Nguyễn Ngọc Thiên Thanh, email: thanhnnt99@gmail.com

Học viên cao học, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Khuyến khích khởi nghiệp được xem là cách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra việc làm giúp đảm bảo an sinh xã hội. Sinh viên ngành quản trị kinh doanh là đối tượng có nhiều điều kiện thuận lợi làm tiền đề thực hiện khởi nghiệp. Nghiên cứu tiếp cận từ góc độ sinh viên ngành quản trị kinh doanh trong đối sánh với lý thuyết hành vi dự định (TPP) của Ajzen (1991) và lý thuyết sự kiện khởi nghiệp (Shapero và Sokol, 1982) để xây dựng mô hình lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên. Kết quả nghiên cứu đề xuất mô hình với 5 nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) gồm: (i) Thái độ và sự đam mê; (ii) Quy chuẩn chủ quan; (iii) Giáo dục; (iv) Nguồn vốn; (v) Sự sẵn sàng kinh doanh.

Từ khóa: ý định khởi nghiệp, phát triển kinh tế, sinh viên, an sinh xã hội

Summary

Encouraging entrepreneurship is seen as a way to promote economic development and create employment opportunities that ensure social welfare. Business administration students are considered a favorable group with conducive conditions for starting entrepreneurial ventures. This research approaches the topic from the perspective of business administration students, incorporating the Theory of Planned Behavior (Ajzen, 1991) and the Entrepreneurial Event Theory (Shapero & Sokol, 1982) to construct a theoretical model of factors influencing students' entrepreneurial intentions. The study proposes a model consisting of five influencing factors on the entrepreneurial intentions of students at Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH): (i) Attitude and passion; (ii) Subjective norms; (iii) Education; (iv) Capital; (v) Business readiness.

Keywords: entrepreneurial intention, economic development, students, social welfare

GIỚI THIỆU

Khởi nghiệp tạo ra một làn sóng mới và trở thành nền tảng quan trọng giúp đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cho phép khai thác tốt hơn nguồn lao động, nguồn vốn, công nghệ và thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp khởi nghiệp giúp làm giảm nguy cơ thất nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ cao của quốc gia. Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp là môi trường thuận lợi để khai thác tối đa lượng chất xám, tinh thần làm giàu, ước mơ vươn mình ra thế giới của thế hệ trẻ. Sinh viên với vai trò là nguồn nhân lực chất lượng cao, có trong mình tri thức và khả năng tiếp cận với xu hướng mới, nên thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên chính là một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả khởi nghiệp. Nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, việc khởi nghiệp trong sinh viên vừa có nhiều cơ hội, nhưng cũng lắm thách thức. Nghiên cứu tiếp cận từ góc độ động lực khiến sinh viên ngành quản trị kinh doanh nảy sinh ý định khởi nghiệp. Trong khuôn khổ bài viết, nghiên cứu tiến hành phân tích trên cơ sở lý thuyết và tổng quan các công trình đi trước để xây dựng mô hình lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên HUTECH.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Khái niệm khởi nghiệp và đặc điểm

Khởi nghiệp được hiểu là quá trình bắt đầu để xây dựng một doanh nghiệp mới, bao gồm: tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch, tìm nguồn vốn và triển khai các hoạt động kinh doanh. Khởi nghiệp thường liên quan đến việc sáng tạo, đổi mới và tạo ra giá trị mới cho thị trường, trong đó con người đóng vai trò quan trọng và là yếu tố cốt lõi để tạo nên thành công. Để khởi nghiệp thành công, những yếu tố quan trọng mà người khởi nghiệp cần phải có gồm:

(i) Kiến thức chuyên môn vững chắc. Khi một người quyết định trở thành chủ doanh nghiệp, điều quan trọng là cần có một nền tảng kiến thức vững chắc và không ngừng cải thiện kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Điều này đảm bảo rằng, người khởi nghiệp đã tìm hiểu kỹ về những kiến thức liên quan đến ngành nghề định sẽ hoạt động. Theo đó, hiểu biết về kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực khởi nghiệp và các khía cạnh khác của doanh nghiệp, như: thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực, công nghệ, quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp.

(ii) Am hiểu kiến thức tài chính. Trong quá trình khởi nghiệp, người khởi nghiệp cần hiểu và theo dõi các chỉ số tài chính để biết và theo dõi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mình. Rất nhiều nhà khởi nghiệp thất bại do thiếu sót kiến thức về tài chính, dẫn đến không kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp.

