Chuyển 162 hồ sang cơ quan công an

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, cơ quan thuế các cấp đã thường xuyên đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các hành vi vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Trên thực tế trong các năm qua, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý. Nếu như con số này trong năm 2019 là 135 trường hợp, thì năm 2020 tăng lên 162 trường hợp. Trong đó, có một số vụ vi phạm điển hình như: Công ty TNHH Junma Phú Thọ, Công ty TNHH xuất nhập khẩu EUROPA, Công ty TNHH thương mại & xuất nhập khẩu An Khánh, Công ty TNHH xuất nhập khẩu & thương mại dịch vụ Minh Hải, Công ty TNHH xuất nhập khẩu & thương mại Gia Bảo.

Một trong những vụ vi phạm “nóng”, theo Tổng cục Thuế là 15 công ty thực hiện mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng lớn do Ngô Văn Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Phát-Petraco (Hải Phòng) cầm đầu. Nhiều trường hợp vi phạm “nóng” khác ở các bàn trọng điểm như: TP.HCM, Vĩnh Phúc, An Giang, khu vực Tây Nguyên đang được cơ quan chức năng xử lý…

Hành vi phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp vẫn diễn biến phức tạp (nguồn: internet)

Thêm giải pháp mạnh tay xử lý vi phạm

Để đấu tranh với vấn nạn phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp…, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo các cục thuế, chi cục thuế giao cho các phòng; các đội tiếp tục tổ chức nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; nắm bắt hành vi, cách thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn (nguồn: internet)

Cùng với thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế do cơ quan thuế quản lý và thông tin giao dịch đáng ngờ từ: Đơn thư tố cáo; cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước..., cơ quan thuế còn rà soát các thông tin có nội dung rao mua bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên mạng internet, mạng xã hội như trang cá nhân trên Facebook, email, điện thoại… Từ đó xác định danh tính, địa chỉ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của cá nhân, tổ chức rao mua bán, cung cấp hóa đơn bất hợp pháp trên địa bàn, để cung cấp, chuyển thông tin các đối tượng này sang cho cơ quan công an điều tra làm rõ.

Đặc biệt, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan công an đảm bảo tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Tới đây, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, giám sát các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Ngành thuế sẽ sớm đưa vào áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, để tạo thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, truy lần hóa đơn và xử lý các sai phạm kịp thời.

Bên cạnh việc kiên quyết xử lý các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, ông Cao Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của công chức, viên chức trong đơn vị, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, kỷ cương của ngành thuế, gây phiền hà, nhũng nhiễu, vụ lợi trong khi thi hành công vụ./.