Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 26/5, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Tờ trình dự án luật Thanh tra (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội.

Theo ông Phong, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013.

Không để tình trạng lạm dụng thanh, kiểm tra
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định rõ về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước (ảnh: Quốc hội)

Mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết.

“Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định rõ về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; về phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và Kiểm toán nhà nước…”, ông Phong cho hay.

Về thực hiện Kết luận thanh tra, Dự thảo Luật quy định rõ giá trị pháp lý của Kết luận thanh tra là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra các quyết định xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra; là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Dự thảo Luật còn quy định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra, trách nhiệm của người ban hành Kết luận thanh tra và đối tượng thanh tra trong việc thực hiện Kết luận thanh tra…

Không để tình trạng lạm dụng thanh, kiểm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra (ảnh: Quốc hội)

Trình bày ý kiến thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm: Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đối với nội dung về nhiệm vụ của Thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ quy định một đầu mối thực hiện thanh tra chuyên ngành tại Bộ. Theo đó, trường hợp Tổng cục, Cục thuộc Bộ thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, thì không giao Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực đó để phân định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh gọn bộ máy và thực hiện đúng nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”…

Liên quan đến các hình thức thanh tra, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành có 3 hình thức thanh tra là: thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về không tiếp tục quy định hình thức thanh tra thường xuyên, nhằm phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, góp phần khắc phục hạn chế đã được chỉ ra qua tổng kết về tình trạng “chồng chéo, trùng lặp” dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra./.