Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển rực rỡ

Theo nhận định của Bộ Công Thương, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày khái niệm TMĐT còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng TMĐT chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên, thì giờ đây TMĐT Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16%-30%/năm.

Điều này chứng tỏ rằng, TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cùng với đó, thị trường TMĐT tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch TMĐT, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

TMĐT có thể được coi là một sản phẩm của nền kinh tế tri thức

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế tri thức là sự tích lũy vốn, công nghệ, năng lực liên quan đến công nghệ và khoa học trong quá trình tiến hành hoạt động sản xuất. Đặc trưng của nó là sự đổi mới lâu dài về quy trình và phương pháp, cũng như về sản phẩm và công nghệ. Hiểu một cách đơn giản, nền kinh tế này yêu cầu ít nhân công, tuy nhiên nhân công là nhân sự có kỹ năng chuyên sâu, trình độ cao, được đào tạo bài bản với tư duy vận dụng kiến thức thay cho sức lao động.

Một ví dụ điển hình về nền kinh tế tri thức là ngành công nghệ, đặc biệt là các công ty như: Google, Apple, Facebook và Amazon (thường gọi là GAFA). Các công ty này phát triển mạnh nhờ việc sáng tạo và ứng dụng kiến thức.

Ngành công nghệ là một trong những động lực chính của nền kinh tế tri thức, nhưng nó không phải là động lực duy nhất. Nền kinh tế tri thức được hình thành dựa trên việc sáng tạo, chia sẻ và ứng dụng tri thức đa dạng trên nhiều lĩnh vực và còn bao gồm các hoạt động ngoài ngành công nghệ như: y học, khoa học xã hội và nghệ thuật, giáo dục và đào tạo, các dịch vụ tư vấn, tài chính và chăm sóc sức khỏe.

Trên thực tế, chúng ta có thể thấy nhiều sản phẩm của nền kinh tế tri thức như: robot, xe tự hành, chatbot, trợ lý ảo, máy cảm biến, máy bay không người lái và công cụ phân tích dữ liệu (cung cấp cho nông dân thông tin về điều kiện đất đai, sức khỏe cây trồng và các kiểu thời tiết để sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, tối ưu hóa năng suất dựa trên kiến thức về khoa học thực vật), máy vắt sữa gia súc tự động, các nền tảng khám chữa bệnh trực tuyến…

Một số định hướng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển như một phần của nền kinh tế tri thức
TMĐT có thể được coi là một sản phẩm của nền kinh tế tri thức

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT có thể được coi là một sản phẩm của nền kinh tế tri thức theo các phương diện dưới đây:

Thứ nhất, các nền tảng TMĐT phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển phần mềm, là động lực chính của nền kinh tế tri thức. Những công nghệ này cho phép trao đổi thông tin hiệu quả giữa người mua và người bán, nghiên cứu sản phẩm, giao dịch an toàn và quản lý hậu cần.

Thứ hai, TMĐT bao gồm nhiều quy trình dựa trên các nguồn kiến thức khác nhau về tiếp thị và quảng cáo, quản lý chuỗi cung ứng và dịch vụ hậu cần và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Thứ ba, nền tảng TMĐT cho phép phổ biến thông tin, đánh giá và so sánh sản phẩm, trao quyền cho người tiêu dùng có kiến thức để đưa ra quyết định sáng suốt. Ngoài ra, TMĐT kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng trên toàn cầu, tạo điều kiện trao đổi kiến thức xuyên biên giới vật lý.

Có thể nói rằng, lĩnh vực TMĐT không ngừng phát triển với các công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Việc thích ứng với những thay đổi này và đổi mới trong nền tảng đòi hỏi phải liên tục học hỏi và tiếp thu kiến thức, phù hợp hơn nữa với các nguyên tắc cốt lõi của nền kinh tế tri thức. Mặc dù TMĐT có thể không trực tiếp tạo ra “kiến thức” như một sản phẩm, nhưng nó đóng góp rất nhiều vào việc tạo ra, chia sẻ và ứng dụng kiến thức trong suốt các quy trình của nó, khiến nó trở thành một sản phẩm của nền kinh tế tri thức.

Điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là không phải tất cả các khía cạnh của TMĐT đều hoàn toàn dựa trên kiến thức. Hoạt động kho bãi và dịch vụ giao hàng có thể vẫn cần một lượng lao động chân tay đáng kể. Suy cho cùng, TMĐT tồn tại trong mối tương tác phức tạp giữa nền kinh tế tri thức và các thành phần kinh tế truyền thống.

Một số định hướng

Cục TMĐT và Kinh tế số đưa ra một số định hướng như sau cho các doanh nghiệp phát triển TMĐT như là một phần của nền kinh tế tri thức.

Thứ nhất, về ứng dụng công nghệ, cần tận dụng các công cụ phân tích dữ liệu để tìm hiểu hành vi của khách hàng, dự đoán xu hướng và cá nhân hóa các chiến dịch tiếp thị, triển khai các chatbot và trợ lý ảo được hỗ trợ bởi AI, để nâng cao dịch vụ khách hàng và nghiên cứu sản phẩm, định giá linh hoạt cũng như phát hiện gian lận, tối ưu hóa giao dịch và tăng cường bảo mật.

Thứ hai, về liên tục cập nhật kiến thức, cần khuyến khích việc học tập liên tục trong tổ chức thông qua các chương trình đào tạo và nền tảng chia sẻ kiến thức, thúc đẩy sự hợp tác giữa các bộ phận với nhau như tiếp thị, hậu cần và phân tích dữ liệu để từng cá nhân có được sự hiểu biết toàn diện về hành trình khách hàng.

Thứ ba, về ưu tiên đổi mới và thử nghiệm, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để khám phá các công nghệ và mô hình kinh doanh mới là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần khuyến khích thử nghiệm các phương pháp mới như trải nghiệm thực tế ảo và đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu lịch sử tìm kiếm của từng khách hàng./.