Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% trở lên thì lĩnh vực dịch vụ logistics phải tăng tối thiểu trên 10%
PGS, TS. Bùi Đức Tính - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Trường Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo quốc tế, ngày 22/02/2025

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin... Chiến lược tổng thể phát triển Khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 531/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 cũng đã xác định, dịch vụ logistics cùng với dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính - ngân hàng là 4 ngành dịch vụ hàng đầu được ưu tiên phát triển đến năm 2050. Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực dịch vụ logistics mới đang ở mức tăng trưởng 4,6%, trong khi nếu để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% trở lên, thì lĩnh vực dịch vụ logistics phải tăng tối thiểu trên 10%, GS, TS. Đặng Đình Đào nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải phát triển các loại hình dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao để gia tăng đóng góp vào GDP và lan tỏa, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển bền vững, gia tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân”.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% trở lên thì lĩnh vực dịch vụ logistics phải tăng tối thiểu trên 10%
Ảnh: GS.TS Đặng Đình Đào phát biểu đề dẫn Hội thảo quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế ngày 22/02/2025

GS, TS. Hans-Dietrich Haasis – Đại học Bremen (CHLB Đức): Nhân tố dẫn dắt chuyển đổi số sẽ thúc đẩy gia tăng hiệu quả dịch vụ logistics của Việt Nam trong hiện tại và tương lai…

Logistics hiện thực hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình này bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, như: vận tải, quản lý kho bãi, quản lý tồn kho, thực hiện đơn hàng và phối hợp chuỗi cung ứng. Để logistics tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì các quy trình của dịch vụ logistics phải liên kết chặt chẽ, dòng chảy phải thông suốt và các rào cản, cả về tư duy lẫn vật chất phải được loại bỏ.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% trở lên thì lĩnh vực dịch vụ logistics phải tăng tối thiểu trên 10%
Logistics hiện thực hóa chuỗi cung ứng

Trong khi chi phí logistics của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của thế giới, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (số liệu năm 2023), chi phí logistics của Việt Nam (16,8% GDP) cao hơn so với mức trung bình của thế giới (10,7% GDP), Singapore (8,5% GDP), Malaysia (13,0 % GDP) và Thái Lan (15,5% GDP). Việc tích hợp các công nghệ tiên tiến, như: trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn, cùng các phương pháp đổi mới quy trình chiến lược sẽ tối ưu hóa việc lập kế hoạch, thực hiện, quản lý các hoạt động trong chuỗi cung ứng và vận tải.

Khuyến nghị những nội dung đối với vai trò kiến tạo chính phủ Việt Nam cần: Thứ nhất, đầu tư vào phát triển hạ tầng: (i) Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông; (ii) Phát triển các trung tâm logistics và vận tải đa phương thức; Thứ hai, thúc đẩy áp dụng công nghệ số trong logistics theo hướng: (i) Khuyến khích việc sử dụng các công nghệ (như: IoT, AI và phân tích dữ liệu); (ii) Cung cấp các ưu đãi cho các công ty logistics để số hóa các hoạt động; Thứ ba, đơn giản hóa Khung pháp lý theo hướng: (i) Giảm bớt thủ tục hành chính và tối ưu hóa quy trình hải quan; (ii) Hài hòa các chính sách thương mại để thu hút đầu tư nước ngoài.

TS. Nguyễn Phương Lan – Đại học Thủy lợi: Bất động sản logistics được hiểu là một phân khúc của bất động sản công nghiệp sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL)…

Các loại hình bất động sản logistics gồm có: Kho bãi; Trung tâm phân phối; Cơ sở giao nhận hàng hóa; Bất động sản logistics đô thị; Bất động sản logistics lạnh.

Tiếp cận ở góc độ tập trung hóa hoạt động cung ứng dịch vụ logistics bằng việc hình thành các trung tâm phân phối dịch vụ logistics, TS. Nguyễn Phương Lan cho rằng, việc phát triển trung tâm phân phối sẽ mang lại các lợi ích, như: Tiếp nhận được hàng hóa từ nhiều nhà cung cấp khác nhau cùng lúc; Quy trình tự động hóa cao giúp tăng cường hiệu quả làm việc; Hàng hóa từ trung tâm phân phối dịch vụ logistics sẽ được phân phối đến các cửa hàng hoặc khách hàng chặng cuối.

