Tóm tắt

Dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều lợi ích to lớn. Các quy định pháp luật về dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hành vi của các chủ thể liên quan, đồng thời hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay vẫn còn đang tồn tại một số hạn chế, bất cập về quy định pháp luật dịch vụ logistics, đòi hỏi cần có sự hoàn thiện của pháp luật dịch vụ logistics ở Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ này.

Từ khóa: logistics, dịch vụ logistics, pháp luật dịch vụ logistics

Summary

Logistics services has developed strongly and created great benefits. Legal regulations on logistics services play an important role in guiding the behavior of related entities, and at the same time supporting the development of logistics service businesses in Vietnam. However, in Vietnam today, there are still a number of limitations and inadequacies in the legal provisions on logistics services, which requires the improvement of law to promote the strong development of this sector.

Keywords: logistics, logistics services, logistics service law

GIỚI THIỆU

Logistics là dịch vụ hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp cả trong sản xuất và dịch vụ, liên quan trực tiếp nhiều ngành, lĩnh vực. Phạm vi điều chỉnh của dịch vụ logistics rất rộng, dẫn tới tình trạng chồng chéo quy định. Pháp luật điều chỉnh trực tiếp trong quá trình xây dựng bắt đầu từ Luật Thương mại Việt Nam năm 2005, sau này được sửa đổi, bổ sung bằng Luật Thương mại (năm 2019) và một số nghị định liên quan, nhưng vẫn chưa khắc phục được những tồn tại trước đó. Do đó, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics ở Việt Nam cần được sửa đổi và bổ sung để phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của ngành.

MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ PHÁP LUẬT DỊCH VỤ LOGISTICS Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Kết quả đạt được

Thứ nhất, hành lang pháp lý cùng các quy định liên quan vấn đề dịch vụ logistics đang dần được hoàn thiện với hệ thống pháp luật liên kết chặt chẽ và đầy đủ hơn. Luật Thương mại năm 2005 là bước đột phá mạnh mẽ về pháp luật ngành logistics. Luật Thương mại năm 2005 đã có những quy định chung về dịch vụ logistics, quyền và nghĩa vụ các bên, điều kiện kinh doanh, các trường hợp được miễn trách nhiệm, giới hạn trách nhiệm… Đến ngày 05/7/2019, Luật Thương mại năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bằng Luật Thương mại (năm 2019). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ban hành thêm nhiều văn bản hướng dẫn liên quan dịch vụ logistics, như: Nghị định số 140/2007/NĐ-CP, ngày 05/9/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Gần nhất là Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.

Thứ hai, có nhiều hoạt động thúc đẩy quá trình phát triển dịch logistics nhiều hơn. Đặc biệt Quyết định số 07/QĐ-BNV, ngày 04/01/2013 của Bộ Nội vụ đã phê duyệt điều lệ của Hiệp hội và đổi tên hiệp hội “Giao nhận kho vận Việt Nam” thành “Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam”. Đây là hành động thúc đẩy mạnh mẽ, công nhận dịch vụ logistics trở thành một ngành dịch vụ quan trọng tác động mạnh mẽ vào nền kinh tế quốc dân. Việt Nam cũng chủ động tham gia nhiều chương trình, hội nghị quốc tế. Nổi bật, Việt Nam chủ động tham gia Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) - FIATA World Congress (FWC) hàng năm. Đây là tổ chức bao gồm nhiều hiệp hội logistics quốc gia, có nhiều tác động tới ngành dịch vụ thế giới qua đó cũng đào tạo để nâng cao trình độ nguồn nhân lực chất lượng cho ngành logistics thế giới. Đáng lưu ý, tại FWC 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đại diện Việt Nam tham gia đấu thầu giành quyền đăng cai Đại hội thường niên của Liên đoàn vào năm 2025 (FWC 2025) (Thy Hằng, 2022). FWC 2025 sẽ là cơ hội để doanh nghiệp logistics và xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác với hàng nghìn doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới.

Một số hạn chế, bất cập

Đầu tiên, là vấn đề khá cơ bản của khái niệm “dịch vụ logistics”. Luật Thương mại năm 2005 có nêu, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chỉ cần thực hiện một trong những dịch vụ, như: nhận hàng, vận chuyển, lưu bãi… là có thể được coi là dịch vụ logistics. Nhưng trên thực tế, dịch vụ logistics là một chuỗi các dịch vụ quản lý các chi tiết trong quá trình hoạt động. Mà hiện nay, việc cung cấp dịch vụ logistics chủ yếu là vận chuyển, do đó khái niệm về “dịch vụ logistics” được hiểu sai theo nghĩa là cung cấp dịch vụ vận chuyển, hay nhiều khi vẫn gọi vui là “quản lý shipper”. Logistics bao gồm nhiều hoạt động liên tục, có quan hệ mật thiết với nhau. Nhà cung cấp dịch vụ logistics có vai trò phối hợp nhịp nhàng các dịch vụ đó lại để tối ưu hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả, tạo cho khách hàng sự thỏa mãn ở mức độ cao nhất, giúp cho giá trị sản phẩm được gia tăng so với đối thủ cạnh tranh.

