dựng cơ bản còn nhiều.
Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn hạn chế, hiệu quả thấp. Đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, xây dựng nông thôn mới còn chậm (mới đạt 12,4% số xã, trong khi cả nước đạt khoảng 32,1%).
Tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao 34,41%; cận nghèo 11,47%; giảm nghèo còn thiếu bền vững; tình trạng dân di cư tự do vẫn còn xảy ra. Môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính (PAPI), thực hiện dịch vụ công trực tuyến chậm chuyển biến. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong nhóm thấp.
Cần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2018 và các năm tiếp theo Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang cần phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, khắc phục tồn tại, hạn chế, khai thác tiềm năng, lợi thế có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đề ra giải pháp đột phá, quyết liệt để xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện với tầm nhìn "là tỉnh phên dậu kiểm mẫu phía Bắc giảm nghèo bền vững thành công nhất".
Tỉnh Hà Giang cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, xã hội hóa đầu tư bằng các hình thức thích hợp, hoàn thành việc xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, vùng phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, tập trung trồng rừng, dược liệu gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị kinh tế; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, đảm bảo chất lượng và phát triển các vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy lợi thế về địa lý, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, du lịch, thủy điện, kinh tế biên mậu, xuất, nhập khẩu, vùng nguyên liệu gỗ, cây dược liệu,... để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, khai khoáng, chế biến nông lâm sản, dịch vụ thương mại biên giới; quản lý, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và kết cấu hạ tầng giao thông.
Tỉnh cũng cần phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch với các điểm đến nổi tiếng, như: Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Cột cờ Lũng Cú, Khu di tích kiến trúc Nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng... đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Làm tốt công tác truyền thông, nhất là đưa hình ảnh của địa phương đến với du khách, khôi phục, giữ gìn các lễ hội và những nét văn hóa truyền thống. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút được 3 triệu khách du lịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hà Giang chú trọng công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững và các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; tiếp tục phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng thứ bậc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.../.
Bình luận