Tuy nhiên, dù cho Trung tâm logistics là một thành tố cốt lõi của hệ thống logistics đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả các hoạt động logistics, nhưng cơ sở hạ tầng logistics, nhất là các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics và hệ thống kho tàng, bến bãi - bất động sản logistics tại địa phương lại chưa được quan tâm đầu tư và phát triển. Khảo sát đội ngũ cán bộ quản lý cấp tỉnh cho thấy kết quả tương tự: có trên 49% hiểu biết logistics ở mức trung bình, gần 29% hiểu biết logistics ở mức thấp, gần 21% hiểu biết logistics ở mức từ khá trở lên và hiểu biết logistics rất tốt chỉ có 1,1% (Nhóm nghiên cứu logistics thực hiện khảo sát vào tháng 4/2022). Do đó, cần thay đổi nhận thức về trung tâm logistics, xác định đó vừa là mô hình kinh doanh mới vừa là mô hình kết nối; Đồng thời, trong xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể logistics, cần đặt trọng tâm là xây dựng các trung tâm logistics theo chuẩn quốc tế.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% trở lên thì lĩnh vực dịch vụ logistics phải tăng tối thiểu trên 10%
Ảnh: TS. Nguyễn Phương Lan trình bày tham luận “Trung tâm Logistics: Nền tảng phát triển kinh tế và kết nối chuỗi cung ứng”

Ông Võ Đại Phong – Trưởng phòng khai thác container cảng Chân Mây: Quy hoạch Trung tâm logistics cần tầm nhìn dài hạn tính đến quy mô phát triển hiện đại và bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực và cơ chế phí cũng đòi hỏi phải luôn được cập nhật để đáp ứng tốt nhất yếu cầu của thực tiễn

Theo ông Võ Đại Phong, một Trung tâm logistics hiện đại, thì nên đặt ở những vị trí thuận lợi để kết nối khu vực, kết nối được với các phương thức vận tải khác nhau để cung cấp đồng bộ, cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics cho mạng lưới phân phối hàng hóa trên thị trường cả nước cũng như các hành lang kinh tế phục vụ cho hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Thêm vấn đề nữa, quỹ đất dành cho lưu trữ ở cảng quá ít, thiếu diện tích để xây dựng nhà kho, bãi chứa container; trong dài hạn nếu không đủ không gian lưu trữ sẽ kìm hãm sự phát triển, khiến chiến lược phát triển logistics lâu dài bị hạn chế, đội chi phí, giảm sức cạnh tranh.

Đề cập đến phương diện chính sách, ông Võ Đại Phong cho rằng, chính sách giá là một trong những điều kiện thiết yếu để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng biển Việt Nam. Do đó, cần điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển cho sát hợp với quy mô đầu tư và nhu cầu phát triển của từng loại cảng biển, tiệm cận với mức giá bình quân của khu vực, bởi hiện tại còn quá chênh lệch, gây bất lợi cho tiền năng phát triển để cạnh tranh của toàn khối cảng biển Việt Nam. Với mức giá quy định như hiện nay và thế mạnh cạnh tranh chi phối của tàu biển nước ngoài, tiềm năng phát triển hạ tầng cảng biển Việt Nam đã và đang giảm sút rất nhiều so với các nước trong khu vực. Ví dụ: Phí sử dụng cầu bến: 0,0031 USD/GT - giờ và 15 đồng/GT- giờ đã được ban hành từ năm 2008 đến nay vẫn chưa tăng (thấp hơn so với các cảng biển trong khu vực ASEAN). Đồng thời, cần bổ sung phí môi trường để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của ngành.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% trở lên thì lĩnh vực dịch vụ logistics phải tăng tối thiểu trên 10%
Ảnh: Cảng biển Chân Mây

TS. Đặng Thanh Phú – Phó Chủ tịch Liên hiệp Khoa học - kỹ thuật Thành phố Huế: Trong bối cảnh phát triển mới, logistics có vai trò dẫn dắt và tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng

Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered (2024), Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng đa chiều với tác động trực tiếp và gián tiếp của ngành dịch vụ logistics vào kim ngạch xuất nhập khẩu. Logistics chính là “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân và chủ thể của nó là hàng hóa. Đây là một nhân tố vô cùng quan trọng trong hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% trở lên thì lĩnh vực dịch vụ logistics phải tăng tối thiểu trên 10%
Ảnh: TS. Đặng Thanh Phú – Phó Chủ tịch Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Thành phố Huế chia sẻ ý kiến tại Hội thảo quốc tế

TS. Lê Thị Phương Thanh – Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế: Doanh nghiệp logistics rất cần hỗ trợ cơ chế và nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ logistics trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gia tăng…

Chuyển đổi số (DT) đang nhanh chóng thay đổi bối cảnh quản lý chuỗi cung ứng (SCM), với những tác động sâu sắc đến tính bền vững. Đánh giá tác động của chuyển đổi số đến tính bền vững trong các doanh nghiệp logistics (LSP) khu vực Bình Trị Thiên cho thấy, chi phí hậu cần, có thể được giảm thông qua chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics, dẫn đến giảm chi phí lưu kho, vận chuyển, lưu kho và chi phí hành chính; đồng thời, cũng sẽ cải thiện tác động môi trường. Theo đó, khi các doanh nghiệp LSP tại khu vực Bình Trị Thiên áp dụng chuyển đổi số để cải thiện công ty của mình, đòi hỏi phải xem xét cách đạt được mục tiêu của mình bằng cách xây dựng một kênh truyền thông chỉ xử lý tín hiệu số. Như vậy, chuyển đổi số cung cấp một giải pháp đầy hứa hẹn để thúc đẩy tính bền vững trong hậu cần, mang lại lợi ích đáng kể trên các khía cạnh kinh tế, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ số và cơ sở hạ tầng để tối đa hóa tiềm năng; và đồng thời, đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận về tác động tiềm tàng đến mô hình lao động của hiện tại.

PGS, TS. Nguyễn Thị Minh Phượng – Phó hiệu trưởng Trường Kinh tế - Trường Đại học Vinh: Để phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực nông nghiệp, điều quan trọng phải nâng cao nhận thức của nhà sản xuất hay nói rộng hơn là nhận thức của xã hội về dịch vụ logistics

Trong bối cảnh hội nhập, buộc phải chấp nhận cạnh tranh và do đó mọi thành phần kinh tế trong nền kinh tế phải lao động sản xuất, kinh doanh thực sự với tư cách chủ thể sáng tạo. Tâm lý, ý thức, tư duy của người nông dân cũng thay đổi căn bản, từ tư duy hiện vật (một sào ruộng làm ra bao nhiêu kg thóc) sang tư duy giá trị (một sào đất nông nghiệp thu được bao nhiêu triệu đồng). Như vậy, có nghĩa dịch vụ logistics với tư cách kết nối chuỗi giá trị, chất xúc tác để cung – cầu gặp nhau, thì người nông dân – doanh nghiệp – người tiêu dùng là các mắt xích của chuỗi cung ứng cần có những nhận thức chung về dịch vụ logistics. Với vai trò là cơ sở giáo dục đại học, việc đào tạo đội ngũ lao động chất lượng có khả năng và chủ động chuỗi cung ứng với vai trò dịch vụ logistics đặc biệt phải được chú trọng. Đồng thời, trong điều kiện là cơ sở giáo dục đại học cũng cần phải có trách nhiệm nâng cao nhận thức xã hội về sử dụng các ứng dụng dịch vụ logistics. Bởi như đã nói, để cung – cầu gặp được nhau, thì nhận thức của cả bên cung lẫn bên cầu phải có sự tương đồng, song, bên cung dịch vụ logistics phải hoàn thiện hơn, mang tính dẫn dắt để đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng trong xu hướng phát triển kinh tế xuyên biên giới trở thành phổ biến.

Cùng quan điểm tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao nhận thức vai trò ngành logistics trong nền kinh tế quốc dân, trên cơ sở đó để có cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển kịp thời, phù hợp, từ đó phát huy hơn nữa vai trò và lợi ích kinh tế - xã hội của logistics cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới, là rất cần thiết và cấp bách.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% trở lên thì lĩnh vực dịch vụ logistics phải tăng tối thiểu trên 10%
Ảnh chụp lưu niệm của các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo quốc tế “Phát triển dịch vụ logistics nhằm góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”

Linh Thanh