Thứ hai, hệ thống pháp luật ở Việt Nam còn chồng chéo, chưa có tính thống nhất, chưa đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ và phong phú của dịch vụ logistics. Mặc dù Nghị định số 163/2017/NĐ-CP đã quy định điều kiện buôn bán của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, nhưng trên thực tế, thương nhân còn phải tuân thủ nhiều loại văn bản pháp luật khác. Không chỉ vậy, nhiều vấn đề thì lại chưa có quy định để hướng dẫn cụ thể, như: điều kiện đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài, cấp phép cho nước không phải là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay điều kiện buôn bán, phân tách, kiểm định công nghệ đối với nhà cung cấp cũng chưa được rõ ràng.

Thứ ba, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics còn nhiều bất cập. Ví dụ tại điều 235 Luật Thương mại năm 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, có nêu “Được hưởng thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác”. Nếu như trong khi thỏa thuận, giữa hai bên không thỏa thuận được quyền và nghĩa vụ mỗi bên, thì thương nhân rất lúng túng khi xác định được chi phí nào là chi phí hợp lý mà mình được nhận. Qua đó cũng đẩy phần tự quyết cho “bên mạnh” hơn, khiến cho việc kinh doanh và cạnh tranh xảy ra thiếu công bằng.

Thứ tư, quy định về chủ thể dịch vụ logistics. Theo khoản 1 điều 234 Luật Thương mại năm 2019 quy định: “Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của pháp luật”. Còn theo khoản 1, điều 6 của Luật Thương mại năm 2005: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh”. Xoay quanh 3 từ “thương nhân”, “doanh nghiệp”, “thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics” là 3 khái niệm có những bất cập, hạn chế, không bổ sung cho nhau, mà còn thiếu thống nhất, khi thi hành gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics là thương nhân, nhưng thương nhân chưa chắc đã là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này, ví dụ hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ gia đình… Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, hộ kinh doanh cũng tham gia đảm nhận các công việc của chuỗi cung ứng, như: lưu kho, xuất hóa đơn, gói hàng…, nhưng rất khó khẳng định những người này là chủ thể của dịch vụ logistics. Từ đó, có thể thấy chủ thể của dịch vụ logistics chưa được quy định một cách rõ ràng và cụ thể. Quy định về chủ thể của logistics nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật, nên khi áp dụng gây ra khó khăn nhất định. Ngoài ra, chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics cũng chưa được phân biệt rõ ràng có phải là pháp nhân hay không.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Nhằm hoàn thiện pháp luật dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

Một là, bổ sung điều luật phân loại các loại hợp đồng logistics. Các hoạt động logistics rất đa dạng và mức độ hợp tác giữa các bên trong hợp đồng logistics phụ thuộc rất nhiều vào phạm vi cung cấp dịch vụ logistics. Vì vậy, một căn cứ phổ biến để phân loại hợp đồng logistics là căn cứ vào mức độ quan hệ hợp tác giữa các bên ký hợp đồng. Dựa vào tiêu chí này, hợp đồng logistics có thể phân thành một số loại như sau:

- Hợp đồng logistics có tính chất ngắn hạn thường được sử dụng cho dịch vụ cơ bản, không quan trọng chiến lược, với mức đầu tư thấp. Hợp đồng thường ngắn hạn, dành cho các giao dịch đơn lẻ. Quan hệ giữa khách hàng và nhà cung ứng không chặt chẽ, giá cả là yếu tố quan trọng nhất.

- Hợp đồng có tính chất trung hạn thường dành cho dịch vụ logistics phức tạp hơn, với khách hàng có thể lựa chọn gói dịch vụ phù hợp. Trong trường hợp này, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của khách hàng. Thời hạn của hợp đồng thường là 1 năm trở xuống. Mối quan hệ giữa hai bên chặt chẽ hơn hợp đồng ngắn hạn, tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin và hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung vẫn hạn chế. Khách hàng quan tâm đến cả vấn đề chất lượng dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.

- Hợp đồng hợp tác dài hạn thường dành cho giải pháp logistics phức tạp, với cả hai bên cùng tham gia phát triển theo yêu cầu của khách hàng. Thường đi kèm với mức đầu tư từ trung bình đến cao, bao gồm đầu tư vào nguồn nhân lực và nguồn lực hữu hình. Mối quan hệ hợp tác trong hợp đồng này là dài hạn và có lợi cho cả hai bên. Cả hai bên có lợi ích lâu dài, sẵn sàng chia sẻ thông tin và cùng nhau giải quyết vấn đề. Trong mối quan hệ này, khả năng phát triển giải pháp logistics mới được coi là trọng yếu.

