TS. Tôn Thất Viên

Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH)

Email: tt.vien@hutech.edu.vn/vientonthat@gmail.com

Tóm tắt

Trên cơ sở sử dụng phương pháp thống kê, so sánh và điều tra, khảo sát khách hàng doanh nghiệp (DN) với 127 phiếu hợp lệ, nghiên cứu phân tích thực trạng phát triển dịch vụ ngân hàng xanh (NHX) tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển dịch vụ này tại Ngân hàng BIDV trong thời gian tới.

Từ khóa: dịch vụ ngân hàng xanh, môi trường xã hội, ngân hàng thương mại

Summary

Employing statistical, comparison methods and conducting a survey of corporate customers with 127 valid samples, the paper analyzes the reality of green banking service at Bank for Investment and Development of Vietnam JSC. (BIDV), then proposes a number of solutions to boost this service at BIDV in the near future.

Keywords: green banking service, social environment, commercial bank

ĐẶT VẤN ĐỀ

Xu hướng gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế hiện nay ngày càng gây áp lực lên tài nguyên và môi trường. Do đó, tăng trưởng xanh được các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Đây là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Quyết định số 1658/2021/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó phân công các bộ, ban, ngành phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, nhiệm vụ xây dựng mô hình phát triển NHX của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là rất quan trọng.

Để phát triển dịch vụ NHX, BIDV phải tập trung phát triển 2 mảng dịchvụ nòng cốt là dịch vụ tín dụng xanh (TDX) và dịch vụ ngân hàng điện tử. Trong đó, dịchvụ ngân hàng điện tử hiện nay là mảng dịch vụ tương đối truyền thống, đang được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ. Riêng đối với dịch vụ TDX là mảng dịch vụ có tính mới, chuyên biệt và đòi hỏi tính thông lệ quốc tế cao, buộc các ngân hàng cần có thời gian, các nguồn lực cần thiết đầu tư phát triển. Do đó, việc nghiên cứu khách hàng (cụ thể khách hàng DN) sử dụng dịch vụ NHX tại Ngân hàng BIDV là điều cần thiết.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm dịch vụ NHX

Theo Habib (2011), sản phẩm NHX là hàng hóa công cộng toàn cầu tạo cơ hội cho xã hội thu được lợi ích mà không có tác động tích cực hay tiêu cực nào đến môi trường. Tuy nhiên, do ngân hàng phải đầu tư chi phí cao, nên thường không quan tâm đến thiết lập sản phẩm xanh.

Còn K. Sudhalakshmi (2014) cho rằng, dịch vụ NHX có thể trực tiếp hoặc gián tiếp giúp giảm lượng khí thải carbon. Các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng sẽ được ngân hàng ưu tiên đầu tư. Các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc bất kỳ dự án nào liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ cho môi trường, như: nhà máy năng lượng tái tạo, phân bón sinh học, bảng năng lượng mặt trời…, được ngân hàng khuyến khích tài trợ.

Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một khái niệm nào đề cập đến “dịch vụ ngân hàng”. Trong Luật Các tổ chức tín dụng chỉ đề cập đến hoạt động ngân hàng” chứ chưa giải thích cụ thể khái niệm dịch vụ ngân hàng.

Theo nghĩa hẹp, một số quan điểm cho rằng, hoạt động dịch vụ ngân hàng là các hoạt động sinh lời của ngân hàng, trừ hoạt động tín dụng. Theo nghĩa rộng, có quan điểm khác cho rằng, hoạt động dịch vụ ngân hàng là tất cả các hoạt động của ngân hàng, như: tín dụng, tiền tệ, thanh toán… Quan điểm này phù hợp với cách phân loại các phân ngành dịch vụ ngân hàng trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cũng phù hợp với nội dung của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Dịch vụ ngân hàng nằm trong dịch vụ tài chính, do vậy, theo WTO, một dịchvụ tài chính là bất kỳ dịch vụ nào có tính chất tài chính được một nhà cung cấp dịch vụ tài chính cung cấp. Theo phân loại dịch vụ của WTO, dịch vụ tài chính được xếp trong phân ngành thứ 7 trong số 12 phân ngành của dịch vụ. Cụ thể, dịch vụ tài chính bao gồm: dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ chứng khoán và các dịch vụ tài chính khác (ngoại trừ bảo hiểm). Như vậy, trong phạm vi nghiên cứu, tác giả sử dụng dịch vụ ngân hàng theo nghĩa rộng. Hiện nay, chưa có một khái niệm được công nhận về dịch vụ NHX, do trong các nghiên cứu về dịch vụ NHX, các tác giả không đặt nặng vấn đề xây dựng khái niệm chính xác, mà thường chú trọng đến lợi ích của dịch vụ NHX đối với môi trường, xã hội.

