ThS. Huỳnh Diệu Ngân

Khoa Marketing - Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech)

Email: hd.ngan@hutech.edu.vn

Tóm tắt

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực với nền kinh tế xã hội của cả thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức, ESG không chỉ là xu hướng chung mà còn là giải pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị, hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), điều mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm và định hướng phát triển. Nghiên cứu này nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về ESG, phân tích thực trạng ESG tại Việt Nam, bao gồm: cam kết và chính sách của Chính phủ, cam kết và thực hành của doanh nghiệp (DN) Việt Nam; từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy tiến trình cam kết và thực hành ESG ở Việt Nam.

Từ khóa: ESG, môi trường, quản trị, xã hội, kinh tế tuần hoàn

Summary

The Covid-19 pandemic has been causing various negative impacts on the socio-economy worldwide. In the context of a global crisis that poses many challenges, ESG is not only a general trend but also a necessary solution to solve environmental, social and governance issues, towards the development of circular economy, a goal that all countries in the world are interested in and oriented their development. This study aims to provide an overview of ESG, analyzing the current state of ESG in Vietnam, including: commitments and policies of the Government, commitments and practices of Vietnamese enterprises; From there, we propose a number of solutions to promote the process of commitment and practice of ESG in Vietnam.

Keywords: ESG, environment, governance, society, circular economy

ĐẶT VẤN ĐỀ

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới chứng kiến nhiều biến động, sức khỏe của nền kinh tế và chính trị toàn cầu đều lên tiếng, như: cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, cuộc xung đột Ukraine, tình trạng biến đổi khí hậu, lạm phát tràn lan, sự tăng giá nguyên vật liệu và các loại hàng hóa khác. Tất cả những yếu tố này tạo nên sự đứt gãy nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động không nhỏ tới chuỗi cung ứng Việt Nam (Phạm Thị Thanh Bình, 2023). Không những thế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, xếp 127/182 quốc gia. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, từ năm 2011-2022, biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại hơn 10 tỷ USD cho Việt Nam và dự đoán mức thiệt hại này sẽ ngày càng tăng nhanh (Lê Quân, 2023). Trong bối cảnh đó, cả thế giới đều hướng về KTTH. Đây được xem là cách tiếp cận phù hợp, thực tiễn để ứng phó với thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường (Nhĩ Anh, 2023). Và việc thực hiện KTTH thông qua tiếp cận ESG như là một phương pháp tất yếu mà các DN cần quan tâm. Với bộ 3 tiêu chuẩn, ESG sẽ giúp DN có những chiến lược, định hướng, phòng ngừa và quản trị rủi ro môi trường, xã hội và quản trị, giải quyết được các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững (Hương Loan, 2023).

TỔNG QUAN VỀ ESG

ESG là cụm từ viết tắt từ E - Environmental (Môi trường); S - Social (Xã hội) và G - Governance (Quản trị doanh nghiệp). Thuật ngữ ESG được xuất hiện sớm nhất vào năm 2004 ở lĩnh vực tài chính khi Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc đưa ra báo cáo “Who cares wins”, với mong muốn áp dụng môi trường, xã hội và quản trị vào các lĩnh vực phân tích, quản lý tài sản và môi giới chứng khoán; sau đó, dần dần phổ biến ở các lĩnh vực khác. Kocmanova (2014) đã định nghĩa, ESG là bộ tiêu chuẩn về hiệu quả hoạt động của môi trường, xã hội và quản trị DN, làm khuôn khổ để đo lường hiệu quả hoạt động bền vững của một công ty trong Báo cáo bền vững.

