Thiếu văn bản quy định có hệ thống việc xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng

“Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp…”, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, khi trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), diễn ra hôm nay (ngày 15/8), theo Văn phòng Quốc hội.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra có xu hướng tăng
Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết (ảnh: QH)

Cũng theo ông Tuệ, trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Trường hợp tòa án hoặc thẩm phán xử phạt vi phạm hành chính, thì quyết định đó có phải là quyết định hành chính không? Nếu là quyết định hành chính, thì cơ chế khiếu nại, khiếu kiện của người bị xử phạt sẽ ra sao? Nếu khiếu kiện lên tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính, thì có đảm bảo khách quan hay không?”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đặt vấn đề.

“Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật. Với những lý do này, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết…’, ông Tuệ cho hay.

Cũng theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về người có thẩm quyền xử phạt của Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, nên dẫn đến khó khăn, vướng mắc về xác định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của các cơ quan này.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc ban hành Pháp lệnh là đáp yêu cầu của thực tiễn đang xảy ra ngày càng nhiều hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cần được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh...

Tránh bất cập khi đi vào thực hiện

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần làm rõ thế nào là hoạt động tố tụng, thế nào là cản trở hoạt động tố tụng, cần cân nhắc kỹ để quy định chặt chẽ. Với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, luật đã quy định rõ, dự thảo Pháp lệnh cần bám sát theo quy định của luật, nếu đã có quy định ở pháp luật chuyên ngành, đã có Nghị định của Chính phủ, thì cần thực hiện theo mức xử phạt hành chính ở pháp luật chuyên ngành, không nhất thiết phải tăng mức phạt, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra có xu hướng tăng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, tránh vướng mắc, bất cập khi đi vào thực hiện (ảnh: QH)

“Về thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp, cần tính toán kỹ các trường hợp loại trừ, đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi, hợp lý, để chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm khi vi phạm. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, không bỏ sót đối tượng, tránh vướng mắc, bất cập khi đi vào thực hiện...”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, UBTVQH cơ bản thống nhất với các nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh. Trong quá trình hoàn chỉnh, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các nội dung cụ thể về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, các yếu tố cấu thành hành vi này, mức xử phạt đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm, bảo đảm phù hợp với các luật có liên quan...

“Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cùng Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh này, để trình UBTVQH xem xét, thông qua và ban hành vào sáng ngày 18/8...”, ông Định lưu ý./.