Kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia có thể vượt 5 tỷ USD trong năm nay
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-5/10. Lễ đón chính thức Thủ tướng Campuchia được tổ chức trọng thể vào sáng 4/10 tại Phủ Chủ tịch.
Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Hun Sen. Tham dự hội đàm có các phó thủ tướng, bộ trưởng, đại sứ, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, quan chức cấp cao của Chính phủ hai nước.
Toàn cảnh hội đàm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đón Thủ tướng Hun Sen sang thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai kể từ khi chính phủ Campuchia nhiệm kỳ VI được thành lập. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Thủ tướng Hun Sen, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) về những thành tựu nổi bật trong điều hành đất nước, đặc biệt đã và đang đưa kinh tế Campuchia phát triển nhanh chóng, cải thiện đời sống của nhân dân, đồng thời từng bước nâng cao vai trò và vị thế của Campuchia ở khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen khẳng định, quan hệ Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em gắn kết, bền chặt không thể tách rời. Hai nước đã từng kề vai sát cánh, cùng hy sinh xương máu đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước, đó là tài sản quý báu mà cả hai nước cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, truyền cảm hứng cho các thế hệ con cháu mai sau. Thủ tướng Hun Sen một lần nữa cảm ơn sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, cũng như sự trợ giúp chí tình của Việt Nam giúp Campuchia hồi sinh đất nước ngay cả khi Việt Nam cũng đang gặp khó khăn vì bao vây cấm vận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen
Hai Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm với việc hai nước ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền; nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng, đánh dấu một dấu mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết biên giới giữa hai nước, là nền tảng để hai bên tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.
Hai Thủ tướng ghi nhận những bước phát triển tích cực, thực chất của quan hệ Việt Nam-Campuchia thời gian qua, đặc biệt là tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại, du lịch; thảo luận và đạt đồng thuận cao về phương hướng thúc đẩy hợp tác hai nước trong thời gian tới. Hai Thủ tướng nhất trí không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trên tinh thần tin cậy, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Hai bên nhất trí làm sâu sắc quan hệ chính trị thông qua tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương; tăng cường trao đổi về các vấn đề an ninh chiến lược, phối hợp chặt chẽ nhằm bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này để gây phương hại đến an ninh của nước kia.
Hai bên nhất trí cho rằng, là hai nước láng giềng, Việt Nam và Campuchia hội tụ những tiềm năng, lợi thế to lớn để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, đặc biệt là kết nối các tuyến giao thông đường bộ, đường sông, kết nối điện năng, du lịch, tài chính, ngân hàng…; triển khai mạnh mẽ các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư; phối hợp xây dựng khung chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Hoan nghênh kim ngạch thương mại hai chiều có khả năng vượt mức 5 tỷ USD trong năm 2019, hai Thủ tướng nhất trí chỉ đạo các bộ, ngành của hai bên triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều hướng tới những mục tiêu cao hơn trong những năm tới.
Thủ tướng Hun Sen bày tỏ cảm ơn Việt Nam cung cấp viện trợ không hoàn lại xây dựng các công trình như Nhà làm việc của Quốc hội Campuchia, Trung tâm dịch vụ điều trị cai nghiện tại tỉnh Preah Sihanouk, Chợ biên giới kiểu mẫu Campuchia… cũng như cấp nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên và công chức chính phủ Campuchia sang Việt Nam học tập, đào tạo nâng cao năng lực.
Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp tìm biện pháp hợp lý nhất, phù hợp với tình hình và điều kiện của hai bên, nhằm giúp cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia sinh sống ổn định, thuận lợi, bảo đảm địa vị pháp lý, tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Campuchia.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; khẳng định phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN, giữ vững những nguyên tắc của ASEAN, củng cố đoàn kết, tự cường và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và Tiểu vùng Mekong mở rộng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trước mắt, hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Campuchia đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM.
Ngay sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký 7 văn kiện hợp tác gồm: (i) Hiệp định viện trợ triển khai dự án Nhà làm việc của Ban Thư ký Quốc hội Campuchia; (ii) Hiệp định viện trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc dự án Trung tâm dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện, dựa vào cộng đồng tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia; (iii) Bản ghi nhớ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan; (iv) Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; (v) Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới; (vi) Bản ghi nhớ về tiến độ xây dựng và kế hoạch bàn giao Chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia; (vii) Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực điện năng./.
Bình luận