Mua, thuê mua nhà ở xã hội: Có thể cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng
Đối tượng được vay vốn
Cụ thể là theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, năm 2018, Ngân hàng được bố trí 500 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng sẽ huy động thêm 500 tỷ đồng nữa, tổng cộng là 1.000 tỷ đồng để bước đầu triển khai chương trình nhà ở xã hội. Nguồn vốn đã phân bổ vốn cho các địa phương. Theo dự kiến, từ nay đến năm 2020 Trung ương sẽ cấp 1.163 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng sẽ huy động lượng vốn tương đương, theo đó đến năm 2020 sẽ có khoảng hơn 2.300 tỷ đồng để cho các đối tượng vay mua nhà ở xã hội.
Hơn 2.300 tỷ đồng phục vụ nhu cầu cho vay mua nhà ở xã hội |
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, về nguyên tắc vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, người vay phải: Đúng đối tượng được vay và đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn theo quy định; Sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay; Trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi.
Cụ thể, đối tượng được vay vốn mua nhà ở xã hội, bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, các đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng cũng sẽ được vay. Các đối tượng còn lại để được vay vốn phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều kiện để được vay mua nhà
Tuy nhiên, khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, người vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(1) Phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách Xã hội. Mức gửi hằng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn;
(2) Có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị Hợp đồng mua bán/ Hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội; tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; (3) có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định; (
4) Có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với Ngân hàng Chính sách Xã hội;
(5) Có giấy đề nghị vay vốn để mua/ thuê mua nhà ở xã hội/xây dựng mới/ cải tạo, sửa chữa nhà để ở, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác.
Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội: Có hợp đồng mua, thuê mua NƠXH với chủ đầu tư dự án mà dự án của chủ đầu tư đó có trong danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất nơi đăng ký thường trú do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng;
Bên cạnh đó thủ tục thực hiện bảo đảm tiền vay yêu cầu: Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội: Bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. nhà ở xã hội nơi cho vay, chủ đầu tư và người vay vốn phải thỏa thuận trong hợp đồng ba bên về phương thức quản lý, xử lý tài sản bảo đảm.
Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Vay được bao nhiêu và vay như thế nào?
Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Hiện nay, lãi suất cho vay của chương trình là 4,8%/năm (0,4%/tháng).
Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp người vay vốn có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay về thời hạn cho vay thấp hơn.
Về phương thức cho vay, Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp tỉnh hoặc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp huyện.
Để được vay vốn, người đi vay phải đảm bảo Hồ sơ vay vốn mua/thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, bao gồm 4 loại giấy tờ chính: Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu số 01/nhà ở xã hội; Giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở; Giấy chứng minh về điều kiện thu nhập; Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú.
Ngoài ra, tùy theo từng mục đích sử dụng vốn vay phải có các giấy tờ sau:
Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội: Bản sao có chứng thực Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội, hoặc Hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội; Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh đã đóng tiền cho chủ đầu tư để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Hợp đồng đã ký; Biên bản bàn giao nhà ở giữa người vay vốn để thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư.
Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo mẫu số 10/nhà ở xã hội; Hợp đồng thi công (nếu có); Bản vẽ thiết kế và bản sao có chứng thực Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai tại địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Thời gian trả vốn vay
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, kỳ hạn trả nợ gốc được định 12 tháng 1 lần kể từ ngày người vay nhận khoản vay đầu tiên. Kỳ hạn trả nợ gốc được chia theo tháng để người vay vốn thực hiện. Số tiền trả nợ gốc cho mỗi kỳ hạn bằng mức trả nợ hằng tháng do Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay và người vay đã thỏa thuận nhân với 12 tháng.
Người vay vốn chưa phải trả nợ gốc trong thời gian ân hạn 12 tháng kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên. Khi người vay vốn nhận khoản vay cuối cùng, nếu số tiền đã vay thấp hơn số tiền đã được phê duyệt cho vay thì Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay cùng với người vay định lại kỳ hạn trả nợ và ghi vào Phụ lục Hợp đồng tín dụng./.
Bình luận