WB đã đưa ra giải thích rõ hơn về từng khía cạnh của ESG. E - Environment, tiêu chuẩn về môi trường, đo lường tính bền vững của hoạt động kinh tế dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên, khả năng quản lý, rủi ro hoặc khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và các mối nguy hiểm tự nhiên khác. Tiêu chuẩn về môi trường đặc biệt quan tâm đến nội hóa ngoại tác môi trường và khả năng tiếp cận năng lượng bền vững, cũng như an ninh lương thực. Tiêu chuẩn thứ 2 được đề cập là S - Social, đo lường tính bền vững của hoạt động kinh tế dựa trên việc đáp ứng như cầu cơ bản của người dân, xóa đói giảm nghèo, quản lý các vấn đề xã hội và bình đẳng; đầu tư vào nguồn nhân lực và năng suất lao động. Tiêu chuẩn cuối cùng là G - Governance, đo lường tính bền vững của hoạt động kinh tế dựa trên năng lực quản trị, sức mạnh của hệ thống chính trị, tài chính, pháp luật và khả năng giải quyết rủi ro môi trường và xã hội.

Trong Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của DN tư nhân Việt Nam 2022, PwC đã đưa ra nội dung cụ thể trong từng khía cạnh của bộ tiêu chuẩn ESG Bảng 1.

Bảng 1: Bộ tiêu chuẩn ESG

Môi trường

Bảo tồn thiên nhiên

Khí hậu

  • Phát thải carbon
  • Tính bền vững của các tài sản vật chất

Ô nhiễm

  • Không khí
  • Nước
  • Đất
  • Ô nhiễm khác

Chất thải

  • Bao bì
  • Điện tử
  • Nguy hại
  • Nước thải
  • Chất thải khác

Sử dụng tài nguyên

  • Khan hiếm nước
  • Quản lý năng lượng
  • Đa dạng sinh học và sử dụng đất
  • Tài nguyên khác

Xã hội

Đầu tư vào con người và mối quan hệ

Người lao động

  • Phúc lợi và nhu cầu cơ bản
  • Đa dạng và bao trùm
  • Tuyển dụng và thăng tiến
  • Kinh nghiệm của người lao động

Khách hàng

  • An toàn và chất lượng sản phẩm
  • Thông lệ bán hàng
  • Quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu

Mô hình kinh doanh

  • Vận hành bền vững
  • Thiết kế và quản lý vòng đời sản phẩm
  • Quản lý chuỗi cung ứng
  • Khả năng tiếp cận
  • Đầu tư vào cộng đồng

Quản trị

Xây dựng niềm tin vào xã hội

Thông lệ kinh doanh

  • Đạo đức
  • Hành vi cạnh tranh

Công khai và Minh bạch

  • Thuế
  • Kế toán và kiểm toán nội bộ

Năng lực lãnh đạo

  • Hồ sơ của Hội đồng quản trị và Ban điều hành
  • Chế độ lương, thưởng của Hội đồng quản trị/cấp điều hành
  • Mục đích và giá trị
  • Rủi ro và cơ hội
  • Quyền sở hữu và Kế thừa

Nguồn: PwC (2023)

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN ESG Ở VIỆT NAM

Cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã để lại ấn tượng cho cộng đồng quốc tế, mở ra nhiều cơ hội về tăng trưởng và phát triển KTTH. Các cam kết về việc ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam như sau (IUCN, 2022):

- Giảm phát thải methane toàn cầu: Cam kết hợp tác để cùng nhau giảm lượng khí thải Methane toàn cầu ở tất cả các lĩnh vực, ít nhất là 30% so với năm 2020, đặc biệt, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, chất thải và nông nghiệp. Việt Nam tìm cách giảm khí thải nông nghiệp dựa vào công nghệ, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến sản xuất lúa gạo.

- Chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030: Tại COP26, 141 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký Tuyên bố của Lãnh đạo Glasgow về Rừng và Sử dụng đất. Tuyên bố đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn rừng và các hệ sinh thái trên cạn khác, cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.

- Đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Netzero) vào năm 2050: Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 bằng cách sử dụng đầu vào và tài nguyên một cách hiệu quả, tăng tốc liên minh tài chính và công nghệ.

- Loại bỏ dần nhiệt điện than vào năm 2040: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Điền đã ký Tuyên bố chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch toàn cầu, cam kết thực hiện chuyển đổi một cách công bằng và toàn diện, nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất điện sạch, chuyển đổi khỏi sản xuất điện than và ngừng cấp giấy phép mới cho sản xuất điện than.