(iii) Tư duy sáng tạo và ý tưởng đột phá. Yếu tố quan trọng đầu tiên khi bắt đầu khởi nghiệp cần có là những ý tưởng khởi nghiệp mới mẻ, sáng tạo. Trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng có thể nảy ra ý tưởng, nhưng sự khác biệt giữa người bình thường và người khởi nghiệp là khả năng áp dụng những ý tưởng này vào hoạt động kinh doanh với mục tiêu sinh lời.

(iv) Khả năng nghiên cứu thị trường và phân tích đối thủ. Nghiên cứu thị trường và nghiên cứu đối thủ sẽ giúp người khởi nghiệp thu thập thông tin quan trọng về lĩnh vực hoạt động của mình. Điều này cung cấp cho người khởi nghiệp cái nhìn tổng quan về thị trường, nhu cầu của khách hàng và xu hướng cạnh tranh.

(v) Nguồn vốn là một yếu tố không thể thiếu khi một người muốn khởi nghiệp. Để đảm bảo sự tồn tại và phát triển trong giai đoạn khởi đầu, việc lên kế hoạch huy động và kêu gọi vốn kinh doanh là rất quan trọng. Vốn có thể được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, như: tiền mặt đã chuẩn bị trước đó, kêu gọi đầu tư từ người khác hoặc thậm chí vay mượn từ các tổ chức tài chính.

(vi) Sự kiên trì và nỗ lực bền bỉ. Khi bắt đầu, người khởi nghiệp thường không biết chính xác cách làm nào là đúng. Do đó, người khởi nghiệp chỉ có thể lập kế hoạch, thực hiện, rút kinh nghiệm và tìm cách tối ưu hóa phương pháp. Và, để thành công, những người khởi nghiệp phải luôn nỗ lực bền bỉ và không ngừng cố gắng, kiên trì đến cùng trên hành trình khởi nghiệp.

Ý định khởi nghiệp

Ý định khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là sự quyết tâm cá nhân, mà còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc về thị trường và khả năng định hình chiến lược kinh doanh (Xavier Martin và cộng sự, 2009). Theo đó, Xavier Martin và cộng sự (2022) cho rằng, ý định khởi nghiệp như là sự kết hợp giữa mục tiêu cá nhân và nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Michael H. Morris và Donald F. Kuratko (2023) cho rằng, ý định khởi nghiệp không chỉ là một ý tưởng, mà còn là một kế hoạch hành động cụ thể, là sự sẵn lòng tiến hành các hoạt động cần thiết để biến ý tưởng thành hiện thực. Như vậy, trong nghiên cứu này quan niệm, ý định khởi nghiệp là khả năng và cam kết của cá nhân đối với việc tạo lập và phát triển một doanh nghiệp mới. Đây là yếu tố quan trọng đánh dấu sự bắt đầu của quá trình khởi nghiệp và sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh.

Lý thuyết hành vi dự định (TPB)

Lý thuyết TPB của Ajzen (1991) được phát triển từ lý thuyết hành động hợp lý (TRA) (Ajzen I. và Fishbein, M., 1975). TPB cho rằng, việc dự báo hoặc giải thích hành vi có thể được thực hiện thông qua việc xem xét các xu hướng hành vi của cá nhân khi họ thực hiện hành động đó. Các xu hướng hành vi được TPB giả định bao gồm các yếu tố động cơ ảnh hưởng đến hành vi, được định nghĩa như mức độ nỗ lực mà cá nhân đưa ra để thực hiện hành vi đó (Ajzen, 1991). Điều này bao gồm việc xem xét các lợi ích và rủi ro liên quan đến hành vi, cũng như cân nhắc về quan điểm cá nhân về ý thức và đánh giá của họ về quan điểm xã hội. TPB cũng xem xét cảm giác kiểm soát của cá nhân về khả năng thực hiện hành vi, nhấn mạnh vai trò của sự tự chủ và quản lý trong việc thực hiện hành động. Theo đó, xu hướng hành vi là kết quả của 3 yếu tố chính:

- Thái độ cá nhân đối với hành vi là thể hiện mức độ đánh giá tích cực hoặc tiêu cực của một người về việc bắt đầu và điều hành một doanh nghiệp. Thái độ này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: niềm tin vào khả năng thành công, đánh giá của môi trường xã hội, sự sẵn lòng đối mặt với rủi ro và khả năng chấp nhận thất bại. Ví dụ, một người có thái độ tích cực đối với hành vi khởi nghiệp có thể là do họ tin rằng, việc tự kinh doanh sẽ mang lại cơ hội tài chính và sự độc lập đồng thời họ sẵn lòng đối mặt với những rủi ro và thách thức để đạt được mục tiêu.

