Khi tham nhũng không còn là hiện tượng cá biệt
Chạy chức, chạy quyền và chạy cả... luân chuyển diễn ra không hiếm
Báo cáo công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh cho biết, trong quý I/2016, toàn ngành thanh tra đã triển khai 1.553 cuộc thanh tra hành chính, 33.427 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 23.351,4 tỷ đồng và 1.973,5 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 731,5 tỷ đồng và 335,6 ha đất; xuất toán khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 22.619,9 tỷ đồng và 1.637,9 ha đất; ban hành hơn 60,6 nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 642 tỷ đồng.
Ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 56 tập thể, 34 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 6 vụ việc, 5 đối tượng.
Ngành thanh tra đã phát hiện 4 vụ việc, 6 đối tượng có hành vi tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 24 vụ, 39 đối tượng có hành vi tham nhũng.
Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 vào sáng ngày 01/04/2016, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) vừa mừng, vừa lo khi Chính phủ thẳng thắn thừa nhận “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi”.
Mừng vì Chính phủ dám nhìn thẳng vào sự thật, nhưng lại lo vì quốc nạn chưa được đẩy lùi.
Đại biểu Hùng bày tỏ thái độ lo lắng khi tình trạng lãng phí, tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng, nhưng nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 với công tác này chỉ là chú trọng; nâng cao; đẩy mạnh; hoàn thiện cơ chế, chính sách; thiết lập cơ chế giám sát…
“Tham nhũng không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà lan rộng sang các lĩnh vực nhạy cảm khác như tham nhũng về chính sách, cán bộ… Tham nhũng không còn đơn lẻ mà có những mối liên kết khá vững chắc, không chỉ ở một cấp, một ngành mà ngày càng đông hơn. Tham nhũng ở một khía cạnh nào đó đã trở thành việc bình thường, trở thành một thông lệ ở một số ngành, thật nguy hiểm cho quốc gia”, vị đại biểu này cảnh báo.
Còn đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), thì hết sức đau đáu khi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã phải nói thẳng rằng, hiện nay không chỉ có tình trạng chạy chức, chạy quyền mà còn có hiện tượng… chạy luân chuyển. Còn Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã từng phát biểu rất bức xúc rằng: “Bây giờ người ta “ăn” không từ một thứ gì”.
“Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt diễn ra ở nhiều nơi ai cũng biết. Tình trạng chạy chức, chạy quyền và chạy cả luân chuyển diễn ra không hiếm. Ai cũng bảo phải chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Nhưng ai chống? Chống ai?”, ông Tiến nhắc lại câu nói cửa miệng của người dân khi bàn về chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Trước đó, tại buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiều ngày 24/2, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo ngại khi số doanh nghiệp giải thể tăng lên, khi đầu nhiệm kỳ chỉ có 54.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động thì đến cuối nhiệm kỳ năm 2015, con số này lên đến 71.000. Theo ông Giàu, trong số các nguyên nhân có mặt chính sách và yếu tố chủ quan.
“Sáng nay, tôi có đọc một tờ báo, thấy nói người Nhật sang Việt Nam đầu tư, họ sợ nhất là “chi phí gầm bàn”... Xã hội còn rất bức xúc về tham nhũng, lãng phí, phải vượt qua “dốc” ấy mới thành công”, ông Giàu nói.
Cần quyết tâm phòng, chống tham nhũng như quyết tâm bảo vệ tổ quốc
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng, cần đặt ra vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí lên vị trí hàng đầu. Trên cơ sở nhận thức tham nhũng, lãng phí là một mối nguy hiểm đến sự hưng thịnh của quốc gia.
Trên cơ sở đó, đại biểu này mong rằng, Thủ tướng Chính phủ mới khi nhận chức lần này cần có lời tuyên hệ và thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách mạnh mẽ.
“Có nghĩa là nói cách khác "hãy coi việc phòng, chống tham nhũng lãng phí là giặc nội xâm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng lãng phí như quyết tâm bảo vệ tổ quốc của cả dân tộc", đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề xuất.
Dẫn lời Bác Hồ đã nói: "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu 1 mùa không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất và thiếu một đức thì không thành người, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng, một cán bộ đã không cần, kiệm, không liêm, chính thì làm sao có thể chí công, vô tư.
“Theo tôi, những con người như vậy cần được đưa ra khỏi đội ngũ của chúng ta, vì nguy cơ tham nhũng rất cao”, đại biểu Hồng thể hiện rõ quan điểm.
Đại biểu Hồng cho rằng, xây dựng một kế hoạch phát triển có thể từ dưới lên nhưng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì phải từ trên xuống và từ trong ra ngoài.
“Bác Hồ ngày xưa trong kháng chiến khó khăn như vậy, nhưng vẫn kiên quyết bác đơn xin ân giảm của một đại tá về quân nhu, rất đau xót nhưng vẫn làm như vậy. Huống hồ chúng ta bây giờ có cả một Bộ luật Hình sự với những quy định cứng như thép và cũng dẻo như thép, thì tại sao chúng ta còn sợ. Tôi nghĩ mất một vài cán bộ có thể rất đau xót nhưng để làm gương cho nhiều người, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì giá đó tuy có đắt nhưng cắt ra miếng và rất đáng làm”, đại biểu Hồng mạnh mẽ.
Ngoài ra, theo đại biểu này, để Quốc hội và cử tri có thể đánh giá được thực chất hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì phần này cũng cần bổ sung những tiêu chí, hoặc cụ thể để đến năm 2018, tức là giữa nhiệm kỳ hoặc là tổng kết nhiệm kỳ chúng ta có cơ sở đánh giá bằng những kết quả cụ thể. Ví dụ có thể đưa ra giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng đã phát hiện để không còn tình trạng các dự án đầu tư lớn, nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả như một số dự án báo chí và phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra hiện nay.
Cùng với đó, chấm dứt tình trạng cán bộ sử dụng phương tiện công vào việc riêng, việc của cá nhân.
Mặt khác, cần chú trọng thực hiện tốt, cố gắng thực hiện tốt các tiêu chí đã nêu tại Nghị quyết.
“Nếu chúng ta không làm như vậy thì cuối nhiệm kỳ chúng ta đưa ra một nhận xét chung chung đó là phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đặt ra, nhưng yêu cầu cụ thể là gì thì không rõ”, đại biểu Công Hồng nói
Còn theo đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng), cần có biện pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn trong phòng chống tham nhũng lãng phí.
“Tôi cho rằng, cần tính toán lại để có cơ chế tổ chức lực lượng giám sát hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng hình thức, chồng chéo, kém hiệu quả, người làm thì ít, người giám sát thì nhiều như hiện nay” – đại biểu Vũ Công Tiến kiến nghị./.
Bình luận