Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, tuy nhiên, đến ngày 1/1/2018 tới đây, nhiều điều khoản quan trọng trong Luật mới chính thức có hiệu lực. Một trong nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là hành vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Đây là một trong những nội dung quan trọng được bàn luận tại Chương trình Tọa đàm trực tuyến “Năm 2018, đóng và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội như thế nào” vừa được tổ chức vào sáng 22/11 tại Hà Nội.
Sẽ thay đổi nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội
Năm 2018 được đánh dấu là năm quan trọng có nhiều đổi mới trong chính sách tiền lương đối với người lao động, một trong số đó là điều chỉnh lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, căn cứ theo điều luật 90 của của Bộ luật Lao động, mức tiền lương gồm có mức lương phụ cấp và các khoản thu nhập bổ sung sau đó là Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội vào mức lương, phụ cấp và các khoản thu nhập bổ sung.
Theo tổng kết của ngành bảo hiểm xã hội, đến ngày 20/12/2017 đã trả được 68% sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, vượt kế hoạch. Kỳ vọng đến hết năm 2017 sẽ trả 70% sổ bảo hiểm xã hội. |
Từ năm 2016 – 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 0/01/2018, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ vào 3 khoản là mức lương, các khoản phụ cấp và các khoản thu nhập bổ sung ổn định.
Chính sách này giúp tránh được trường hợp người lao động khi đi làm có thể có thu nhập tốt nhưng khi nghỉ hưu lại có mức lương hưu thấp do đóng bảo hiểm xã hội thấp.
Theo đó, mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quân khẳng định, không phải tất cả các khoản phụ cấp lương và bổ sung khác đều làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, trên hợp đồng lao động, hai khoản thể hiện rõ nhất là lương và các loại phụ cấp như: phụ cấp độc hại, phụ cấp chức vụ… đã bao gồm phần lớn thu nhập cơ bản của người lao động.
Từ ngày 01/01/2018, chỉ thêm các khoản thu nhập bổ sung khác có tính chất ổn định. Ngoài ra, nhiều khoản phụ cấp không được tính trong đóng bảo hiểm xã hội, như: tiền thưởng, sáng kiến, lương năng suất, tiền điện thoại, xăng xe, tiền ăn trưa… bởi đây là thu nhập bổ sung phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người lao động. Còn những phụ cấp lương, khoản bổ sung khác tính đóng bảo hiểm xã hội là những khoản tương đối ổn định, thường xuyên.
Theo ông Quân, việc quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội dần tiếp cận gần với tiền lương thực tế của người lao động là cần thiết nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội khi người lao động nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Việc quy định thực hiện đóng theo lộ trình nêu trên và đóng trên các khoản phụ cấp lương, khoản bổ sung tương đối ổn định, thường xuyên; vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, mức đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2018 không tăng nhiều.
Bổ sung quan điểm này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đến ngày 01/01/2018 các khoản tiền lương và phụ cấp có tính chất tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội đã được quy định trong năm 2017–2018 sẽ không có biến động lớn.
Khi quy định “nền” tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thay đổi tại các đơn vị, doanh nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định chính thức có hiệu lực, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có sự chuận bị kỹ càng.
Cố tình chây ì, trốn đóng BHXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo thông tin tư Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay cả nước đang có khoảng 600.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 250.000 doanh nghiệp mới tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Những doanh nghiệp này thường là những doanh nghiệp phải giải thể phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.
Nhiều thay đổi trong đóng và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội từ năm 2018
Riêng năm 2017, ngành bảo hiểm xã hội tiến hành kiểm tra gần 100.000 doanh nghiệp, thì khoảng 60.000 doanh nghiệp gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ có 2 người, 3 người hoặc 5 người… Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới, dù có tăng nhưng có một phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên sử dụng ít lao động.
Thời gian tới Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để rà soát, tìm ra những doanh nghiệp có hoạt động nhưng không đóng bảo hiểm xã hội.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Cụ thể, đó là các hành vi vi phạm, như: chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Do vậy, đối với những doanh nghiệp có khả năng, nhưng cố tình chây ì, trốn đóng, chiếm dụng tiền của người lao động, theo quy định mới của Bộ luật Hình sự, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi luật có hiệu lực, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ làm công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Bộ luật Hình sự liên quan đến việc nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp để người sử dụng lao động nắm bắt được những thay đổi. Sau đó, bảo hiểm xã hội sẽ đi thanh tra và xử phạt các doanh nghiệp đang vi phạm. Nếu đơn vị nào vẫn cố tình chây ì, bảo hiểm xã hội sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang phía cơ quan điều tra để hình sự hóa tội danh này.
Phân tích thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quân cho biết thêm, chúng ta đã có xử phạt vi phạm hành chính và cũng không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng. Tuy nhiên, công cụ của Bộ luật Hình sự đưa vào xử phạt tù là đối với những trường hợp mà trong Luật quy định rõ. Đó là đối với trường hợp gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn./.
Bình luận