Hai là, sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2019 các quy định về dịch vụ logistics. Xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh các hoạt động logistics một cách thống nhất. Hiện nay, các quy định pháp luật về logistics ở Việt Nam còn rất sơ sài. Do đó, việc điều chỉnh các hoạt động logistics ở Việt Nam chủ yếu từ các quy định của các ngành liên quan tới lĩnh vực logistics. Ví dụ: Việc vận chuyển hàng hóa đường bộ sẽ do quy định pháp luật của Bộ Giao thông và Vận tải điều chỉnh. Mà dịch vụ logistics là một chuỗi các hoạt động liên quan tới nền kinh tế, liên quan tới rất nhiều ngành khác nhau nên dẫn tới tình trạng các quy định pháp luật về dịch vụ logistics ở Việt Nam bị chồng chéo, khó hiểu, là một trở ngại đối với các thương nhân kinh doanh dịch vụ này. Vì vậy, việc xây dựng một hệ thống pháp luật riêng điều chỉnh hoạt động logistics là rất cần thiết. Có hệ thống pháp luật điều chỉnh riêng sẽ giúp các doanh nghiệp bớt được các trở ngại với các thủ tục rườm rà, dễ dàng thực thi pháp luật, rút ngắn thời gian hoàn thành dịch vụ.

Ba là, bổ sung quy định về nội dung hợp đồng logistics. Cần bổ sung các quy định sau khi thực hiện hợp đồng dịch vụ logistics: ngày ký hợp đồng, bên bán, bên mua, định nghĩa các thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng, phạm vi dịch vụ cung ứng, phất lượng dịch vụ, quy định gặp mặt giữa bên bán và bên mua, quan hệ nhà thầu độc lập, giá cả dịch vụ, thanh toán, bảo hiểm, miễn trách nhiệm, thời hạn và chấm dứt hợp đồng, cách thức thông báo, thỏa thuận về tính độc quyền dịch vụ logistics cung cấp, bất khả kháng, thỏa thuận về hiệu lực của hợp đồng, bảo mật thông tin, bảo mật thông tin, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, phụ lục.

Bốn là, cần có cơ quan quản lý ngành riêng. Việt Nam cần có cơ quan quản lý riêng cho dịch vụ logistics giống Singapore có cơ quan tự quản lý ngành dịch vụ logistics là Singapore Logistics Association (SLA). Logistics là một chuỗi các hành động liên quan tới nhiều ngành nên cần có một cơ quan đứng ra thống nhất các quy định, quản lý hoạt động logistics. Việc có cơ quan quản lý riêng ngành dịch vụ logistics giúp thúc đẩy việc kinh doanh của các thành viên trong tổ chức - thương nhân đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics. Khi thành lập cơ quan quản lý hoạt động dịch vụ logistics, các thành viên sẽ phải tuân theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn của cơ quan quản lý đề ra. Việc thành lập cơ quan quản lý riêng này cũng góp phần giải quyết nhiều thủ tục liên quan tới logistics, các thương nhân có cơ quan đại diện, đứng đầu để giải quyết các khúc mắc, đề xuất chung các giải pháp, giải quyết tranh chấp... Ngoài ra, thành lập cơ quan quản lý riêng có thể giúp các thành viên liên kết, hợp tác với nhau để hoàn thành cả một chuổi cung ứng các dịch vụ, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cung cấp số ít dịch vụ logistics, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Năm là, chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics cần được quy định là một pháp nhân. Cần có quy định chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics bắt buộc phải là pháp nhân. Chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics là pháp nhân sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015. Chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics là pháp nhân sẽ đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước. Doanh nghiệp bắt buộc nâng cao trình độ, trách nhiệm, chất lượng dịch vụ vì doanh nghiệp phải chịu toàn bộ trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với những rủi ro khi thực hiện dịch vụ đối với khách hàng./.

PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, Phạm Hải Sơn Hiếu

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 14 - tháng 5/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2017), Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.

2. Fundetec, R. (2008), White Paper on ICT in the Transport and Logistics Sector, Supply Chain Management, 55(8), 323–399

3. Quốc hội (2005), Luật Thương mại, số 36/2005/QH11, ngày 14/6/2005.

4. Quốc hội (2019), Luật Thương mại, số 17/VBHN-VPQH, ngày 5/7/2019.

5. Thy Hằng (2022), FWC 2022: Việt Nam được chọn đăng cai FIATA World Congress 2025, truy cập từ https://diendandoanhnghiep.vn/fwc-2022-viet-nam-duoc-chon-dang-cai-fiata-world-congress-2025-230774.html.