Không tìm ra động lực phát triển mới, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu về kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam 2018 diễn ra sáng 18/1.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng/ Ảnh: Đức Trung (MPI)
Diện mạo kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi
Tại bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ rõ, hơn 30 năm “Đổi Mới” đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.
Đặc biệt, năm 2017, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong vòng 10 năm qua và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Kinh tế vĩ mô ổn định, chất lượng tăng trưởng đã từng bước được cải thiện, mô hình tăng trưởng đang chuyển đổi theo hướng giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.
Năm 2017 cũng đã ghi nhận những thành công của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Song, Bộ trưởng cũng thẳng thắn, Việt Nam hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức, GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt vẫn còn chưa cao, quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ và phụ thuộc nhiều vào FDI và xuất khẩu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới là bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiễm mặn, bão lũ, ngày càng ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân…
“Vì vậy, nếu không tìm ra động lực phát triển mới Việt Nam nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế”, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ.
Ngay cả trong trường hợp các diễn biến thuận lợi theo kế hoạch đến năm 2035 có mức thu nhập trung bình vượt qua 10 nghìn USD/năm, là cao so với hiện nay, nhưng tại thời điểm đó chưa chắc đã là cao.
“Các quốc gia khác không đứng chờ Việt Nam phát triển, ta phát triển một thì họ cũng phát triển mười”, Bộ trưởng chia sẻ.
6 giải pháp căn cơ để phát triển thịnh vượng, bền vững
Để đạt được mục tiêu kinh tế phát triển thịnh vượng, bền vững môi trường và hoà nhập xã hội, Bộ trưởng Dũng cho rằng, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số các giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, cần tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, nhấn mạnh vào giải pháp xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển theo cơ chế thị trường và theo nguyên tắc quy định tại Luật Quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng, cần chấm dứt việc xây dựng các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu dùng, làm hạn chế sự tham gia thị trường các thành phần kinh tế.
Thứ hai, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nguồn lực từ xã hội, dân cư và đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn lực nhà nước mang tính dẫn dắt, định hướng.
Trong đó, một mặt cần đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cần đẩy mạnh thóai vốn đầu tư ngoài ngành, thóai phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ.
Các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng, áp dụng thực tiễn quản trị tốt của quốc tế.
Đồng thời, cần phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và sở hữu trí tuệ. Xoá bỏ các rào cản, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn, đất đai, khóang sản, cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân.
Cần thúc đẩy, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Tự do hóa thị trường nhân tố sản xuất, nhất là đất đai, lao động và công nghệ.
Về vấn đề thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút, nâng cao hiệu quả FDI, phục vụ tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
“Nhìn lại mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hòa nhập xã hội” là chủ đề của Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2018 (VSF) diễn ra ngày 18/01/2018, tại Hà Nội. Diễn đàn VSF nhằm mục tiêu mang đến cơ hội trao đổi kịp thời và có giá trị cho những bên liên quan, từ những nhà nghiên cứu, học giả cho đến những nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, để cùng nhau thảo luận những ý tưởng, biện pháp và xu hướng toàn cầu vì một xã hội phát triển bền vững nói chung và những đặc điểm của Việt Nam nói riêng. |
Có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án đầu tư có công nghệ cao, các công ty đa quốc gia lớn, gắn với yêu cầu chuyển giao và lan toả rộng rãi công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của tư nhân trong nước, nhất là trong phát triển ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Việt Nam cần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp FDI
Thứ ba, cần phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, trong đó trước tiên là đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp và các định chế Nghiên cứu và Phát triển (R &D) làm trung tâm, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư. Đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường công nghệ.
Ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy sản xuất thông minh (tập trung trong nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin) và xây dựng đô thị thông minh. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực, cải tổ hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nghề.
Thứ tư, cần phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị. Theo đó, cần phát triển các cực tăng trưởng mới với việc xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát huy các cơ chế đặc thù ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, làm đầu tàu và tạo sự lan tỏa cho cải cách và phát triển.
Cần xây dựng các quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, phù hợp với kinh tế thị trường; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng tài nguyên, bảo đảm công khai, minh bạch.
Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; khắc phục tình trạng phát triển trùng dẫm, manh mún, kém hiệu quả.
Cần tận dụng đô thị hóa để đẩy mạnh hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Định hình lại chính sách và đầu tư để phát huy mật độ kinh tế xung quanh các vùng đô thị lớn và các đô thị thứ cấp có tiềm năng; giảm phân biệt xã hội về tiếp cận dịch vụ giữa người nhập cư và cư dân đô thị.
Thứ năm, đi đôi với phát triển kinh tế, cần bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội. Trong đó, trước tiên cần thay đổi vai trò của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công. Cần thực hiện cơ chế thị trường và đẩy mạnh xã hội hóa đối với cung cấp các dịch vụ công. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng và từ cấp kinh phí cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.
Cần đổi mới chính sách xã hội phù hợp với thay đổi cấu trúc dân số khi tỷ lệ người nghèo còn rất thấp, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và già hóa dân số. Đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu vì sự thịnh vượng chung.
Thứ sáu, cần phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng Dũng, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Tăng cường khả năng chống chịu; huy động nguồn lực đầu tư các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, kể cả từ các nhà tài trợ quốc tế.
Đảm bảo bền vững môi trường bao gồm bảo vệ chất lượng không khí, đất và nước; lồng ghép khả năng chống chịu trước tác động khí hậu vào kế hoạch kinh tế, chính sách ngành và đầu tư hạ tầng; quan tâm đến các nguồn năng lượng sạch.
“Cần hướng đến đầu tư “thông minh” (với sự tham gia của khu vực tư nhân) nhằm tính đầy đủ các phí tổn về khí hậu và môi trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Bình luận