Khó giảm cước vận tải bởi… bất cập trong quản lý giá
Trong khi đó, nếu tính trên thu nhập bình quân, người Việt đang phải trả tiền cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa vào diện cao nhất thế giới. Điều này thể hiện một phần nào sự “bất lực” trong công tác điều hành, quản lý giá hiện nay.
Chi phí đi lại của người Việt vào hàng cao nhất thế giới
Tại buổi “Đối thoại với doanh nghiệp về giá cước vận tải” do Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính tổ chức ngày 14/11 vừa qua, các doanh nghiệp vận tải hành khách đã từng tăng giá cước theo giá xăng tăng trước đây đều cam kết với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp vận tải kinh doanh taxi công bố về việc giảm giá cước.
Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Taxi Mai Linh Hồ Chương, từ ngày 14/11, Taxi Mai Linh sẽ giảm giá cước taxi toàn hệ thống tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ 500 - 2.000 đồng/km. Trước đó, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, khu vực Tây Nguyên... Taxi Mai Linh cũng đã giảm giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/km.
Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết, hãng Taxi Thanh Nga từ ngày 14/11 sẽ giảm 700 đồng/km; Taxi Group giảm 300 đồng/km, các hãng taxi khác sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục giảm giá...
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho biết, còn lại những doanh nghiệp không có kế hoạch giảm giá là do trong 3 năm qua, họ không hề tăng giá mà vẫn “gồng mình” giữ nguyên mức giá cước trong thời gian dài, thậm chí các doanh nghiệp vận tải khách chạy tuyến Hà Nội - Nam Định, Thái Bình, Vinh... đã chấp nhận lỗ vốn trong thời gian trước.
Ông Thanh cũng cho biết, đối với lĩnh vực vận tải hàng không, đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cũng cho rằng: Từ năm 2011 đến nay, giá vé của VNA đều thấp hơn giá trần do Bộ Tài chính quy định là 3.400.000 đồng/lượt Hà Nội - Sài Gòn, trong khi VNA có nhiều mức vé từ 800.000 - 2.870.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu mức giảm trên đã hợp lý hay chưa? Bởi, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, chỉ cần giá xăng dầu giảm 5%-6%, thì doanh nghiệp vận tải đã có thể giảm giá cước vận chuyển; trong đó, doanh nghiệp taxi có thể giảm giá cước tới 10%.
Với mức giảm xăng dầu giảm tới 9 lần từ đầu năm đến nay (tới hơn 4.000 đồng/lít, tương đương 14%), giá cước taxi có thể giảm được là 600-1.000 đồng/km. Do đó, không có lý do gì để ngành vận tải giữ giá cước ở mức cao như thời điểm hiện nay.
Hơn nữa, theo số liệu và nhận định của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra tại buổi tọa đàm “Giá cước vận tải và giải pháp giảm giá cước vận tải” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều 13/11, thì giá cước vận tải của Việt Nam trung bình là 0,148 USD/tấn/km, thuộc diện thấp; trong khi đó, giá cước của Hàn Quốc là 0,766 USD/tấn/km.
Tuy nhiên, nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người thì cước vận tải ở Việt
Ông Hùng nhận định, “nước ta nghèo nhưng chi phí vận tải quá cao. Nếu giảm được chi phí vận tải sẽ bớt gánh nặng cho sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội”.
Trong khi đó, theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) với vận tải hành khách đường dài, xăng dầu chiếm từ 35%-50% chi phí vận tải; xăng chiếm 50% chi phí vận tải taxi.
Theo tính toán của các lái xe taxi, hiện một km hết 2.000 đồng tiền xăng; có nghĩa là, chi phí cho 1 km taxi chỉ ở mức 4.000 đồng. Cộng với chi phí cho những km chạy không có khách, lợi nhuận, giá cước taxi sẽ vượt 4.000 đồng/km; tuy nhiên mức giá cước taxi 10.000 đồng/km có thể coi là “siêu” lợi nhuận.
