Cơ hội không nhỏ

Sau Phiên đàm phán lần thứ 14 diễn ra trong từ ngày 13-17/7/2015, hôm nay (4/8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng đã có buổi điện đàm với Cao ủy Thương mại EU, Cecilia Malmstrom và thống nhất kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung mạnh mẽ, do đó Hiệp định EVFTA được dự đoán sẽ mang lại tác động rất tích cực cho cả Việt Nam và EU, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích kinh tế. Các tác động đáng kể nhất bao gồm:

Về xuất nhập khẩu, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU. Voeejt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.

Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.

Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ… cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng. Mặt khác, các cam kết này cũng đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan. Tuy nhiên, về cơ bản việc điều chỉnh này phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng của ta nên về lâu dài sẽ mang lại tác động tích cực đến tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan của Việt Nam.

Trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU cũng đã thống nhất khuôn khổ cho các chương trình hợp tác và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Khuôn khổ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong Hiệp định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ... hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Cuối cùng, với việc ký kết FTA với một đối tác phát triển cao như EU sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp ổn định an sinh - xã hội cho Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (Mutrap), FTA Việt Nam – EU sẽ đem lại những lợi ích bền vững cho cả hai bên, trong đó phần lợi ích của Việt Nam là trội hơn.

Xuất khẩu da giày sang EU là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất

Chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan sẽ làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên khoảng 30% đến 40%, cao hơn mức tăng xuất khẩu trong trường hợp không có Hiệp định. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ FTA bao gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm (trong đó có thủy sản). Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng mở rộng đáng kể nhờ FTA, và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế.

Ngoài ra, hiệp định được kỳ vọng là làm tăng phúc lợi và có tác động tích cực đến giảm nghèo. Về khu vực địa lý, FTA sẽ có tác động tích cực tới đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung hơn so với các vùng miền khác của Việt Nam.

Xen lẫn nhiều thách thức

Liên quan đến những thách thức doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi kết thúc đàm phán FTA và mở rộng thị trường EU, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu nhiều sức ép.

Cụ thể, với FTA, hàng hóa của EU sẽ vào Việt Nam dễ dàng hơn và giảm giá mạnh do không phải chịu thuế nhập khẩu. Chính vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được.

Ngoài ra, các doanh nghiệp từ EU cũng có thể dễ dàng thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động ở Việt Nam và tham gia vào các lĩnh vực hiện nay Việt Nam chưa có thế mạnh, hoặc đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, như: ngành logistics, cảng biển, một số mặt hàng tiêu dùng. Với kinh nghiệm quản lý, chất lượng vượt trội hơn hẳn của các doanh nghiệp EU, nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam chịu lép vế là khá rõ ràng.

Bên cạnh đó, khi hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU được đẩy mạnh, thì nguy cơ các doanh nghiệp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ thường xuyên hơn và ở mức độ rộng hơn. Thế nhưng, lĩnh vực này các doanh nghiệp trong nước còn ít kinh nghiệm xử lý.

Một điểm đáng chú ý khác đó là, mức thuế bình quân áp dụng với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam về cơ bản đều ở mức thấp. Vì vậy, FTA Việt Nam – EU thực hiện ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ngân sách do nguồn thu thuế nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Thị trường EU vẫn được đánh giá là thị trường khó tính. Hàng rào kỹ thuật của họ cũng có nhiều điểm cần lưu ý, đặc biệt là môi trường và tiêu chuẩn lao động cao. Vì vậy, bà Hằng khuyên các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường bởi nếu muốn chiến thắng ở thị trường nào, chúng ta cần phải tìm hiểu rất rõ về thị trường ấy. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp trong nước chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời xây dựng tốt mối liên kết với nhau để cùng tìm cách khắc phục khó khăn, thì những bất lợi từ FTA giữa ASEAN, trong đó có Việt Nam và EU sẽ được giảm thiểu./.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2014, đã có 23 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 37 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.