Luật Hỗ trợ DNNVV: Đại biểu băn khoăn về nguồn lực từ ngân sách
Đi sâu vào nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hiền (tỉnh Hà Nam) đánh giá, hiện trạng Chương II đang tuyên ngôn quá nhiều nhưng ý nghĩa thực chất và tính khả thi của chính sách lại rất hạn chế.
Đại biểu Trần Thị Hiền (tỉnh Hà Nam) phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Hiền cũng chỉ ra rằng, chưa có dự báo đầy đủ về khả năng nguồn để bảo đảm tính khả thi của chính sách, Chương II quy định đến nội dung hỗ trợ có tính phổ quát cho DNNVV. Chi phí để thực thi chính sách đều cần bảo đảm bằng ngân sách nhà nước, nhưng chưa được Ban soạn thảo tính toán đầy đủ. Trong bản dự toán, khoản 12.000 tỷ đồng để thực thi luật. trong đó riêng chính sách cấp bù lãi suất đã là vấn đề khó khả thi trong tình hình ngân sách hiện nay.
Đồng tình với đại biểu Trần Thị Hiền, đại biểu Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) đánh giá, Dự thảo luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng có thể thấy việc cân đối các nguồn lực để thực hiện các hỗ trợ đó không rõ nét, có thể dẫn đến tính khả thi không cao của chính sách, nhất là nguồn lực về mặt tài chính.
Ví dụ cụ thể như việc luật yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ DNNVV có vẻ hợp lý. Tuy vậy, sau đó nhà nước lại phải hỗ trợ ưu đãi cho các ngân hàng, bởi nếu không họ không có nguồn lực đâu mà hỗ trợ cho các DNNVV, bởi bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều loại quỹ hoạt động không hiệu quả lâu nay, dự thảo luật cũng nêu ra việc lập một số quỹ như Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ tương hỗ, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng cần tính toán, đánh giá tác động, hiệu quả một cách kỹ càng.
“Ngoài ra, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hơn nữa cách thức hỗ trợ theo kiểu nhà nước có cái gì thì hỗ trợ cái đó, mà phải là doanh nghiệp cần cái gì thì hỗ trợ cái đó sẽ phù hợp hơn”, vị đại biểu này thẳng thắn.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) lo ngại rằng, với điều kiện ngân sách như hiện nay và với các quy định để thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách thể hiện trong Dự thảo luật, thì việc bảo đảm nguồn lực hỗ trợ DNNVV khó khả thi.
Theo đại biểu này, về nguồn lực ngân sách giai đoạn 2016-2020, qua các nghị quyết về tài chính ngân sách đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này cho thấy, đối với ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương, các kế hoạch tài chính trung hạn chưa đủ nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đối chiếu chi tiết gói kinh phí dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế với các kế hoạch tài chính trung hạn, thì vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thiếu so với nhu cầu là 1,5 triệu tỷ đồng, ODA vay ưu đãi thiếu khoảng 13,5 tỷ đô la Mỹ, nguồn thoái vốn, bán vốn nhà nước thiếu khoảng 11,3 tỷ USD, chưa kể kế hoạch thu còn khá nhiều rủi ro, yêu cầu phấn đấu thu khá cao nhưng thời gian để cải cách thu, sửa các chính sách thuế không còn nhiều.
Đặc biệt, áp lực về nợ công lên ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 còn tăng cao hơn giai đoạn 2011-2015 do các khoản nợ đến hạn tăng lên, do "tốt nghiệp ODA" nên các nhà tài trợ rút ngắn thời gian vay và nâng lãi suất vay do trần nợ chính phủ nâng từ 50% lên 54% GDP làm tăng nợ trực tiếp của Chính phủ và tăng thêm các khoản nợ phải trả trực tiếp từ ngân sách. Đồng thời 2 ngày thảo luận kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế có hàng chục đại biểu có ý kiến đề nghị bố trí thêm vốn cho hàng chục ngành, lĩnh vực và đối chiếu với kế hoạch thì đều nằm trong nhiệm vụ ưu tiên, nhưng chắc chắn là không đủ nguồn lực để thực hiện.