Và, cái khó của DN vận tải
Trần tình về giá cước vận tải còn cao và khó giảm như hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, các doanh nghiệp vận tải hiện phải gánh chi phí đầu vào rất cao. Giá điện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giá nước... đều tăng đã tác động nhiều đến giá cước vận tải. Thêm vào đó, các quy định mới bổ sung về tăng thu Quỹ Bảo trì đường bộ, phát sinh việc thu phí qua các trạm thu phí BOT, cộng với việc siết chặt hoạt động vận tải của các cơ quan chức năng... nên không ít doanh nghiệp chưa điều chỉnh giá cước giảm.
Ngoài ra, một nguyên nhân lớn mà Nguyễn Văn Thanh cũng lý giải lý do vì sao cước vận tải không thể giảm ngay lập tức được. Bởi, giá xăng thay đổi thất thường, doanh nghiệp vận tải cũng không thể chạy theo tốc độ tăng, giảm của giá xăng vì nhiều lý do, trong đó có lý do liên quan tới cơ quan quản lý.
Theo ông Thanh, thủ tục kê khai để điều chỉnh giá trong văn bản thì thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng thực tế thì “nhiêu khê lắm, ngay cả xin giảm giá cũng rất phức tạp”, ông nói.
Mặt khác, ông Thanh cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. “Nhiều doanh nghiệp nói với tôi, xăng giảm nhưng mai tăng nên không muốn giảm giá cước. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, có Quỹ bình ổn thì điều hành giá xăng dầu ổn định trong 6 tháng hay 1 năm, nhưng không được. Chúng tôi rất đau đầu, áp lực với biến động giá xăng”, ông Thanh nói.
Hiện tại, giá vận tải cũng đang hoạt động theo cơ chế thị trường, mỗi khi tăng giảm, các doanh nghiệp cũng phải chú ý tới nhau. Nếu doanh nghiệp kia giảm mà mình chưa giảm thì mất khách. Cũng như doanh nghiệp này tăng mà doanh nghiệp kia không tăng cũng không được.
Để công tác quản lý giá ổn định
Đại diện cho ngành vận tải, ông Thanh cũng mong muốn cơ quan chức năng điều hành quản lý giá nhiên liệu tốt hơn vì giá xăng lên xuống bất thường sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu không giảm theo thì sẽ bị “trảm”, nếu vừa giảm xuống mà giá xăng lại tăng ngay thì rất nguy hiểm. Trước mỗi quyết định tăng, giảm giá, doanh nghiệp phải rất thận trọng chứ không thể chạy theo tốc độ biến động của giá xăng.
“Mong sao giá nhiên liệu ổn định. Chúng tôi nhiều lần gửi văn bản lên Nhà nước, đề nghị quản lý giá nhiên liệu không ổn định được 1 năm thì 6 tháng, hết sức công khai minh bạch”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô nói.
Đứng về phía quản lý nhà nước, để tăng cường giám sát việc doanh nghiệp vận tải giảm giá cước vận tải, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính sẽ thành lập các đoàn kiểm tra giá cước tại các địa phương để đôn đốc các doanh nghiệp vận tải thực hiện nhanh việc giảm giá.
Còn bà Lê Thị Lai, Trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) khẳng định, dù giá cước vận tải được thực hiện theo cơ chế thị trường, không phải mặt hàng áp giá trần, nhưng theo quy định của Luật Giá, khi cần thiết, cơ quan nhà nước vẫn cần kiểm tra, đôn đốc giảm giá để đảm bảo quyền lợi ba bên giữa doanh nghiệp - Nhà nước - người tiêu dùng.
Qua đó, nếu thấy đầu vào giảm, mà đầu ra vẫn cao, thì đoàn kiểm tra có thể căn cứ vào Luật Giá, đề nghị Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải nơi doanh nghiệp kê khai giá yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh lại giá cước.
Tới đây, Bộ Tài chính sẽ chủ trì cuộc họp về kê khai giá cước của các doanh nghiệp vận tải tại cả ba khu vực Bắc - Trung - Nam để đánh giá việc thực hiện quản lý giá cước trong thời gian qua./.
Bình luận