Học cách Nhật Bản xây mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển”
Lời giới thiệu:Trong lời bình về cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” của GS. Trần Văn Thọ, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã viết: “Cuốn sách trình bày rất sáng tỏ về mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” của Nhật Bản và những yếu tố bảo đảm sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản trong giai đoạn 1955-1973. Do có nhiều điểm tương đồng về văn hóa Đông Bắc Á, mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” có nhiều khả năng sẽ phù hợp cho Việt Nam. Cải cách thể chế kinh tế theo mô hình này nên là định hướng chúng ta cần theo đuổi”. TS. Đinh Trường Hinh, nguyên Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới thì nhận định, đây là cuốn sách cực kỳ quan trọng, phản ánh kiến thức sâu và rộng của tác giả về cả lý thuyết lẫn thực hành của ngành kinh tế phát triển. “Những bài học được tác giả rút ra từ Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa và phát triển. Đặc biệt ấn tượng là kinh nghiệm Nhật Bản được tổng kết qua hai khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển” và năng lực xã hội”, ông viết. Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng, Nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá, cuốn sách mang đến nhận thức đầy đủ về một “nhà nước kiến tạo phát triển”. Từ đó, soi lại tình hình chính trị kinh tế xã hội của nước ta hiện nay sẽ thấy cần phải sửa đổi những gì để có thể xây dựng nên một chiến lược phát triển cho Việt Nam trong 25-30 năm tới… GS. Trần Văn Thọ là Giáo sư kinh tế tại trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản. Ông cũng là một nhà nghiên cứu và có nhiều đóng góp về tư duy kinh tế cho Việt Nam. Đóng góp cho Đất nước, ông tham gia cộng tác trong các Tổ Tư vấn cải cách kinh tế hoặc trong Ban Nghiên cứu chính sách của các Thủ tướng Việt Nam như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông là sáng lập viên Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ông cũng là cầu nối giao lưu giữa sinh viên Nhật Bản - Việt Nam. Ngoài các đóng góp về tư duy kinh tế, GS. Trần Văn Thọ còn tham gia các lĩnh vực khác của xã hội, nhất là giáo dục Việt Nam dựa vào các kinh nghiệm về giáo dục ở Nhật Bản mà ông có được… Cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973”, trong đánh giá của ông Huy Nam (*) là công trình nghiên cứu sâu và toàn diện, với đầy đủ cứ liệu, của Giáo sư Trần Văn Thọ, người đã sống và làm việc trên 50 năm ở Nhật, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, có tâm huyết góp vào công cuộc đổi mới nước nhà trong nhiều năm qua, với tâm thế yêu Tổ quốc vô tư. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo thiết thực cho giai đoạn phát triển trước mắt của Việt Nam… Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc sơ lược về cuốn sách của Giáo sư Trần Văn Thọ, thông qua cảm nhận được ông Huy Nam chia sẻ với báo chí. |
Đọc Kinh tế Nhật Bản, Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973
Cuốn sách mang đến nhận thức đầy đủ về một “nhà nước kiến tạo phát triển” |
Khi nhắc đến nước Nhật ta dễ liên tưởng đến nhiều điều hay ý tốt. Phổ biến là về nền kinh tế, về triết lý kinh doanh, lòng yêu nước và phẩm chất con người. Đây như các hình mẫu được nhiều giới, nhiều nước nghiên cứu và mô phỏng ứng dụng, Việt Nam là nước có quan tâm rất sớm. Các giá trị nổi trội đó được Giáo sư Trần Văn Thọ thể hiện trong cuốn Kinh tế Nhật Bản, Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973.
Mặc dù sách có tựa là Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973, tác giả đã mô tả một cách đầy đủ bức tranh kinh tế xã hội Nhật từ thời điểm chấm dứt Thế chiến 2, từ 1945 đến nay, cùng với các giềng mối trước đó và giai đoạn ‘hậu thần kỳ’ sau 1990. Sự dẫn dắt chi tiết này cung cấp lượng thông tin phong phú, có hệ thống, làm bật lên các giai đoạn đặc thù đáng ghi nhận.