- Chuẩn chủ quan là việc phản ánh ý kiến, mong muốn hoặc áp lực từ gia đình, bạn bè, nhà đầu tư hoặc cộng đồng kinh doanh đối với quyết định của một cá nhân về việc bắt đầu hoặc không bắt đầu một doanh nghiệp mới. Ví dụ khi một sinh viên bắt đầu một doanh nghiệp mới dưới sự tác động của gia đình và bạn bè. Những ý kiến và áp lực từ gia đình và bạn bè có thể tạo ra một chuẩn chủ quan tiêu cực đối với hành vi khởi nghiệp của sinh viên. Sự ảnh hưởng của chuẩn chủ quan này có thể làm cho sinh viên cảm thấy bị ép buộc hoặc lo lắng, gây khó khăn trong việc quyết định và thực hiện kế hoạch khởi nghiệp của mình.

- Nhận thức về khả năng kiểm soát hành vi là phản ánh mức độ tin tưởng của cá nhân vào khả năng của họ để thực hiện hành vi mục tiêu và đối mặt với các yếu tố cản trở. Yếu tố kiểm soát hành vi được nhìn nhận từ 2 thành phần: (i) Yếu tố bên trong (đề cập đến sự tự tin của cá nhân để thực hiện hành vi; (ii) Yếu tố bên ngoài (đề cập đến nguồn lực như tài chính, thời gian, môi trường…). Theo đó, nhân tố kiểm soát hành vi tác động trực tiếp đến xu hướng thực hiện hành vi và nếu đương sự chính xác trong cảm nhận về mức độ kiểm soát của mình, thì kiểm soát hành vi còn dự báo cả hành vi (Ajzen, 1991).

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Trong những năm gần đây, chủ đề ý định khởi nghiệp được nhiều nhà học giả khai thác đào sâu nghiên cứu, trong nghiên cứu này tác giả tổng quan một số nghiên cứu tiêu biểu có tiếp cận trực diện vào ý định khởi nghiệp trong sinh viên, như sau:

(i) Nghiên cứu “Ý định khởi nghiệp của sinh viên tại Indonesia” của Ririn Alfianti và cộng sự (2021), đã tiến hành phân tích thực nghiệm thông qua kỹ thuật thống kê suy luận Warp-PLS SEM với cỡ mẫu 168 khảo sát theo mô hình (Hình 1) 2 nhân tố tác động. Nghiên cứu chỉ ra, hỗ trợ của trường đại học có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh ảnh hưởng của kiến thức kinh doanh đối với ý định kinh doanh.

Hình 1: Mô hình 2 nhân tố tác động đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên tại Indonesia

Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên trường đại học công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Ririn Alfianti và cộng sự (2021)

(ii) Nghiên cứu “Ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành công nghệ thông tin” tại Học viện công nghệ thông tin và trường Đại học Kuala Lumpur - Malaysia của Haris và cộng sự (2016) cho thấy, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp, bao gồm: Tiếp cận tài chính; Cơ hội nghề nghiệp; Nhận thức tính khả thi; Lời khuyên từ gia đình và bạn bè; Môi trường giáo dục tinh thần khởi nghiệp (Hình 2).

2: Mô hình 5 nhân tố ảnh hưởng đến định khởi nghiệp của sinh viên ngành công nghệ tại Malaysia

Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên trường đại học công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Haris và cộng sự (2016)

(iii) Nghiên cứu của Nguyễn Văn Định và cộng sự (2021) về “Các yếu tố có tác động đến ý định khởi sự kinh doanh của sinh viên trường Đại học Nam Cần Thơ” với mô hình 7 nhân tố, trong đó 1 nhân tố được xác lập làm biến trung gian (Hình 3). Kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên cơ sở khảo sát 301 sinh viên trường Đại học Nam Cần Thơ với phương pháp phân tích phương trình cấu trúc (SEM) cho thấy, 5 nhân tố tác động ở mức đáng kể đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên bao gồm: Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp; Môi trường giáo dục; Nhận thức kiểm soát hành vi; Nguồn vốn. Trong khi, nhân tố Chuẩn chủ quan được cho là không có tác động đáng kể đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Hình 3: Mô hình các yếu tố có tác động đến Ý định khởi sự kinh doanh của sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ

Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên trường đại học công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Nguyễn Văn Định và cộng sự (2021)

(iv) Nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ”, của Phan Anh Tú và cộng sự (2017) đã đề xuất mô hình nghiên cứu với 7 nhân tố (Hình 4). Kết quả, nghiên cứu đã cho thấy, 7 nhân tố ảnh hưởng đến hành vi khởi nghiệp của sinh viên xếp theo mức độ ảnh hưởng giản dần là: Đặc điểm tính cách; Nhận thức; Thái độ cá nhân; Giáo dục khởi nghiệp; Nhận thức kiểm soát hành vi; Quy chuẩn và thái độ; Quy chuẩn chủ quan.

Hình 4: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp kinh doanh
của sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ

Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên trường đại học công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Phan Anh Tú và cộng sự (2017)

MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ GIẢ THUYẾT

Nghiên cứu kế thừa các kết quả nghiên cứu đi trước và trên cơ sở kết hợp có chọn lọc từ lý thuyết hành vi dự định của Ajzen (1991) và lý thuyết sự kiện khởi nghiệp của Shapero và Sokol (1982), đồng thời phát triển thêm nhân tố thuộc về tính cách, với nhận thức nỗ lực của cá nhân có mối quan hệ đến hành vi khởi nghiệp. Từ đó, nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên HUTECH như Hình 5.

Hình 5: Mô hình nghiên cứu lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên HUTECH

Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên trường đại học công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tác giả đề xuất

Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:

H1: Thái độ và sự đam mê có ảnh hưởng tích cực (+) đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên HUTECH. Thái độ với việc khởi nghiệp có thể được xem như tính tích cực hay động lực sẵn sàng tham gia hoạt động khởi nghiệp khi có cơ hội (Ajzen và Fishbein, 1975), thái độ tích cực với việc khởi nghiệp được xem như một nhân tố thúc đẩy ý định khởi nghiệp hay làm tăng quyết tâm thực hiện hành động khởi nghiệp (Autio và cộng sự, 2001; Linan và Chen, 2009).

H2: Quy chuẩn chủ quan có ảnh hưởng tích cực (+) đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên HUTECH. Quy chuẩn chủ quan là sự ảnh hưởng của ý kiến và áp lực từ xã hội xung quanh một cá nhân. Nó đo lường mức độ áp lực mà một cá nhân cảm nhận từ xã hội, có thể ảnh hưởng đến quyết định của họ trong việc thực hiện hành vi (Ajzen, 1991). Một cá nhân sẽ lựa chọn thực hiện hành vi theo cách mà họ cảm nhận rằng những người khác trong xã hội mong chờ họ (Bird. B., 1988).

H3: Giáo dục có ảnh hưởng tích cực (+) đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên HUTECH. Giáo dục khởi nghiệp là việc truyền đạt kiến thức, nuôi dưỡng lòng dũng cảm và sự quyết tâm trong sinh viên, khuyến khích họ đứng lên và tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng (Annafatmawaty Ismail và cộng sự, 2020). Theo đó, giáo dục khởi nghiệp không chỉ là việc trang bị kiến thức và kỹ năng kinh doanh, mà còn là việc nuôi dưỡng tư duy đạo đức và trách nhiệm xã hội trong sinh viên (Peter Singer, 2009).

H4: Nguồn vốn có ảnh hưởng tích cực (+) đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên HUTECH. Nguồn vốn là một số tiền, tài sản hoặc nguồn lực có thể sử dụng để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh. Sinh viên thường không sẵn có nguồn vốn, nên ít chú ý đến việc khởi nghiệp do không muốn phải chịu nhiều rủi ro và các vấn đề về tài chính (Perera K. H., 2011).