- Giảm phát thải khí nhà kính: Việt Nam là một trong 12 quốc gia hoàn thành cập nhật mức Đóng góp quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contributions – NDC) vào ngày 11/9/2020, cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính với nguồn lực trong nước và 27% với sự hỗ trợ quốc tế.

Quy định, chính sách của Chính phủ đối với ESG

Trong hành trình ESG, Việt Nam đã đưa ra nhiều quy định, chính sách, được tổng hợp (bao gồm nhưng không đầy đủ) theo Bảng 2.

Bảng 2: Tổng hợp các quy định, chính sách của Chính phủ Việt Nam về ESG

Số hiệu

Nội dung trích yếu

Ngày ban hành

Chung

136/NQ-CP 2020

Về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương đến năm 2030

25/9/2020

96/2020/TT-BTC

Về việc báo cáo thông tin ESG đối với các công ty đại chúng và niêm yết

16/11/2020

167/QĐ-TTg

Phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025

08/02/2022

888/QĐ-TTg

Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26

25/7/2022

Môi trường

72/2020/QH14

Luật Bảo vệ môi trường

17/11/2020 (có hiệu lực 01/01/2022)

06/2022/NĐ-CP

Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon

07/01/2022

08/2022/NĐ-CP

Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

10/01/2022

02/2022/TT-BTNMT

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

10/01/2022

01/2022/QĐ-TTg

Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

18/01/2022

450/QĐ-TTg

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

13/4/2022

500/QĐ-TTg

Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (PDP8)

15/5/2023

687/QĐ-TTg

Phê duyệt đề án phát triển nền kinh tế tuần hoàn

07/6/2022

809/QĐ-TTg

Phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025

12/7/2022

876/QĐ-TTg

Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải

22/7/2022

896/QĐ-TTg

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050

26/7/2022

942/QĐ-TTg

Về việc phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030

05/8/2022

1658/QĐ-TTg

Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050

01/10/2022

Xã hội

609/QĐ-TLĐ

Phê duyệt dự án Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

01/4/2008

47/2010/QH12

Luật Các tổ chức tín dụng

16/6/2010

59/2010/QH12

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

17/11/2010

12/2012/QH13

Luật Công đoàn

20/6/2012

45/2019/QH14

Bộ luật Lao động

20/11/2019

13/2023/NĐ-CP

Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân

17/4/2023

Quản trị

54/2019/QH14

Luật Chứng khoán

26/01/2019

Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo Thông lệ tốt nhất (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành)

13/8/2019

2157/QĐ-TTg

Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

21/12/2021

61/2020/QH14

Luật Đầu tư

17/6/2020

59/2020/QH14

Luật Doanh nghiệp

17/6/2020

96/2020/TT-BTC

Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

16/11/2020

116/2020/TT-BTC

Hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP

31/12/2020

155/2020/NĐ-CP

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán

31/12/2020

17/2022/TT-NHNN

Hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

23/12/2022

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp

Mức độ cam kết, thực hành và báo cáo ESG của DN Việt Nam

Nhiều khảo sát cho thấy, DN Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Cụ thể là, Báo cáo Triển vọng kinh doanh 2023 của UOB khảo sát hơn 4.000 DN nhỏ và vừa trong khu vực ASEAN và Trung Quốc cho thấy, 94% DN Việt Nam tham gia khảo sát nhận ra được mức độ quan trọng của phát triển bền vững. Cũng trong báo cáo của UOB, Việt Nam cùng với Thái Lan được đánh giá là 2 quốc gia dẫn đầu về áp dụng tính bền vững, với 51% đã bắt đầu thực hành các hoạt động bền vững. Trong Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam của PwC với sự tham gia của 234 DN tại Việt Nam từ tháng 5-8/2022, có đến 44% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG; 36% đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2-4 năm tới. Báo cáo Thế hệ kế nghiệp Việt Nam của PwC được thực hiện từ 08/10 đến 12/12/2021 với 38 đại diện của Việt Nam cũng đã cho thấy, triển vọng trong tương lai của việc phát triển bền vững khi thể hiện quan điểm mạnh mẽ và trách nhiệm trong các hoạt động kinh doanh bền vững (Hình).

