Mối quan hệ giữa tăng trưởng của thị trường carbon toàn cầu với khả năng chống biến đổi khí hậu
Phát triển thị trường carbon toàn cầu |
Tăng trưởng của thị trường carbon
Thị trường carbon với chức năng là nơi giao dịch các tín chỉ carbon dôi dư (quyền giao dịch cho phép doanh nghiệp sở hữu thải ra 1 tấn CO2/ tín chỉ), do doanh nghiệp tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn và có tín chỉ dư. Hiệu quả của việc cắt giảm khí thải được xác nhận bởi một bên thứ ba và các tín chỉ được cấp thông qua những nỗ lực giảm phát thải CO2 có thể được giao dịch trên thị trường carbon.
Thị trường carbon, trong nhiều năm thiếu hụt, cuối cùng đã trở thành một trong những công cụ phổ biến nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vào cuối năm 2021, hơn 21% (năm 2020 là 15%) lượng khí thải trên thế giới được bao phủ bởi một số hình thức định giá carbon. Doanh số giao dịch ở thị trường carbon thế giới đã đạt 760 tỷ Euro (897 tỷ USD), tăng 164% vào năm 2021.
Thị trường carbon toàn cầu giai đoạn 2018-2021 (Nguồn Refinitiv) |
Việc tăng doanh số đi kèm với giá carbon đã đảm bảo các doanh nghiệp tiêu dùng nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn gặp bất lợi trong cạnh tranh, trong khi sự đổi mới xanh được đền đáp. Trong khi đó, doanh thu từ việc bán giấy phép carbon sẽ là nguồn thu đáng kể để các chính phủ có thể tái đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc các hoạt động trong nỗ lực giảm phát thải CO2 hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề là rất ít thị trường carbon trên thế giới hoạt động như dự kiến.
Thế giới đã bước đầu áp dụng thuế biên giới carbon đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là khu vực EU. Nguyên nhân là do đa phần hàng hóa nhập khẩu vào EU đều không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về xả thải carbon trong quá trình sản xuất như các doanh nghiệp nội địa, dẫn tới sự bất công giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài. Việc áp dụng thuế biên giới carbon cũng ảnh hưởng tới mức độ cạnh tranh thương mại của hàng hóa và lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng sẽ khuyến khích phát triển các công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường hơn trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, quan điểm định giá phát thải CO2 còn có khác biệt, trong khi chính phủ một số nước, ước tính đó là chi phí xã hội tối thiểu của carbon (thước đo thiệt hại đối với phúc lợi toàn cầu do tăng lượng khí thải) nên định giá phát thải khí đốt vào khoảng trên 40 USD/tấn (năm 2021 có 3,8% lượng khí thải được định giá trên 40 USD/tấn), thì một số nhà kinh tế định giá phải ở mức hơn 200 USD.
Những hạn chế ảnh hưởng đến kế hoạch chống biến đổi khí hậu
Thế giới đang thực hiện phương thức định giá trên hệ thống buôn bán khí thải (ETSS) theo nguyên tắc “giới hạn và thương mại”. Các cơ quan quản lý đặt ra tổng mức phát thải hàng năm được phép (giới hạn) và đấu giá các khoản định mức phát thải này cho các doanh nghiệp có trong chương trình. Sau đó, các doanh nghiệp có thể trao đổi các định mức này với nhau, từ đó định ra giá carbon. Một số ETSS cũng cho phép các công ty tài chính như quỹ đầu cơ giao dịch, hoàn toàn vì lợi nhuận, bằng chính tài khoản của họ.
Các thị trường tốt nhất định giá carbon cao nhờ giới hạn thấp và giảm dần theo thời gian, tạo ra động lực mạnh mẽ để chuyển đổi sang xu hướng xanh. Các thị trường này cũng bao gồm một loạt các hoạt động kinh tế, cho phép các đại lý đánh đổi giữa việc đốt xăng trong ô tô, than trong lò cao hoặc khí tự nhiên trong các nhà máy điện. Phạm vi rộng đảm bảo rằng, các hệ thống thương mại tìm ra cách rẻ nhất để giảm lượng khí thải, giảm chi phí chung cho xã hội trong việc chống lại biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cơ chế vận hành theo “giới hạn và thương mại” của thị trường carbon đang bộc lộ những vấn đề không phù hợp với cả hai lý do đã ảnh hưởng đến kế hoạch giảm phát thải CO2, chống biến đổi khi hậu, cụ thể:
Thứ nhất, cơ chế của thị trường carbon thế giới là chuyển các nguồn lực từ khu vực đơn lẻ sang tập trung, điều này gây khó chịu cho chính phủ các nước trước áp lực lợi ích quốc gia. Bởi nếu giá carbon cao hơn cũng có thể kiến đẩy giá tiêu dùng lên cao tác động đến an sinh xã hội, đồng thời làm tổn hại đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước. Như vậy, tham vọng về thị trường carbon như thế nào là “biểu hiện của ý chí chính trị” tùy thuộc vào mỗi quốc gia. ETSS của Trung Quốc là ETSS lớn nhất thế giới (hình thành năm 2021), nhưng chỉ định giá carbon ở mức giá gần 60 NDT (9 USD), điều này không làm giảm được lượng khí thải (theo đánh giá của Yan Qin thuộc công ty dữ liệu Refinitiv).