Từ các quan điểm trên, quan điểm của tác giả về dịch vụ NHX như sau: Dịch vụ NHX được hiểu là các dịch vụ ngân hàng đảm bảo tiêu chí xanh thông qua các khoản tín dụng tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường sinh thái hoặc áp dụng chính sách quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng điện tử giúp giảm phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng trong hoạt động nội bộ ngân hàng.

Mô hình phát triển và hoạt động của NHX

Mô hình NHX

Kaeufer (2010) đưa ra mô hình NHX với 5 cấp độ như sau:

Cấp độ 1: Ở cấp độ này, các ngân hàng tài trợ cho các sự kiện xanh và thực hiện các hoạt động cộng đồng nhưng không coi là hoạt động cốt lõi của ngân hàng.

Cấp độ 2: Ngân hàng phát triển thêm các sản phẩm và dịch vụ xanh riêng biệt, chiếm tỷ trọng nhỏ bên cạnh danh mục các sản phẩm ngân hàng truyền thống.

Cấp độ 3: Ở cấp độ này, các sản phẩm, quy trình của ngân hàng đều tuân thủ theo nguyên tắc xanh. Hoạt động của ngân hàng có hệ thống và cơ cấu tổ chức ngân hàng được thiết kế để hỗ trợ nguyên tắc xanh trên 4 giác độ: con người, quy trình, nguyên tắc và mục đích.

Cấp độ 4: Cân bằng hệ sinh thái mang tầm chiến lược, sự bền vững của xã hội, môi trường và tài chính không chỉ giới hạn ở phạm vi các nghiệp vụ đơn lẻ, mà được mở rộng thành mạng lưới, liên minh, đối thoại cộng đồng.

Cấp độ 5: Sáng kiến cân bằng hệ sinh thái chủ động. Ở cấp độ này, hoạt động NHX giống như ở cấp độ 4, nhưng được thực hiện một cách chủ động có mục đích chứ không phải ứng phó với sự thay đổi bên ngoài.

Hoạt động NHX

Theo Kaeufer (2010), hoạt động NHX rất rộng, từ việc tiết kiệm giấy sử dụng của ngân hàng và của khách hàng đến việc giảm số lượng các chi nhánh ngân hàng, áp dụng ngân hàng trực tuyến, áp dụng các tiêu chuẩn khi cấp tín dụng cho các dự án về năng lượng tái tạo, dự án giảm khí thải carbon… Như vậy, xét theo phạm vi, hoạt động NHX bao gồm: hoạt động nội bộ và hoạt động NHX bên ngoài ngân hàng.

Hoạt động NHX trong nội bộ ngân hàng

Thông qua các hoạt động giảm thiểu tác động trực tiếp bên trong khu vực ngân hàng đến môi trường, ngân hàng có thể làm giảm phát thải carbon bằng cách:

- Hạn chế sử dụng giấy tờ. Khi các chi nhánh ngân hàng ứng dụng công nghệ thông tin, có rất nhiều cơ hội để cung cấp các dịch vụ ngân hàng sử dụng ít giấy tờ hoặc thậm chí không cần dùng giấy tờ. Các ngân hàng có thể chuyển sang các báo cáo điện tử, đồng thời, khuyến khích khách hàng của mình chuyển sang các giao dịch điện tử. Mặt khác, ngân hàng có thể sử dụng các sản phẩm giấy tái chế với sự phân hủy cao nhất cho các báo cáo, giấy biên nhận… và sử dụng các loại mực viết từ thực vật thay thế cho các loại mực viết kém thân thiện với môi trường.

- Nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngân hàng, như: sử dụng ánh sáng huỳnh quang để tiết kiệm năng lượng, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, như: năng lượng mặt trời, gió…, để quản lý các chi nhánh và hệ thống ATM.

- Xây dựng ngân hàng trực tuyến, bao gồm: thanh toán hóa đơn trực tuyến, chuyển tiền, báo cáo trực tuyến…, giúp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Hoạt động NHX bên ngoài ngân hàng

Các hoạt động gián tiếp nhằm giảm tác động đến môi trường do chính khách hàng của ngân hàng gây ra sẽ khiến các ngân hàng phải kiểm tra tác động của các quyết định đầu tư đến môi trường, đặc biệt là việc tài trợ cho các dự án liên quan đến môi trường, xã hội. Như vậy, hoạt động NHX bên ngoài ngân hàng là các hoạt động cấp tín TDX của ngân hàng cho các dự án liên quan đến môi trường, xã hội.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê, so sánh và tổng hợp. Số liệu nghiên cứu dựa trên trang web của BIDV cùng vớ ibảng câu hỏi và khảo sát của tác giả. Số phiếu được gửi đến các DN là 150 phiếu thông qua sự hỗ trợ của cán bộ tín dụng BIDV bằng cách thức gửi mail và đường link trực tuyến công cụ Google forms. Số phiếu thu về 127 phiếu hợp lệ.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thực trạng sử dụng dịch vụ NHX tại BIDV

Hiểu biết của DN về dịch vụ NHX

Kết quả khảo sát 127 DN khách hàng của BIDV về mức độ hiểu biết và tìm hiểu thông tin về NHX, TDX, sự hỗ trợ nhận được cũng như chính sách tăng trưởng và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam cho thấy, hầu như các DN trong mẫu khảo sát đều tỏ ra khá mơ hồ với những khái niệm trên. Cụ thể, có 76% DN được hỏi không biết các thông tin về khái niệm và các chính sách này, chỉ có 24% số DN còn lại được hỏi đã từng nghe nói hoặc tìm hiểu sơ qua về các chính sách, quy định trong chiến lược phát triển bền vững của Chính phủ và các cam kết của chính quyền địa phương trong tăng trưởng xanh. Trong số 24% DN này, các thông tin DN có được chủ yếu từ các dự án liên quan đến môi trường. Điều này có nghĩa là, khi DN cần vay vốn ngân hàng cho các dự án liên quan đến môi trường, thì họ mới tìm hiểu các thông tin này hoặc được tư vấn từ phía ngân hàng. Tỷ lệ này chiếm 42,2%, còn lại 21,6% các thông tin DN có được từ Chính phủ; 20,7% từ NHNN; 9,5% từ ngân hàng thương mại; 6% từ các tổ chức quốc tế và nguồn khác.

Để tìm hiểu sâu hơn về mức độ hiểu biết của DN về NHX, TDX, tác giả tiến hành khảo sát. Kết quả cho thấy, sự hiểu biết của DN về NHX ở mức điểm trung bình 3,45 - là mức đồng ý, trong đó, mức hiểu biết NHX là ngân hàng tài trợ cho các dự án không gây hại với môi trường và giảm phát thải carbon và ngân hàng đưa ra các điều kiện ưu đãi dành cho các khoản đầu tư xanh được các DN đánh giá mức điểm đồng ý khá cao, lần lượt là 3,72 và 3,67. Điều này cho thấy, các DN trong mẫu khảo sát đều có mức hiểu biết cơ bản về NHX, từ đó làm nền tảng cho họ triển khai các chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể để tiếp cận các khoản TDX từ ngân hàng, giúp DN phát triển bền vững.

Nhu cầu đầu tư xanh và vay vốn TDX của DN tại BIDV

Dựa trên những hiểu biết cơ bản của DN về NHX, tác giả tiến hành khảo sát về nhu cầu đầu tư xanh và việc tiếp cận vốn TDX của DN. Kết quả cho thấy:

(i) Trong số 127 DN, có 72% DN chưa từng đề xuất vay vốn TDX của ngân hàng. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của các DN Việt Nam để phục vụ sản xuất, kinh doanh là khá lớn, nhưng nhu cầu về vốn TDX lại thấp.

