Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Lê Tiên)

Phát biểu tại buổi lế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đã trải qua hơn ba mươi năm đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao chất lượng tăng trưởng, Việt Nam đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một nhiệm vụ quan trọng, một trong ba khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

“Nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam là rất lớn trong khi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước rất hạn chế. Việc huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước với nhiều hình thức trên cơ sở tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đang là vấn đề ngày càng được quan tâm tại Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Lê Tiên)

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng và sự tham gia của khu vực tư nhân đang ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách nhằm tìm kiếm, thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các chính sách chưa hướng đến việc hình thành thị trường phát triển kết cấu hạ tầng, thực tiễn xuất hiện nhiều hình thức, mô hình mới về đầu tư, khai thác kinh doanh các công trình hạ tầng, song các quy định pháp lý chưa theo kịp để điều chỉnh các hoạt động này, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Do vậy, kết quả thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng ở Việt Nam vẫn chưa được như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng của nhà đầu tư.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được rằng, có nhiều kinh nghiệm về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thành công trong thu hút nguồn lực phát triển và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhưng cũng có nhiều quốc gia chưa thành công. Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy tìm kiếm những kinh nghiệm tốt nhất để xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

“Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện nhiều hình thức để thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng, như: BT, BOT... Tuy nhiên, vẫn còn rất nhỏ, khu vực tư nhân chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu 2011-2020. Chính vì vậy, dư địa để các nhà đầu tư còn rất lớn. Vấn đề đặt ra đối với nhóm công tác về cơ sở hạ tầng là làm sao tạo ra được cơ chế, chính sách... đảm bảo tính pháp lý tận dụng các mô hình tốt, hay, kinh nghiệm hay của quốc tế mà Việt Nam chưa tiếp cận được.”, Bộ trưởng chia sẻ.

Với hy vọng như vậy, Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, nhóm phát triển cơ sở hạ tầng phải sao giúp cho Việt Nam áp dụng được các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, nhưng phải đúng theo thông lệ quốc tế và nguyên tắc thị trường. Đặc biệt có khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động PPP.

“Hiện Việt Nam đang hướng tới 1 luật về đối tác công - tư để tạo khung khổ pháp lý cao nhất để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng”, Bộ trưởng nói.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu nhóm phải có kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam để hiểu và thực hiện đúng chuẩn các cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho việc thực hiện các dự án.

Cùng với những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Chấp hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng cần được xây dựng, hỗ trợ, hợp tác của khu vực Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, để hợp tác này thực hiện được là không dễ dàng. Đây là lĩnh vực Việt Nam cần phải làm nhằm tạo không gian chung để cả khu vực tư nhân và Nhà nước hợp tác được với nhau.

Ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Chấp hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) (Ảnh: Lê Tiên)

Đồng thời, ông cũng hy vọng, nhóm sẽ giúp và cùng làm việc với Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp để đưa ra khuyến nghị trong lĩnh vực hợp tác công - tư hiệu quả và thành công hơn.

“Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ giúp Việt Nam điều hướng giai đoạn tiếp theo của quá trình phát triển trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Một trong bảy trụ cốt của hợp tác nghiên cứu là, khuyến nghị chính sách về “ Tương lai của đầu tư dài hạn, cơ sở hạ tầng và phát triển”, ông Justin Wood cho biết./.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã công bố quyết định thành lập IWG. Đây là nền tảng đa chủ thể nhằm cung cấp đầu vào cho các sáng kiến có thể góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng và đầu tư của Việt Nam. IWG bao gồm đại diện cấp cao của khu vực công và khu vực tư nhằm hỗ trợ sự tương tác và hợp tác giữa các bên liên quan trong việc tài trợ và phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này đạt được thông qua chia sẻ thông tin nhằm đạt được mục tiêu kiến nghị về chính sách và phát triển các dự án hợp tác.