Kiểm tra chuyên ngành vẫn gây “nhức nhối”
Vẫn còn hàng trăm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành
Trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình hình kiểm tra chuyên ngành ngày 16/11/2017 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo 13 bộ, ngành xây dựng, sửa đổi hoàn thiện các văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thiểu số lượng hàng hóa và kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu và áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đến nay, còn khoảng 200 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành trước khi thông quan. Tuy nhiên, trong 200 danh mục này, lại có đến hàng trăm ngàn mặt hàng phải kiểm tra, như: mặt hàng thuốc thú y có đến 400 mặt hàng, danh mục nguyên liệu làm thuốc và dược liệu gần 1.200 mặt hàng
Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, qua khảo sát, chỉ có 28% thời gian thông quan là trách nhiệm của hải quan, còn lại 72% là trách nhiệm các bộ, ngành.
Vẫn còn hàng trăm mặt hàng bị kiểm tra chuyên ngành |
Về vấn đề này, tại buổi làm việc với Bộ Y tế về công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, ngày 20/09/2017, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, tình trạng kiểm tra còn chồng chéo, một mặt hàng chịu điều chỉnh nhiều văn bản, chịu sự kiểm tra của nhiều bộ, nhiều cơ quan.
Tỷ lệ kiểm tra rất nhiều, nhưng làm hồ sơ rất nhiều, kiểm tra sản phẩm thì ít, tỷ lệ phát hiện chỉ 0,06%, tỷ lệ rất nhỏ, trong khi kiểm tra chủ yếu bằng thủ công, bằng cảm quan, không có quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Danh mục mặt hàng phải kiểm tra rất nhiều. Tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35%, trong khi hải quan chỉ kiểm tra 6%, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài hơn nhiều lần, nhiều lúc lên tới 10 ngày rưỡi.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tại hội nghị doanh nghiệp đối thoại với bộ tài chính ngày 27/11 mới đây, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cũng nói về sự phiền toái của kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp.
Ông Khương lấy ví dụ, khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu 1 lô thép về Việt Nam phải mất 24 tiếng mới xin được công văn đến của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sau khi có công văn đến doanh nghiệp nộp cho đơn vị phân tích hợp chuẩn, sau đó nộp cho cơ quan hải quan mở tờ khai. Sau khi lấy hàng về phải chờ kết quả giám định khoảng 10 ngày, tiếp đó cầm kết quả nộp cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chờ đợi 3 ngày làm việc mới lấy được thông báo đạt tiêu chuẩn nhập khẩu để thông quan tờ khai hải quan.
Kết quả là chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành hiện nay là quá lớn. Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, trung bình một năm, tổng thể các doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 29,6 triệu ngày công và 14,3 nghìn tỷ đồng cho các hoạt động quản lý chuyên ngành; chi phí không chính thức cũng lên tới 3 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đấy là còn chưa kể đến chi phí về thời gian và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Cần thay đổi phương thức quản lý
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tất cả các nước đều không có đủ nguồn lực, nhất là nhân lực để giám sát hoạt động cũng như kiểm tra tất cả các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.
Hơn nữa, từ câu chuyện kiểm tra chuyên ngành cho thấy, ngay cả khi kiểm tra 100% các lô hàng, tốn chi phí, thời gian vô cùng lớn, nhưng nếu chỉ làm thủ tục giấy tờ là chính, thì rốt cuộc số trường hợp phát hiện được chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Chính vì vậy, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, các cơ quan nhà nước phải thay đổi cách làm cũ sang phương thức quản lý mới theo nguyên tắc rủi ro, theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Phân loại doanh nghiệp thành các nhóm có mức độ rủi ro khác nhau và tương ứng có những công cụ, cách thức quản lý phù hợp.
Với nhóm doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro cao, thì thậm chí có thể tập trung tiền kiểm 100% vì lợi ích của xã hội và vì nhu cầu quản lý, còn đối với những doanh nghiệp có lịch sử tốt hoặc có nguy cơ gây rủi ro rất thấp, không cần phải giám sát quá chặt chẽ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Vinh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP. Hà Nội cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát và cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bởi, nếu các quy định bất hợp lý không được phát hiện, bãi bỏ sẽ gây hại cho doanh nghiệp, vì làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp, từ dó dẫn đến đội giá thành hàng hóa bán ra khi đến người tiêu dùng. Đơn cử, các siêu thị đang bày bán hàng nghìn loại sản phẩm có xuất xứ khác nhau, nếu cứ kiểm tra chồng chéo sẽ mất nhiều thời gian của doanh nghiệp cũng như đối với chính lực lượng kiểm tra.
“Vấn đề đặt ra là, cơ quan quản lý cần tập trung phân tích, phân biệt được doanh nghiệp nào hoạt động nghiêm túc và doanh nghiệp nào có biểu hiện vi phạm để đi đến quyết định có triển khai kiểm tra hay không”, ông Phú nhấn mạnh.
Hiện nay, Tổ Công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã và đang đến làm việc với các bộ, ngành về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế... Tại các cuộc làm việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đều nhấn mạnh về việc quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Hy vọng rằng, với những nỗ lực của Chính phủ, thời gian tới, “nút thắt” kiểm tra chuyên ngành sẽ được tháo gỡ và doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện để phát triển hơn nữa./.
Tham khảo từ:
Thụy Khanh (2017). Kiểm tra chuyên ngành: 10 bộ - 300 văn bản và hàng loạt bất cập, truy cập từ http://vietnamfinance.vn/kiem-tra-chuyen-nganh-10-bo-300-van-ban-va-hang-loat-bat-cap-20170921151238227.htm
Hồng Sơn (2017). Giảm tối đa hoạt động kiểm tra chuyên ngành: Việc cần làm ngay, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/882460/giam-toi-da-hoat-dong-kiem-tra-chuyen-nganh-viec-can-lam-ngay
Bình luận