(ii) Khi được hỏi về việc BIDV đã bao giở từ chối cấp tín dụng cho các dự án gây tác động xấu đến môi trường hay không, có 20,5% DN được khảo sát cho rằng, Ngân hàng có từ chối; 45,7% DN cho rằng, Ngân hàng không từ chối và 33,8% có ý kiến khác. Thực tế cho thấy, việc đánh đổi lợi ích kinh tế từ các dự án gây tác động đến môi trường và việc đảm bảo an toàn cho môi trường, xã hội mà lợi ích chưa nhìn thấy được là một thách thức lớn đối với ngân hàng. Bởi, một số dự án gây ô nhiễm môi trường cũng là những dự án mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng và DN. Vì vậy, các ngân hàng thường né trách cắt giảm tín dụng cho các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh.

Về chiến lược đầu tư xanh của DN trong tương lai. Trong số các DN trong mẫu, có 56% DN cho rằng, họ có ý định và đang đầu tư vào dự án xanh; 37% DN không có ý định và chiến được đầu tư dự án xanh, còn lại 7% DN có ý kiến khác. Đây là một dấu hiệu tương đối khả quan cho thấy, các DN đã có nhu cầu đầu tư xanh và có kế hoạch hoặc đang thực hiện dự án đầu tư xanh.

Nghiên cứu của Leonidou (2013) về hoạt động đầu tư xanh của DN cho thấy, hoạt động này được thực hiện trong các lĩnh vực, như: sử dụng và sản xuất năng lượng tái tạo; ứng dụng công nghệ tạo ra lượng CO2 thấp; tiết kiệm năng lượng; xử lý chất thải giảm ô nhiễm môi trường; sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; đa dạng hóa sinh học. Dựa trên các nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới, tác giả lựa chọn các lĩnh vực đầu tư xanh phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam làm gợi ý cho DN về nhu cầu đầu tư xanh của họ vào các lĩnh vực như Hình.

Hình: Lĩnh vực đầu tư xanh được DN quan tâm

Khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng xanh tại  Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Kết quả khảo sát cho thấy, lĩnh vực đầu tư xanh được DN quan tâm nhất là sử dụng đất nông nghiệp bền vững, công nghiệp tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải thương mại và năng lượng điện mặt trời. Có thể thấy, đây là những lĩnh vực đầu tư xanh có tính khả thi cao và có thể đầu tư trong điều kiện về nguồn vốn của DN còn hạn chế. Riêng đối với lĩnh vực năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió là lĩnh vực mặc dù yêu cầu vốn đầu tư lớn, song đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời tài chính nhiều hơn các lĩnh vực khác và đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía Chính phủ, các tổ chức quốc tế. Vì vậy, đây cũng là những lĩnh vực được DN quan tâm.

Từ những lĩnh vực đầu tư xanh được DN quan tâm, tác giả khảo sát về lĩnh vực đầu tư xanh cần hỗ trợ vốn từ phía ngân hàng. Kết quả khảo sát cho thấy, các DN đều có mức điểm đồng ý trung bình là 3,6; trong đó, 2 lĩnh vực DN cho rằng, cần được tài trợ vốn tín dụng xanh nhiều nhất là nông nghiệp xanh (mức đồng ý 3,87), dự án sử dụng năng lượng tái tạo (mức đồng ý là 3,72) và các dự án sử dụng công nghệ xanh, xử lý rác thải môi trường (mức đồng ý là 3,76). Điều này phản ánh, đây là các lĩnh vực cần ưu tiên hỗ trợ vốn từ ngân hàng, bởi đây cũng là những lĩnh vực đầu tư đòi hỏi quy mô vốn lớn và tác động đến môi trường tương đối nhiều. Kết quả này cũng cho thấy, có sự thống nhất giữa mối quan tâm đầu tư xanh của các DN vào các lĩnh vực và nhu cầu cần tài trợ vốn TDX vào các lĩnh vực này.