Hình: Kết quả khảo sát Báo cáo Thế hệ kế nghiệp Việt Nam

Hành trình ESG của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Nguồn: PwC (2022)

Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ DN nhỏ và vừa tham gia ESG chiếm tỷ lệ không cao. Năm 2022, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án USAID IPSC, đã thực hiện cuộc khảo sát về nhận thức của DN, cho thấy rằng, việc tiên phong áp dụng ESG diễn ra hầu hết ở các DN lớn, như: DN có vốn đầu tư trưc tiếp nước ngoài (FDI), DN đại chúng, các DN có định hướng xuất khẩu… (Ngân Hà, 2023). Trong khi đó, chỉ có 25% DN nhỏ và đã chủ động triển khai ESG và 21% không cân nhắc triển khai ESG trong 2-4 năm tới (Như Loan, 2022). Báo cáo của PwC cũng cho thấy, 57% DN FDI đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG, nhưng tỷ lệ này ở công ty niêm yết chỉ chiếm 35%, thậm chí thấp hơn cả DN tư nhân/gia đình (40%). Trong số các DN chưa đưa ra cam kết, có đến 60% là DN nhỏ và vừa.

Nhiều minh chứng từ các cuộc khảo sát cũng cho thấy, từ cam kết đến hành động là một hành trình khó khăn đối với DN Việt Nam. Khi trong 80% DN đã có hoặc dự định tham gia ESG, có đến 34% không có chương trình ESG và chỉ có 22% DN có chương trình ESG toàn diện. Số liệu cũng cho thấy, mức độ các DN chú trọng vào báo cáo ESG không cao. Theo PwC, ở Việt Nam, có đến 70% DN tham gia khảo sát không có hoặc hạn chế báo cáo các vấn đề ESG ra bên ngoài và chỉ có 15% công bố báo cáo ra bên ngoài một cách toàn diện. Trong năm 2023, KPMG công bố kết quả cuộc khảo sát 100 DN lớn nhất VN như sau (số liệu 2022): 87% thực hiện báo cáo, 90% không báo cáo về mục tiêu carbon; 93% không báo cáo về rủi ro môi trường; 86% không báo cáo về rủi ro xã hội và 86% không báo cáo về rủi ro quản trị. Ngoài ra, khi xét đến danh mục 30 công ty vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên sàn HOSE, chỉ có 13,33%, tương ứng với 4/30 DN trình bày riêng báo cáo phát triển bền vững, còn lại đều gần như là tích hợp vào báo cáo thường niên và chỉ có 3/30 công ty (chiếm 10%) có sử dụng dịch vụ kiểm toán (Trần Ngọc Hùng, 2023).

Nhận định về thực trạng và một số nguyên nhân

Từ phần phân tích thực trạng ở trên, có thể thấy rằng, Chính phủ và DN Việt Nam đều nhận thức được tầm quan trọng của ESG, thể hiện rất rõ qua những cam kết của Chính phủ tại COP26, những chính sách, chiến lược mà Chính phủ đã ban hành và mức độ cam kết của DN qua khảo sát. Tuy nhiên, các hành động hiện chỉ dừng lại ở việc cam kết mà chưa thực sự triển khai thực hiện. Một trong những rào cản lớn nhất là việc thiếu kiến thức và chuyên môn. Trong Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của DN tư nhân tại Việt Nam của PwC, có 60% cho rằng, một trong những yếu tố ngăn cản DN cam kết ESG là do thiếu kiến thức. Cụ thể là, 54% trả lời tổ chức chưa xem xét đến việc trang bị kiến thức và chuyên môn về ESG cho nhân viên.

