Kết nối nhân tài cho ngành công nghiệp bán dẫn
Cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng đáp ứng chưa tới 20%
Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Hiệp hội thiết bị và bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS 2023), với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á” trong các ngày 28-29/9/2023.
Mục đích của VBS 2023 nhằm giới thiệu tiềm năng của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch bán dẫn; trao đổi, thảo luận giữa cơ quan nhà nước và các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, vi mạch trong nước và quốc tế; đề xuất chính sách, giải pháp đẩy nhanh phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam; chia sẻ cơ hội hợp tác với các trường đại học Việt Nam và SEMI phát triển nhân lực vi mạch.
Trong chuỗi sự kiện của VBS 2023 lần này, diễn đàn "SEMI SEA TalentCONNECT" được Hiệp hội bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) – Thành viên của SEMI toàn cầu, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ - VNU đồng tổ chức hôm nay (ngày 28/9), nhằm kết nối nhân tài, giúp sinh viên Việt Nam và những người trẻ tuổi hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Đây là lần đầu tiên Diễn đàn TalentCONNECT (kết nối nhân tài) diễn ra tại Hà Nội |
Diễn đàn thu hút hơn 100 khách quốc tế là đại diện của các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn, lãnh đạo của SEMI SEA; đại diện các bộ, ngành và VNU, cùng hơn 250 sinh viên đến từ các trường đại học kỹ thuật lớn như: Trường Đại học Công nghệ - VNU, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học FPT...
Chia sẻ tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Bộ Thông tin và Truyền thông, VNU, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%...
TS. Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong công cuộc phát triển nền kinh tế, trong đó đổi mới công nghệ bằng cách chuyển đổi kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ này. Đồng thời, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.
“Hội nghị Thượng đỉnh năm nay sẽ thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng điện tử Đông Nam Á và là cầu nối cho sự phát triển của ngành bán dẫn trong khu vực, được xem như là thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi ngành bán dẫn toàn cầu trong những năm tới.”, ông Nghĩa nói.
GS, TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ dự báo trong 10 năm tới, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ phát triển bền vững |
Theo ông Chử Đức Trình, hiện nay ở Việt Nam và trên toàn thế giới, lĩnh vực về chất bán dẫn, thiết kế vi mạch và các ngành liên quan đang là mối quan tâm lớn. Điều này thể hiện ở cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp bán dẫn và sự tác động mạnh mẽ của nó lên nền kinh tế toàn cầu. Việc thiết kế lại chuỗi cung ứng, các chính sách khuyến khích hay sự thiếu hụt nhân lực đang đặt ra thách thức lớn cho các ngành công nghiệp ở trên toàn thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Ngành bán dẫn sẽ "hút" mạnh nguồn nhân lực trẻ
Theo ông Gary Leong, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao, Vitrox Corporation Berhad, chúng ta đang sống ở một thời đại mà không thể thiếu các đồ điện tử - những đồ được chế tạo từ bán dẫn. Vì vậy, trong tương lai, ngành bán dẫn đang rất cần các bạn trẻ tham gia.
“Tôi có 3 lời khuyên với các bạn sinh viên: Không ngừng học hỏi; học cách tận dụng AI để giúp bản thân làm việc hiệu quả hơn; luôn có đam mê và trí tò mò…”, ông Gary chia sẻ.
Các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn |
SEMI SEA và Trường Đại học Công nghệ cam kết tiếp tục hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và tạo ra thế hệ tài năng mới cho tương lai. Hiện Trường Đại học Công nghệ là một trong số ít trường đại học có chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch từ bậc Đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam. |
Còn ông Chong Chan Pin, Phó Chủ tịch SEMI SEA cho rằng, nền công nghiệp bán dẫn đang phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới. Năm 2022, được ước tính ngành bán dẫn trị giá gần 500 tỷ USD và được dự báo sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Điều này dẫn đến việc chúng ta cần thêm rất nhiều nhân lực về ngành này. Ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là một cuộc cách mạng, nó còn là một ngành xương sống của cuộc cách mạng số, như điện thoại thông minh, thiết bị y tế cao cấp…
“Một điểm quan trọng nữa là Việt Nam đang có rất nhiều kỹ sư giỏi với tuổi đời còn rất trẻ. SEMI SEA tin tưởng rằng, đội ngũ kỹ sư giỏi này cần được rèn luyện, hỗ trợ và trao quyền để nâng cao vị thế của Việt Nam”, ông Chong khuyến nghị.
Sinh viên của các trường đại học tự tin trao đổi tại Diễn đàn |
Theo góc nhìn của ông Trình, ngành bán dẫn tại Việt Nam đang trên con đường phát triển và hoàn toàn có nhiều cơ hội thành công cao trong tương lai, do Việt Nam có vị trí địa lý rất thuận lợi và có nền tảng công nghiệp điện tử khá tốt. Chúng ta có đội ngũ nhân lực chất lượng và tay nghề cao, tận tâm, chăm chỉ và sáng tạo với hơn 70 trường đại học về lĩnh vực công nghệ và STEM trên toàn quốc, trong đó có một số trường có thứ hạng cao trên thế giới. Các sinh viên có mặt ngày hôm nay cũng sẽ nằm trong số nguồn nhân lực tiềm năng trong tương lai của ngành bán dẫn.
“Đặc biệt, lần này chúng tôi còn có được sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế, của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới… Tôi tin rằng trong 10 năm tới, nền công nghiệp này sẽ phát triển bền vững, vì nó đang được không chỉ Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và ủng hộ, mà các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đang có dự định đầu tư vào Việt Nam… Do đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt cho những ai theo học về ngành bán dẫn…”, ông Trình dự báo./.
Bình luận