Tính đến hết năm 2023, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 27 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM). Các mặt hàng điều tra khá đa dạng, gồm: các sản phẩm kim loại cơ bản (nhôm, thép, vật liệu hàn); hóa chất (sorbitol, sợi filament, màng BOPP); vật liệu xây dựng (kính nổi, gỗ MDF); hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía, đường lỏng HFCS), trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng gắn với đời sống của người nông dân (sản phẩm đường, bột ngọt (liên quan tới cây mía), sorbitol (liên quan tới cây sắn).

Các biện pháp PVTM đã áp dụng với hàng nhập khẩu đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm khoảng 9,5% GDP của Việt Nam (ước tính theo GDP năm 2022) và công ăn việc làm của hàng triệu người lao động, người nông dân trong các lĩnh vực sản xuất trong nước, đặc biệt là trong ngành hàng nhạy cảm như nông nghiệp... Các biện pháp PVTM đã áp dụng cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước.

Huy động nhiều lực lượng cùng tham gia ứng phó với phòng vệ thương mại
Năm 2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra PVTM.

Đối với công tác ứng phó với các vụ việc PVTM nước ngoài: Năm 2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra PVTM.

Nhìn chung, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo đó, một số kết quả đạt được trong năm 2023 như: Hoa Kỳ kết luận thép dây không gỉ Việt Nam không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc, một số sản phẩm ống thép không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Đài Loan - Trung Quốc, doanh nghiệp pin mặt trời lớn của Việt Nam không lẩn tránh thuế và miễn thuế tạm thời với mặt hàng này, Chính phủ Việt Nam không trợ cấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe được rà soát trong năm 2021; Phi-líp-pin giảm thuế chống bán phá giá đối với xi măng so với lệnh áp thuế trước đó; Úc chấm dứt điều tra chống bán phá giá amoni nitrat; Mê-hi-cô đánh giá ngành thép mạ Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ trong kết luận cuối cùng so với kết luận sơ bộ trước đó…

Trong khi đó, đối với việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu của nước ta đã đối mặt với 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM của nước ngoài, trong đó riêng năm 2023 là 4 vụ việc gồm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: pin năng lượng mặt trời, dây cáp nhôm, bánh xe kéo bằng thép, thép không gỉ cán nguội.

Ngoài ra, hiện nay, Bộ Công Thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, trong đó đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra.

Nhằm tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cần tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau, cũng như sự kết nối giữa doanh nghiệp với hiệp hội, đảm bảo cho việc tham gia xử lý một vụ việc PVTM.

Các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cần tiếp tục duy trì hệ thống cảnh báo sớm. Thông qua các hoạt động và dữ liệu theo dõi tình hình xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường nước ngoài, sẽ có những cảnh báo trước đối với các doanh nghiệp về những mặt hàng nào, những nhóm hàng nào có khả năng, những thị trường nào có khả năng bị sẽ tiến hành điều tra PVTM với hàng hóa của Việt Nam trong tương lai.

Đặc biệt là những biến động xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường nếu như mặt hàng đó tăng trưởng quá nhanh hoặc chiếm một thị phần tương đối ở các nước nhập khẩu và mặt hàng đó đã là đối tượng bị điều tra PVTM đối với nước khác sẽ được xác định thuộc diện mặt hàng có nguy cơ có rủi ro. Từ đó cung cấp thông tin thường xuyên đến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cùng lưu ý theo dõi.

Thông qua đó, doanh nghiệp có thể xác định được mặt hàng doanh nghiệp xuất khẩu có phải là đối tượng rủi ro hay không. Nếu là mặt hàng rủi ro bị điều tra PVTM, doanh nghiệp có thể đề ra những chiến lược cụ thể và chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị tâm thế trong trường hợp xảy ra bị điều tra thì cũng có những sự chuẩn bị trước.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc để có một chiến lược đa dạng hóa hơn thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu tiềm ẩn rủi ro như vậy./.