Tình hình tiếp cận TDX của DN

Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn của DN thông qua sự tài trợ của ngân hàng là rất lớn, song khả năng tiếp cận vốn TDX lại rất hạn chế. Kết quả khảo sát những khó khăn DN gặp phải khi tiếp cận vốn TDX của ngân hàng cho thấy, các yếu tố gây khó khăn và là rào cản đối với DN có giá trị trung bình cộng là 3,64 - là mức đồng ý, bao gồm: Chưa hiểu đối tượng được hỗ trợ vốn TDX; Thủ tục vay vốn rườm rà, phức tạp; Chưa hiểu về quy trình thẩm định TDX của ngân hàng; Thiếu thông tin về lĩnh vực đầu tư xanh; Chưa có nhu cầu sử dụng TDX; Công nghệ và kỹ thuật đánh giá dự án đầu tư xanh phức tạp; DN không có khả năng tự lập hồ sơ; Thời gian xin cấp TDX dài, chi phí chuẩn bị hồ sơ tín dụng cao; Nhân viên ngân hàng chưa có đủ năng lực để đánh giá dự án đầu tư xanh. Trong đó, một số yếu tố có mức đánh giá đồng ý cao nhất là: Công nghệ và kỹ thuật trong đánh giá dự án đầu tư xanh phức tạp (điểm đánh giá mức đồng ý 3,88), tiếp đến là Chưa hiểu về quy trình thẩm định TDX của ngân hàng (điểm đánh giá mức đồng ý 3,79) và Thiếu thông tin về lĩnh vực đầu tư xanh (điểm đánh giá mức đồng ý 3,73).

Từ những khó khăn DN gặp phải trong việc tiếp cận vốn TDX, để tháo gỡ khó khăn này, cần có sự hỗ trợ từ các bên liên quan, đặc biệt là từ phía BIDV. Kết quả khảo sát cho thấy, Hỗ trợ về lãi suất; Hỗ trợ về vốn; Hỗ trợ về thủ tục vay vốn; Hỗ trợ về thông tin; Hỗ trợ về tài sản đảm bảo và Hỗ trợ khác, đều là cần thiết cho DN tiếp cận được TDX, nhất là các hỗ trợ về lãi suất, vốn và tài sản đảm bảo là những hỗ trợ DN đánh giá mức điểm cao nhất.

Một số đánh giá

Như vậy, từ thực trạng phát triển dịch vụ NHX tại BIDV, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Một là, nhận thức của các nhà quản lý BIDV về NHX nói chung và phát triển dịch vụ NHX nói riêng mới dừng lại ở mức hiểu biết NHX ở cấp độ 3 trong mô hình 5 cấp độ phát triển NHX. Tuy nhiên, nhận thức và đánh giá các lợi ích cũng như khó khăn trong việc triển khai dịch vụ NHX, các nhà quản lý cũng phần nào nhận thấy phát triển dịch vụ NHX là một xu thế đúng đắn và sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ các bên trong tương lai. Đồng thời, việc triển khai dịch vụ NHX hiện nay tại Việt Nam cũng gặp không ít thách thức từ phía bản thân ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước và khách hàng.

Ngoài ra, các nhà quản lý BIDV đều nhận thức rằng, cần cho vay các dự án thân thiện môi trường, như: nông nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo… và hạn chế cho vay các dự án gây tác động tiêu cực đến môi trường, như: thủy điện, lọc hóa dầu. Sự nhìn nhận và quan tâm đến khía cạnh rủi ro môi trường của dự án đầu tư được thể hiện thông qua việc loại bỏ dự án ngay từ đầu và đánh giá giám sát dự án thông qua các danh mục tài liệu hỗ trợ như báo cáo đánh giá tác động môi trường và các tài liệu khác. Bên cạnh đó, các nhà quản lý BIDV đều đồng ý, mức độ phát triển của ngân hàng này hiện nay đang ở mức độ 3 trong mô hình NHX 5 cấp độ.

