Tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp này là 21 ngày...

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp thứ 4 là kỳ họp thường kỳ cuối năm và theo thông lệ các kỳ họp cuối năm thường có khối lượng công việc lớn nhất là về công tác lập pháp.

Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sắp khai mạc: Lấy chất lượng làm chính
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dù khối lượng công việc tại Kỳ họp lớn, song thời gian họp đã được tiết giảm tối đa (ảnh: QH)

Theo Chủ tịch Quốc hội, tại phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến cụ thể về nội dung và một số các vấn đề khác, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý chương trình Kỳ họp để trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị. Theo đó, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào chiều ngày 15/11, với hình thức họp tập trung cả kỳ. Dù khối lượng công việc tại Kỳ họp lớn, song thời gian họp đã được tiết giảm tối đa theo tinh thần “lấy chất lượng của kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết kiệm tối đa thời gian”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được bố trí cả thời gian để thảo luận ở tổ và hội trường, song do đây là Dự án luật lớn và phức tạp, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và dự kiến sẽ có nhiều ý kiến phong phú, nhiều vấn đề, nên công tác tiếp thu tổng hợp ý kiến đại biểu phải được làm kỹ lưỡng và cần được bố trí khoảng cách giữa các ngày thảo luận, để có thêm thời gian cho các cơ quan tổng hợp, nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, báo cáo.

Về bố trí thời gian, nội dung chương trình cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nội dung như về thời gian dành cho thảo luận về kinh tế - xã hội khoảng 1,5 ngày, trong đó có bổ sung thảo luận về đánh giá tổng kết Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh. Cố gắng bố trí kéo dài khoảng cách giữa hai buổi thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), để có thêm thời gian cho các cơ quan tổng hợp, tiếp thu, giải trình; bố trí 2,5 ngày làm việc cho chất vấn và trả lời chất vấn. Công tác nhân sự sẽ ưu tiên dành thời gian vào đầu kỳ họp.

Liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), căn cứ vào diễn biến và kết quả góp ý của Quốc hội, UBTVQH sẽ trình với Quốc hội quyết định thông qua ngay tại kỳ họp này hay để sang kỳ họp sau. Ông Vương Đình Huệ cho biết, đây là Dự án luật quan trọng, nên không chạy theo tiến độ mà phải đảm bảo chất lượng, không để khi luật được thông qua lại phát sinh bất cập. Tinh thần là phấn đấu, nỗ lực cao nhất, đảm bảo được mục tiêu đã đề ra từ đầu là đến ngày 01/01/2024, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành...

Về chuẩn bị tài liệu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm tình hình xung đột địa chính trị, các tác động đến nước ta để cung cấp các thông tin toàn diện, đầy đủ và chính thống cho đại biểu Quốc hội.

"Đến thời điểm này, mọi công việc cần thiết chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc dự kiến vào ngày 20/10/2022", Chủ tịch Quốc hội khẳng định./.