Ngoài ra, không chỉ thiếu hiểu biết về ESG, nguyên nhân khiến các DN vẫn chưa thực hành ESG xuất phát từ cơ cấu quản trị yếu kém. Hiện nay, có đến 4 thế hệ tham gia vào lực lượng lao động, bao gồm: Baby Boomers, gen X, gen Y và gen Z; việc quản lý nhân sự đa thế hệ trở thành một thách thức mà các nhà tuyển dụng và lãnh đạo phải đối mặt. Đó không chỉ là việc tuyển dụng được nhân sự có kỹ năng, mà còn là làm sao để giữ chân được người lao động. Hơn thế nữa, làm thế nào để phát huy hết năng lực của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là vai trò của người lãnh đạo là một vấn đề cần quan tâm trong quá trình thúc đẩy ESG.

Theo góc nhìn từ nhà đầu tư, việc luôn thận trọng và e ngại khi đầu tư vào thị trường Việt Nam xuất phát từ việc còn nhiều vướng mắc về ESG, dữ liệu và độ tin cậy (Dũng Nguyễn, 2023). Một trong những thách thức khiến các DN chưa triển khai ESG cũng xuất phát từ việc thiếu quy định minh bạch. Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều quy định, chính sách, chiến lược phát triển ESG, nhưng có rất nhiều vấn đề vẫn chưa thực sự được hướng dẫn rõ ràng. Các tổ chức vẫn đang chờ hướng dẫn của Nhà nước về cách thức cụ thể thực hành ESG.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ESG Ở VIỆT NAM

Quản trị tri thức

Quản trị tri thức là một yếu tố cấp bách mà cả Nhà nước và các DN cần thực hiện. Do đó, các DN cần lập kế hoạch đào tạo để trang bị cho cả lãnh đạo và nhân viên các kiến thức và chuyên môn liên quan đến Môi trường - Xã hội - Quản trị. Ngoài ra, công nghệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc quản trị tri thức, do đó, ngoài việc trang bị kiến thức và chuyên môn về ESG, các DN cần cập nhật công nghệ thường xuyên để có thể đáp ứng các thay đổi và nhu cầu phát triển liên tục của kinh tế thế giới (KPMG, 2023; Chính và Hoàng, 2009).

Quản trị nguồn nhân lực

Cuộc cách mạng ESG đòi hỏi DN phải xây dựng kế hoạch quản trị nguồn nhân lực, thu hút và giữ chân nhân tài. Theo Khảo sát lực lượng lao động châu Á – Thái Bình Dương của PwC, quyền lực của người lao động và người sử dụng lao động đang ở thế cân bằng. Mức lương không còn là giải pháp tốt nhất để giữ chân được những người giỏi. Người lao động đang dần quan tâm nhiều hơn về những giá trị mà họ nhận được, đó là sự công bằng, minh bạch và linh hoạt trong công việc (PwC, 2023). Sự chuyển đổi này đòi hỏi người sử dụng lao động phải thay đổi cách thức tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Một trong những giải pháp để cải thiện môi trường làm việc là tạo ra văn phòng số - một mô hình làm việc hiện đại với việc quản lý, giám sát từ xa mà hiện đã có rất nhiều DN ở một số quốc gia áp dụng hiệu quả. Mô hình này cho phép các nhà tuyển dụng giảm thiểu được rủi ro về việc nhân viên nghỉ việc hay không tuyển dụng được nhân viên có năng lực. Tuy nhiên, thấu hiểu người lao động mới chính là giải pháp quan trọng nhất trong quản trị nguồn nhân lực.