Bên cạnh đó, trong dự toán năm 2017 và kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thấy cụ thể nguồn ngân sách dành riêng để phát triển các DNNVV, chưa kể 21 chương trình mục tiêu để cơ cấu lại nền kinh tế, mới bố trí được 40% nhu cầu, chưa bố trí đủ nguồn để thu hồi vốn ứng trước, trả khoản vay tồn ngân kho bạc chi hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công chưa rõ và chưa cụ thể nguồn kinh phí, giảm nghèo đa chiều trước mắt chỉ tập trung hỗ trợ tiêu chí theo thu nhập, chưa có nguồn để thực hiện các tiêu chí giảm nghèo đa chiều khác.
Đối với ngân sách địa phương chi thường xuyên đã rất hạn hẹp còn phải bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, nhiều địa phương hưởng bổ sung cân đối từ trung ương đang phải rà soát để cắt giảm các chính sách do địa phương ban hành.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới chỉ bố trí được khoảng 50% nhu cầu tối thiểu của các bộ, ngành địa phương.
Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210 nhiều địa phương chưa có nguồn để bố trí, việc bố trí vốn đối ứng cho các chương trình mục tiêu, các dự án ODA tại một số địa phương rất khó khăn về nguồn, nên khó có thể bố trí ngân sách hỗ trợ DNNVV phát triển.
Bên cạnh đó, đại biểu Hàm đánh giá, về huy động ngoài ngân sách, dự thảo luật quy định chung chung là khuyến khích chương cụ thể khuyến khích như thế nào nên khó thu hút được vốn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ không phải là hoạt động từ thiện, hảo tâm nên để các nhà đầu tư bỏ tiền ra thì họ phải nhìn thấy, kỳ vọng thấy lợi ích sẽ thu về, nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể trong dự thảo luật.
“Như vậy việc hỗ trợ gián tiếp từ ngân sách chưa nhìn thấy điểm sáng, huy động các nguồn lực trong xã hội phải tuân theo tiếng gọi của thị trường, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, nhưng chưa có hướng đi cụ thể để quy định vào luật; đồng thời, về lâu dài theo tôi không nên trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách mà phải theo quan điểm nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ bằng thể chế, cơ chế chính sách. Vì vậy, tôi đề nghị luật cần phải tập trung vào các nội dung sau để triển khai khả thi trong thực tiễn”, đại biểu Hàm đề xuất.
Phản biện lại quan điểm của đại biểu Hàm, đại biểu Nguyễn Văn Thân (tỉnh Thái Bình) chia sẻ, không phải nhà nước đưa tiền cho các DNNVV để sản xuất kinh doanh mà Nhà nước tạo cơ sở và cơ chế cho các DNNVV tham gia chứ không phải đưa tiền vào.
Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng, việc hỗ trợ DNNVV là cần thiết, nhưng vấn đề là khối doanh nghiệp này khi được hỗ trợ phải phát triển, chứ không chỉ là hỗ trợ để rồi ổn định và nằm im không chịu lớn lên. Do vậy, Luật cần có những quy định rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp khi nhận được hỗ trợ. “
Việc lợi dụng chính sách hỗ trợ để trục lợi là vi phạm pháp luật, việc nhận hỗ trợ để hưởng thụ mà không chịu lớn lên cũng cần phải loại trừ, cho nên cần có những quy định để điều chỉnh việc này theo hướng là có sự giới hạn của Nhà nước. Nên bổ sung thêm những vấn đề này để Luật được đầy đủ, chặt chẽ” - đại biểu Tám đề nghị.
Ở góc độ cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm, Ban soạn thảo và Chính phủ đã xác định nguyên tắc hỗ trợ DNNVV phải không vi phạm các nguyên tắc thị trường, không vi phạm các cam kết thực tế và phù hợp với khả năng của ngân sách trong từng thời kỳ./.
Bình luận