Tuy chương đầu chủ yếu nói về giai đoạn 6 năm cai quản của Mỹ (1945-1951), nhiều thông tin ở đó lại khá thú vị. Dù mục đích là để xoá chế độ quân phiệt, thống soái Douglas McArthur và nhà kinh tế Joseph Dodge của Mỹ đã giúp Nhật cải tổ sâu rộng thể chế chính trị, kinh tế, xã hội, có tác dụng tích cực quá trình phát triển của Nhật sau chiến tranh và cho đến nay. Quá trình giải tán Hạ viện, thay đổi luật bầu cử, soạn hiến pháp mới, xác lập quyền làm chủ đất nước của quốc dân, công nhận quyền lập nghiệp đoàn, cải cách ruộng đất, giải thể tài phiệt, chống độc quyền, khắc phục lạm phát phi mã… diễn ra khá quyết liệt nhưng lại rất hoà bình, được Chính phủ Nhật và người Nhật đón nhận vui vẻ. Có thể nói, tuy gọi là bị cai quản 6 năm, Nhật đã khéo ‘khai thác’ và tiếp nhận được các thể chế cách tân tiến bộ tầm vĩ mô, thích hợp với yêu cầu phát triển bắt kịp phương Tây và tạo đà cho giai đoạn công nghiệp hoá về sau.
Là kỳ tích hậu chiến, từ một nước bại trận và chịu sự cai quản của Mỹ sau Thế chiến 2, nhờ tinh thần dân tộc cao và khả năng thích ứng tốt, Nhật đã giành lại độc lập chỉ sau 6 năm (1945-1951), phục hưng kinh tế trên cái nền đổ nát chỉ sau 10 năm (1945-1955), đặt nền móng cho giai đoạn phát triển thần kỳ. Những thành tố làm nên kỳ tích hậu chiến và sự phát triển thần kỳ của Nhật được tác giả nêu bật và lý giải công phu. Đó là các đóng góp từ giới lãnh đạo chính trị, trí thức, quan chức nhà nước, doanh nhân, giới lao động… Mỗi chủ thể dù có tố chất riêng, tất cả có chung lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng tự trọng, và cùng hướng về sự hưng thịnh đất nước. Có thể thấy trong sách nhiều (rất nhiều) những tên tuổi là hiền tài được trọng dụng, không phân biệt nguồn gốc đào tạo, chính kiến, cả trong bộ máy nhà nước lẫn lĩnh vực kinh tế, như Arisawa Hiromi, Tsuru Shigeto… Việc trọng dụng trí thức là đặc điểm nổi bật.
Những điển hình phẩm chất Nhật dẫn trong sách thật đáng ngưỡng mộ. Là cốt cách Nhật, để tiết kiệm Ikeda Hayato (Thủ tướng 1960-1964) lúc làm Bộ trưởng tài chính thời Nhật còn khó khăn, trong lần đi công cán Mỹ năm 1958, đã thuê khách sạn 3 sao và ở phòng 2 người cùng đoàn quan chức của Bộ. Hoặc khí khái như Shirasu Jiro, hàm Bộ trưởng thời Thủ tướng Yoshida Shigeru, trong lần mang quà Nhật Hoàng đến biếu Thống soái Douglas McArthur, thấy thái độ trịch thượng của McArthur, Shirasu nổi nóng phản ứng “chúng tôi chỉ là nước bại trận chứ không phải nô lệ của ông”. Thái độ khẳng khái, tự trọng, không sợ mất chức trước kẻ quyền lực đã khiến McArthur chột dạ, phải xin lỗi và từ đó thay đổi cách ứng xử với Nhật. Và câu chuyện về Murakami Nobuo cũng đáng phục. Là người đầu bếp giỏi của Khách sạn Imperial nổi tiếng Tokyo, nhờ vai trò phụ trách ẩm thực hoàn hảo ông đã được đề bạt là thành viên Hội đồng quản trị khách sạn này. Người đầu bếp ấy còn được Chính phủ tặng huân chương Thuỵ Bảo, được Tạp chí Nikkei vinh danh suốt một tháng để người sau học hỏi như một nhân vật kiệt xuất.
Dưới hiệu triệu kiến tạo phát triển và ‘kinh quốc vi dân’, các nhà chính trị kết hợp với trí tuệ của giới trí thức và chuyên gia, đã thiết đặt các chiến lược ưu tiên và định hướng lãnh vực phát triển tối ưu cho từng thời kỳ. Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đức tính tự trọng, vì cộng đồng, cầu thị sáng tạo, cũng được giới doanh nghiệp tôn giữ là giá trị, biểu hiện tinh thần doanh nghiệp. Nguồn lực xã hội được tôn trọng và đề cao với cơ chế tư vấn (shingikai) và tham vấn (kondankai). Việc công bố sách trắng hằng năm của Chính phủ đến mọi tầng lớp dân chúng (có từ 1947) là khía cạnh hành xử công khai minh bạch ‘vì dân’.