Những luồng gió chính trị đang thay đổi, đôi khi giáng một đòn chí mạng vào các thị trường carbon non trẻ. Chẳng hạn, Australia, đã phá bỏ kế hoạch của riêng mình vào năm 2014, sau khi đảng Tự do trung hữu đưa ra kế hoạch bãi bỏ “thuế carbon” trong chiến dịch bầu cử của mình. Sức nóng chính trị thường xuyên hơn đã khiến các chính phủ phải làm tất cả những gì có thể để giữ giá thấp. Vào ngày 18/5, Ủy ban châu Âu (EC) bị thúc ép bởi các quốc gia thành viên lo lắng về giá năng lượng tăng cao, cho biết EU sẽ bán thêm 200 triệu giấy phép (hiện có 1,45 tỷ đang lưu hành). Giá carbon trong chương trình EU, lớn thứ hai thế giới, nhanh chóng giảm từ 90 euro xuống còn 80 euro/tấn.
Thứ hai, vấn đề phát sinh ở các vùng kinh tế được đặt trong trường hợp “loại trừ”. Theo lập luận của các doanh nghiệp công nghiệp, thì việc đưa họ vào hệ thống ETSS sẽ mang lại lợi thế không công bằng cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có giá carbon thấp hơn. Đây cũng chính là lý do tại sao các doanh nghiệp điện tử và những doanh nghiệp chế biến, chế tạo khác cung cấp miễn phí cho các nhà sản xuất có phát thải CO2 cao trong nước một số lượng giấy phép nhất định. Thêm nữa, sự xê dịch của các doanh nghiệp có phát thải CO2 cao từ các khu vực có quy định nghiêm ngặt về khí thải sang các khu vực có tiêu chuẩn lỏng lẻo hơn, những đặc quyền như vậy làm cho các kế hoạch chống biến đổi khí hậu kém hiệu quả hơn.
Bên cạnh sự hạn chế đến từ cơ chế vận hành của thị trường carbon, thì áp lực tăng trưởng của mỗi quốc gia, khu vực cũng tác động trực tiếp đến hoạt động của thị trường carbon. Như EU đã phải từ bỏ chính sách trợ giá bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá carbon cao thông qua giá giao thông và nhà ở. Tại bang California của Mỹ, nơi có hệ thống ETSS toàn diện nhất, bao gồm 80% lượng khí thải của bang, tiền thu được từ việc bán giấy phép carbon được sử dụng một phần để trợ giá cho việc mua ô tô điện. Mức hỗ trợ của các thành viên Chương trình Sáng kiến khí nhà kính khu vực (RGGI) - gồm 11 bang Đông Bắc của Mỹ - chỉ giới hạn ở lĩnh vực sản xuất điện.
Cùng với đó, cách tính lượng khí thải cũng là vấn đề khiến thị trường carbon vận động thiếu khách quan. Ví như, Trung Quốc không đặt giới hạn về tổng lượng khí thải, mà dựa trên cường độ phát thải carbon, do đó vẫn có thể tăng dư địa lượng khí thải cùng với nhu cầu điện. Hệ thống ETSS của Trung Quốc cũng bị suy yếu bởi việc thu thập dữ liệu kém, trong khi với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc sẽ chiếm 7,4% lượng khí thải toàn cầu.
Những nỗ lực cải thiện
Để làm cho thị trường carbon hoạt động tốt hơn là một thách thức chính trị hơn là một thách thức kinh tế. Việc giảm giới hạn tổng lượng phát thải cũng không thể phát triển ở nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải tính toán nghiêm túc về các thiết chế của thị trường carbon. Trong khi, để xây dựng và duy trì sự hỗ trợ cho các biện pháp giảm thiểu khí carbon làm hầu hết các hoạt động kinh tế đều tốn kém hơn. Nỗ lực trong vấn đề này có thể thấy, nước Anh từ lâu đã thất bại trong việc tăng thuế xăng dầu vì lạm phát, khiến chính phủ tiêu tốn hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, động lực xung quanh thị trường carbon có vẻ tự duy trì. EU đang xem xét “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” để các nhà nhập khẩu vào khối phải trả khoản chênh lệch giữa giá carbon nước ngoài với giá carbon của EU. Điều này không chỉ giúp EU loại bỏ lý do cho phép các công ty sản xuất bên trong châu Âu miễn phí khí thải carbon, mà còn khuyến khích các quốc gia muốn xuất khẩu sang khối này đưa giá carbon của họ về gần với EU hơn.
Ngăn chặn rò rỉ carbon bằng cách tạo ra các thị trường lớn hơn với việc thúc đẩy liên kết hai hoặc nhiều hệ thống ETSS. Tất nhiên, điều đó là chính đáng trên cơ sở khoa học: một tấn carbon có hại ở một quốc gia này, cũng sẽ có hại như ở bất kỳ quốc gia nào khác. Điều đó cũng làm cho thị trường carbon trở nên chặt chẽ hơn, giúp hình thành giá cả đúng hơn.
Do ngày càng có nhiều nền kinh tế thế giới bị bao phủ bởi hệ thống ETSS và thuế biên giới carbon được ưu ái và vì thế, tương lai các nền kinh tế này sẽ bị tụt hậu hơn và đánh mất lợi thế cạnh tranh. Trong xu hướng mới, mối đe dọa tụt hậu dường như đang phát huy tác dụng. Bởi, sau nhiều năm phản đối, Nhật Bản dự kiến sẽ thử nghiệm thị trường carbon quốc gia vào tháng 9/2022. Theo sau, một số nhà lập pháp Mỹ cũng đang bắt đầu xem xét lại việc định giá carbon. Trường hợp, nếu Mỹ có xu hướng xanh hơn nhiều đối tác thương mại và thuế biên giới carbon có thể là một cái cớ hữu ích cho các biện pháp bảo hộ./.
TS. Trần Đình Bích - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Bình luận