Phát biểu khai mại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, phát triển khu vực kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đều khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung: Luật Hợp tác xã qua 3 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung đã tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các HTX tại Việt Nam

Gần đây nhất, ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

“Luật Hợp tác xã qua 3 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003 và 2012 và đã tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các HTX tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc của HTX trên thế giới và bước đầu đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các HTX. Số lượng HTX không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trung, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những khó khăn nội tại của các tổ chức kinh tế tập thể, như: điều kiện kinh tế - xã hội của thành viên thấp, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX nghèo nàn; các chính sách của Nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được nhiều cho các HTX; nhiều HTX gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường...

Trong bối cảnh mới, phong trào HTX vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức: từ sự phát triển bùng nổ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; từ áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường; tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn; bất ổn chính trị trên thế giới vẫn khó lường; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh trên khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng... đòi hỏi khu vực HTX phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng,...

“Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể để thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác lại của mỗi thành viên theo mô hình HTX, qua đó tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới” Thứ trưởng Trung cho biết.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển HTX của CHLB Đức, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Liên đoàn HTX CHLB Đức (DGRV) tại Việt Nam cho biết, trong thời kỳ đầu của sự phát triển, HTX cũng nhận được những hỗ trợ nhất định từ nhà nước, như: việc được công nhận là một loại hình doanh nghiệp, có đầy đủ tư cách pháp nhân, được phép lựa chọn mô hình trách nhiệm hữu hạn và tự chịu trách nhiệm trước hết bằng chính tài sản của HTX.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Liên đoàn HTX CHLB Đức (DGRV) tại Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Liên đoàn HTX CHLB Đức (DGRV) tại Việt Nam: Việc hỗ trợ HTX ở giai đoạn đầu mới thành lập đóng vai trò tương đối quan trọng để cho các HTX phát triển

“Việc hỗ trợ HTX ở giai đoạn đầu mới thành lập đóng vai trò tương đối quan trọng để cho các HTX phát triển. Theo đó, các chính sách hỗ trợ có thể được hiểu là những quy định cụ thể trong luật và việc áp dụng một cách thống nhất, tạo điều kiện cho các HTX được tham gia một cách toàn diện vào nền kinh tế. Ngoài ra, HTX cũng được tham gia vào các chương trình hỗ trợ dành cho các loại hình doanh nghiệp khác khi họ đáp ứng các điều kiện của chương trình. Việc tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để HTX có thể tiếp cận tín dụng cũng có thể coi là biện pháp hỗ trợ quan trọng cho HTX. Điều này giúp HTX có được đòn bẩy tài chính để phát triển hoạt động kinh doanh, nhưng không triệt tiêu những nguyên tắc cơ bản của mô hình HTX, đặc biệt là nguyên tắc tự lực”, bà Minh nói.

Theo bà Jedsadaporn Sathapatyanon, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Nông nghiệp Thái Lan, Cơ quan Phát triển Hợp tác xã (CPD) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã chịu trách nhiệm thúc đẩy và củng cố phong trào HTX ở Thái Lan. Cụ thể, CPD đã tổ chức nhiều chương trình và hoạt động để giúp đỡ các HTX, như: Bổ trợ kiến thức và tăng cường năng lực qua hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật bằng cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tư tưởng, nguyên tắc, phương pháp của HTX cho cán bộ HTX, các nhóm nông dân và công chúng. Ngoài ra, Hỗ trợ chuyển giao công nghệ liên quan đến sản xuất, chế biến, quản lý và phát triển kinh doanh của các HTX, tổ nông dân; Giám sát thể chế hóa, đăng ký và tăng cường hệ thống HTX; Khuyến khích và hỗ trợ các HTX sản xuất, thu gom, chế biến tiếp thị và phát triển công nghệ…

Luật Hợp tác xã đã tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các hợp tác xã
Bà Jedsadaporn Sathapatyanon, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Nông nghiệp Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển HTX tại Hội thảo

“Việc hỗ trợ cho các HTX sẽ dựa trên các tiêu chí, như: Sự cần thiết, tính bền vững và tính khả thi của các kế hoạch do HTX đề xuất; Hiệu quả hoạt động trước đây của HTX; Khả năng quản lý và tình trạng tài chính của HTX; Sao kê dòng tiền của HTX; Nhu cầu của thành viên; Hợp đồng vay trước đây và số tiền vay của HTX phải được Cơ quan HTX phê duyệt”, bà Jedsadaporn Sathapatyanon chia sẻ.

Liên quan đến việc hỗ trợ các HTX, bà Jeds Elizabeth Organo Batonan, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký, Giám sát và Kiểm tra, Cơ quan Phát triển Hợp tác xã Philippines cho biết, các HTX sẽ được hưởng các đặc quyền về miễn thuế và các ưu đãi, như: cung cấp các mặt hàng nông sản do thành viên sản xuất cho các tổ chức chính phủ, phân bổ vật tư/thiết bị nông nghiệp, quản lý chợ công cộng và cho thuê cơ sở vật chất chợ công cộng, phân bổ khoản vay đóng thuyền thương mại, miễn phí không gian văn phòng, hỗ trợ tài chính cho các HTX vận tải và quản lý vận hành nhà ga công cộng, quyền được hỗ trợ tài chính và cấp vốn…

Bên cạnh các kinh nghiệm từ các cơ quan phát triển HTX của Thái Lan và Philippines, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kiến nghị một số giải pháp, như: Tiếp tục nâng cao hiểu biết về thực tế và nhu cầu của HTX; Thực hiện các hoạt động thúc đẩy và nâng cao nhận thức cho các đối tác 3 bên, các bên liên quan chính và người dân về đóng góp và tiềm năng của HTX để tạo thu nhập và việc làm bền vững; Xây dựng kho dữ liệu và chia sẻ kiến thức hiệu quả hơn về HTX; Tăng cường lồng ghép các kế hoạch xây dựng năng lực cho các HTX trong cách chính sách, chiến lược quốc gia về HTX…/.