Một nội dung lớn về ‘năng lực xã hội’ được nhắc đến nhiều trong sách là việc toàn dụng lao động, nâng cao mức sống người dân thông qua chính sách kinh tế tham vọng, hiệu triệu cao về “bội tăng thu nhập quốc dân” của Thủ tướng Ikeda Hayato. Đây là sự tích hợp cột trụ về hoài bão của giới lãnh đạo chính trị kết nối với trí tuệ chuyên gia và tinh thần Nhật. Đây cũng là một điển hình của nhà nước kiến tạo.
Chuyên gia kinh tế Huy Nam (ảnh tư liệu) |
Ngoài đặc điểm giáo dục và đào tạo theo yêu cầu đáp ứng trong từng giai đoạn phát triển (chương 9), việc tuyển công chức, thi tuyển, đào tạo, phân bổ, giới hạn nhiệm kỳ, thăng tiến, ngăn ngừa tham nhũng… là các khía cạnh đáng tham khảo (Chương 7). Số ứng tuyển công chức rất cao, cạnh tranh gay gắt, thường là 1 chọi 50. Các ứng viên ưu tú dù tốt nghiệp tại các đại học uy tín sẽ còn cần vượt qua các cửa ải sàng lọc chuẩn mực. Theo ngạch công chức, đỉnh cao quan chức Nhật là thứ trưởng, thường có nhiệm kỳ 1 năm. Bởi, bộ trưởng đã là chính trị gia, phải là dân biểu và được thủ tướng bổ nhiệm.
Về mặt triển khai, câu chuyện thần kỳ Nhật là kết tụ tinh thần doanh nghiệp của nhiều tên tuổi với sự nghiệp cao cả được nhắc đến nhiều trong sách, như Matsushita Konosuke của National/Panasonic, Toyoda Eiji của Toyota, Ibuka Masaru và Morita Akio của Sony … Bên cạnh đó là các nội dung về triết lý kinh doanh và trách nhiệm xã hội, như phương thức kinh doanh kiểu Nhật, chế độ làm việc suốt đời…, nếu ta chỉ mới biết qua khái niệm thì nay đọc về Matsushita Konosuke (chương 8) sẽ hiểu sâu hơn.
Khát khao canh tân đất nước bằng con đường công nghiệp hoá từ thời Minh Trị đã được các thế hệ người Nhật tiếp nối rút ngắn khoảng cách Âu Mỹ. Có thể đọc thấy sự nung nấu thực hiện khát vọng này càng mãnh liệt trong tình thế hoang tàn thua trận. Và… không dừng ở ước vọng, có chăng nhờ sự hun đúc thôi thúc từ cú sốc đầu hàng (?), Nhật đã theo kịp các nước Tây Âu vào thập niên 1970s. Người đọc có thể bị lôi cuốn từ các tấm gương vì nước vì dân, sự đồng lòng, việc huy động hiệu quả nguồn lực xã hội, sự chen vai thích cánh để có thành quả vượt trội trong giai đoạn phát triển thần kỳ. Đến thập niên 1960s thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy kinh ngạc của Nhật về công nghệ thép, đóng tàu, xe hơi, điện/điện tử, tơ sợi… Nổi bật là dự án tàu cao tốc Shinkansen 630km Tokyo-Osaka hoàn tất chỉ 6 năm (1959-1965). Đến nửa sau thập niên 1980s, tài sản ròng hải ngoại của Nhật có quy mô cao nhất thế giới.
Từ thập niên ‘70s, thành quả phát triển thần kỳ Nhật đã tạo cảm hứng cho nhiều nước tiến hành cải tổ để hoá rồng, hoá hổ, theo hiệu ứng đàn sếu bay (flying in V-shape), cạnh tranh ngược lại với Nhật. Thiết nghĩ các nội dung chuyển tải trong sách đang và sẽ còn nguyên giá trị tham khảo cho Việt Nam từ cao xuống thấp, trong nhiều lĩnh vực…
Có tìm hiểu khá nhiều về Nhật, bản thân tôi và gia đình lại có thời gian dài làm việc với Đức, từng viết về Đức, tôi thấy tinh thần và hoàn cảnh phát triển của Nhật và Đức khá tương đồng. Thỉnh thoảng lại có người Đức ‘khoe’ một sản phẩm nào đó của họ “đã theo kịp Nhật” mới vui... Nay đọc sách của anh Trần Văn Thọ, thú thật tôi rất tâm đắc…
(*) Chuyên gia kinh tế; Thành viên Hội đồng chỉ số TTCK Việt Nam; Giảng viên PACE.
Bình luận