H5: Sự sẵn sàng kinh doanh có ảnh hưởng tích cực (+) đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên HUTECH. Sự sẵn sàng kinh doanh là khả năng và tư duy của một cá nhân để tiếp nhận, đánh giá và tận dụng cơ hội kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh. Nó bao gồm sự sẵn lòng và khả năng của cá nhân để chấp nhận rủi ro, đưa ra quyết định và thực hiện hành động nhằm mục tiêu tạo ra giá trị và thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

KẾT LUẬN

Trường đại học là nơi tạo ra và truyền bá tri thức khoa học, công nghệ, nơi tập trung nguồn nhân lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo. Nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là lực lượng sản xuất đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh phát triển dựa vào tri thức, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đó chính là động lực của tăng trưởng. Do đó, ngày nay, trường đại học không chỉ đóng vai trò là nơi tạo ra và truyền bá tri thức khoa học, công nghệ, mà còn thực hiện chức năng quan trọng là biến các tri thức đó thành tiền. Để phong trào khởi nghiệp trở thành hoạt động đi vào chiều sâu, trở thành nhu cầu tự thân và thiết yếu của sinh viên cần phải có những tác động làm chuyển biến nhận thức tiến đến hành động một cách chủ động. Do vậy, việc phân tích định lượng theo mô hình nghiên cứu lý thuyết đề xuất ở Hình 5 để làm rõ mức độ ảnh hưởng của 5 nhân tố gồm: Thái độ và sự đam mê; Quy chuẩn chủ quan; Giáo dục; Nguồn vốn; Sự sẵn sàng kinh doanh đến Ý định khởi nghiệp của sinh viên HUTECH và có giải pháp khắc phục sẽ thúc đẩy sinh viên HUTECH tham gia mạnh mẽ vào hoạt động khởi nghiệp trong thời gian tới, với tinh thần “lập thân, lập nghiệp” tạo ra một sung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision, 50 (2), 179-211.

2. Ajzen, I., and Fishbein, M. (1975), Belief, attitude, intetion and behavior: An introduction to theory and research, Reading, MA: Addison Wesley.

3. Autio, E., Keeley, R.H., Flofsten, M., Parkr, G.G.C. and Hay, M. (2001) Entrepreneurial Intent among Students in Scandinavia and in the USA, Enterprise and Innovation Management Studies, 2(2), 145-160, https://doi.org/10.1080/14632440110094632.

4. Annafatmawaty Ismail and Sukanlaya Sawang (2020), Entrepreneurship Education, Pedagogy and Delivery, Entrepreneurship Education, 1-10, DOI:10.1007/978-3-030-48802-4_1.

5. Bird, B. (1988), Inplementing entrepreneurial ideas: The case for intention. Academy of Management Review, 13(3), 442-453.

6. Haris. O. A., Abdullah. M., Talib O. A., and Rahman. F. A. (2016), Exploring the Entrepreneurial Intention Among Information Technology Students, Information Technology Journal, 22, 166-122, DOI: 10.3923/itj.2016.116.122.

7. Linan and Chen (2009), Development and cross-cultural application of spexific instrument to measure entrepreneurial intentions, Entrepreneurship Theory and Pratice, 33(3), 593-617.

8. Michael H. Morris and Donald F. Kuratko (2023), Familiness and innovation outcomes in family firms: The mediating role of entrepreneurial orientation, Journal of Small Business Management, 61(4), 1345-1377.

9. Nguyễn Văn Định, Lê Thị Mai Hương, Cao Thị Sen (2021), Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ, Tạp chí Khoa học đại học Mở TP. Hồ Chí Minh - kinh tế và quản trị kinh doanh, 17(2),165-181.

10. Peter Singer (2009). The Life You Can Save: Acting Now to End World Poverty. New York: Random House.

11. Perera K. H., Jayarathna L.C.H., Gunarathna R.R.P.K., (2011), The Entrepreneurial Intention of Undergraduates in Sri Lankan Universities, Faculty of Commerce and Management Studies.

12. Phan Anh Tú và Trần Quốc Huy (2017), Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 48(d), 96-103.

13. Ririn Alfianti, Kemal Budi Mulyono1 and Firda Nurhidayati1 (2021), Perceived University Support: How Doé It Build the Entrepreneurial Intention? A case from Indonesia, Advances in Ecomics, Busines and Management Research, 163, 17-21, DOI:10.2991/aebmr.k.210220.004.

14. Shapero, A., and Sokol, L. (1982), Some social dimensions of entrepreneurship, In C. A. Kent (Ed.), Encyclopedia of entrepreneurship, 72-90.

15. Xavier Martin et al (2009), In with the old, in with the new: Capabilities, strategies, and performance among the Hollywood studios, Strategic Management Journal, 30(13),1440-1452.

Ngày nhận bài: 10/4/2024; Ngày phản biện: 04/6/2024; Ngày duyệt đăng: 10/6/2024