Hai là, kết quả khảo sát các DN về hiểu biết của họ đối với dịch vụ NHX và nhu cầu sử dụng dịch vụ NHX trên các khía cạnh cho thấy nhu cầu đầu tư xanh cũng như lĩnh vực đầu tư xanh mà các DN quan tâm. Hơn nữa, những rào cản trong việc tiếp cận vốn TDX và sự hỗ trợ tiếp cận vốn TDX, đặc biệt là lãi suất sẽ phần nào giúp các nhà quản lý ngân hàng, các cấp quản lý khác thiết kế các dịch vụ NHX phù hợp và có các cơ chế, chính sách khuyến khích DN phát triển đầu tư xanh.

Ba là, BIDV chưa thiết kế được sản phẩm dịch vụ NHX chuyên biệt mà mới chỉ dừng lại ở việc cấp tín dụng cho các dự án thân thiện môi trường hoặc có lồng ghép đánh giá rủi ro môi trường trong các dự án gây tác động đến môi trường (trong số những dự án này, có nhiều dự án cho vay theo chỉ định của Chính phủ). Sản phẩm này chủ yếu dành cho khách hàng DN, đối với sản phẩm xanh dành cho nhóm khách hàng cá nhân, như: cho vay xây nhà tiết kiệm năng lượng, cho vay mua phương tiện giao thông thân thiệt với môi trường…, hầu như chưa có. Bên cạnh đó, sự chủ động thiết kế các sản phẩm dịch vụ NHX của BIDV để tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của khách hàng còn rất ít. Sản phẩm dịch vụ NHX mới chỉ đáp ứng ở khâu quyết định tín dụng mà chưa có những biện pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ khách hàng đầu tư vào công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng một cách chủ động.

Bốn là, năng lực của đội ngũ nhân viên ngân hàng, nhất là đội ngũ cán bộ tín dụng của BIDV hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm định TDX bởi các tính chất đặc thù của các dự án này. Bản thân các cán bộ tín dụng chỉ có chuyên môn sâu trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng nói chung, còn đối với lĩnh vực đầu tư xanh mang tính chất đặc thù, đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có trình độ để thẩm định, đánh giá tác động của dự án đến môi trường, xã hội. Trên thực tế, một số cán bộ đôi khi chỉ dựa vào kinh nghiệm thẩm định đánh giá các dự án đã làm trước đó để thẩm định các dự án khác. Điều này sẽ đưa ra một quyết định tín dụng thiếu căn cứ và làm cho khoản tín dụng đối mặt với nhiều rủi ro, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái nếu được triển khai.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ NHX TẠI BIDV

Thứ nhất, về định hướng kinh doanh

Ngân hàng tiếp tục triển khai hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ với mục tiêu giữ vững vị thế là ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam, đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa khách hàng, chuyển dịch cơ cấu theo hướng bền vững. Đối với sản phẩm tín dụng, chú trọng các gói tín dụng cho các nhóm khách hàng tốt và lĩnh vực ưu tiên, gia tăng các khoản tín dụng có hệ số rủi ro tốt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn.

Thứ hai, về xây dựng hệ thống quản lý môi trường nội bộ

Hoạt động NHX bao gồm hoạt động NHX nội bộ và NHX bên ngoài ngân hàng. Trước hết, muốn tác động đến nhận thức của khách hàng, bản thân BIDV cần triển khai các hoạt động xanh hóa ngân hàng. Cụ thể, cần có những biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và tài nguyên trong hoạt động nội bộ ngân hàng, như: tiết kiệm điện, giấy, tăng cường các giao dịch trực tuyến, tổ chức các buổi hội thảo, họp trực tuyến. Bên cạnh đó, cần tạo ra không gian và môi trường làm việc thân thiện với môi trường nhiều cây xanh. Khi ngân hàng đi đầu trong quá trình nhận thức về các vấn đề liên quan đến NHX thì mới tạo ra sức lan tỏa đến các khách hàng.