Xây dựng niềm tin trong chuỗi cung ứng bằng việc tích hợp ESG

Theo một bài phân tích của KPMG vào tháng 3/2023, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn “Limited Manufacturing” trong Chuỗi giá trị toàn cầu khi cơ sở hạ tầng công nghiệp và các ngành công nghiệp hỗ trợ đang phát triển; tham gia chủ yếu vào giai đoạn cuối quy trình sản xuất, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp; năng lực quản lý chuỗi cung ứng còn ở mức thấp. Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, khi chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy sau đại dịch Covid-19, việc xây dựng niềm tin có thể chuyển đổi sang một giai đoạn cao hơn sẽ giúp cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Để tạo được niềm tin với các nhà đầu tư, thu hút được nguồn vốn, DN Việt Nam cần chú trọng hơn việc công bố thông tin, hay mở rộng hơn phạm vi báo cáo ESG. Ngoài ra, để thu hút các nhà đầu tư, các báo cáo ESG Việt Nam cũng cần sử dụng các tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi trên thế giới, như: Tiêu chuẩn phát triển bền vững (SDGs), Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI), Các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm về Công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) và Hội đồng Tiêu chuẩn Kế toán Bền vững (SASB) (PwC, 2020).

Sự kết hợp các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng quốc tế

Hành trình xây dựng và thực thi ESG là một hành trình rất dài. Đó không phải là việc có thể do một tổ chức hay một cá nhân thực hiện, mà cần có sự kết hợp của các cấp, các ngành, của cả cộng đồng DN, người dân Việt Nam cũng như cả cộng đồng quốc tế. Minh chứng cho thấy, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến các yếu tố Môi trường - Xã hội - Quản trị bằng việc ban hành các chính sách, chiến lược. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các chương trình đề ra. Bên cạnh chính sách của Chính phủ, tự DN cũng cần hiểu rõ tầm quan trọng và định hướng rõ ràng đối với các vấn đề ESG. Hiện nay, ở Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, sự thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn ESG đã tạo nên rào cản vô cùng lớn cho các DN khi tiếp cận. Do đó, Chính phủ cần kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức các buổi chia sẻ, giải đáp thắc mắc, để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn không chỉ cho các nhà lãnh đạo, mà cả toàn thể nhân viên cho các DN Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của hành trình ESG, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của các tổ chức và cộng đồngquốc tế để không ngừng nâng cao năng lực thực thi, trau dồi kinh nghiệm, từng bước tiến xa hơn trong hành trình cam kết và thực hành ESG./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Anh, N (2023), KTTH - Bước chuyển mình phát triển bền vững, Tạp chí của Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, 47 (6283), 8-10.

2. Bình, P. T. T (2023), Phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh mới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/vi_VN/web/guest/nam-2019/-/2018/828149/view_content, truy cập 25/12/2023.

3. Compact, U. G. (2004), Who cares wins: Connecting financial markets to a changing world, New York.

4. Chính, P. M., & Hoàng, V. Q. (2009), Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá, Nxb Chính trị Quốc gia.

5. Dũng, N (2023), ESG và góc nhìn từ phía nhà đầu tư, truy cập từ https://thesaigontimes.vn/esg-va-goc-nhin-tu-phia-nha-dau-tu/.

6. Hà, N (2023), Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại DN, truy cập từ https://vneconomy.vn/sap-dua-ra-bo-cong-cu-danh-gia-esg-tai-doanh-nghiep.htm, truy cập 26/12/2023.

7. IUCN (2022), Vietnam’s COP26 commitments: a moment of truth, retrieved from https://www.iucn.org/news/viet-nam/202205/vietnams-cop26-commitments-a-moment-truth, truy cập 26/12/2023.

8. Kocmanová, A., & Šimberová, I. (2014), Determination of environmental, social and corporate governance indicators: framework in the measurement of sustainable performance, Journal of Business Economics and Management, 15(5), 1017-1033.

9. KPMG (2023), Hành trình hội nhập vào Chuỗi giá trị toàn cầu: Lộ trình cho các DN tư nhân Việt Nam.

10. KPMG (2023), Big Shifts, small steps: Asia Pacific edition, Survey of Sustainability Reporting 2022, KPMG Asia Pacific.

11. Loan, H (2023), Thực hiện KTTH thông qua tiếp cận ESG, Tạp chí của Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, 47 (6283), 20-22.

Ngày nhận bài: 06/6/2024; Ngày phản biện: 15/6/2024; Ngày duyệt đăng: 19/6/2024