Thứ ba, về việc chăm sóc khách hàng

Đối với bất kỳ một DN nào nói chung, việc chăm sóc khách hàng nhằm duy trì mối quan hệ với khách hàng có vai trò hết sức quan trọng. Điều này càng cần thiết đối với lĩnh vực dịch vụ, bởi sự vô hình của loại hình này. Sự cảm nhận, tin tưởng của khách hàng sẽ giúp họ tìm đến và tiếp tục sử dụng các dịch vụ khác. Ngân hàng là một DN đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tài chính – ngân hàng cho khách hàng, nên việc chăm sóc khách hàng càng phải được quan tâm đúng mức. BIDV cần phải có chiến lược chăm sóc khách hàng phù hợp với chiến lược phát triển chung của ngân hàng, đưa ra chính sách đối với từng phân khúc thị trường khách hàng, như: đối với khách hàng vip, khách hàng tiềm năng, khách hàng truyền thống và khách hàng phổ thông.

Thứ tư, tiến hành xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường, xã hội

Ngân hàng cần hoàn thiện các tiêu chuẩn theo Basel II, mặc dù Ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận hoàn thành. Tiến tới, trong dài hạn, Ngân hàng cần xây dựng các chỉ tiêu để đạt lộ trình thực hiện theo Basel III. Tăng cường hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng, trong đó, các chỉ số cảnh báo sớm rủi ro tín dụng cần phải được bao quát và đầy đủ nhất, như: tình hình tài chính của khách hàng, khả năng thanh toán, tài sản đảm bảo… Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các chỉ tiêu có thể tính tự động, như: tỷ lệ sử dụng hạn mức, số ngày quá hạn, độ biến động dòng tiền vào ra nhằm tăng tính hiệu quả, bảo đảm số liệu cập nhật theo thời gian thực.

Thứ năm, xây dựng và áp dụng khung năng lực đánh giá cán bộ nhân viên

Khi tuyển dụng cán bộ, Ngân hàng đã đưa ra các tiêu chuẩn của mình, song trong quá trình làm việc, khả năng thích ứng xử lý công việc của mỗi cán bộ lại khác nhau. Do đó, khung năng lực đánh giá được xây dựng nhằm tạo ra yêu cầu bắt buộc, đồng thời là một cách khuyến khích bản thân mỗi cán bộ nhân viên phải tự học tập rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng và cập nhật các kiến thức, quy định chính sách mới trong quá trình thực hiện nghiệp vụ hiệu quả nhất. Điều này đặc biệt rất cần thiết với cán bộ trong bộ phận phụ trách các khoản tín dụng hỗ trợ đầu tư xanh, bởi các quy định chính sách sẽ có sự thay đổi, nên đòi hỏi họ phải thường xuyên tự cập nhật hoặc thông qua các khóa đào taọ mà BIDV tổ chức. Ngân hàng định kỳ tổ chức đánh giá năng lực của nhân viên, nếu thấy không phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm, có thể thuyên chuyển; cán bộ nào có sự tiến bộ và khả năng cập nhật tốt có thể được bổ nhiệm vào vị trí mới phù hợp hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020.

2. Habib, S.M.A. (2011), Green Banking: a Multi-stakeholder Endeavour, The Daily Star.

3. Kaeufer, K. (2010), Banking as a vehicle for socio-economic development andchange: Case studies of socially responsible and green banks, Presencing Institute, Cambridge, MA.

4. Nguyễn Hữu Huân (2014), Xây dựng NHX tại Việt Nam, Tạp chí Phát triển kinh tế, 14(24), 4-9.

5. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

6. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/2021/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

7. Tô Kim Ngọc và cộng sự (2019), Những cơ hội và thách thức đối với phát triển bền vững hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo “Tăng trưởng TDX: Cơ hội, thách thức và giải pháp”, Hà Nội.

8. Vũ Phương Nhi (2022), Khẩn trương xây dựng Đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, truy cập từ https://baochinhphu.vn/ket-hop-hai-hoa-giua-chuyen-doi-xanh-voi-chuyen-doi-so-102220130111755061.htm.

9. https://www.bidv.com.vn/.

Ngày nhận bài: 18/4/2024; Ngày phản biện: 04/5/2024; Ngày duyệt đăng: 22/5/2024