Năm 2017 sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm
Thực trạng đáng buồn
Hiện nay trên cả nước có 108 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, bao gồm 9 trường đại học sư phạm, 1 trường đại học giáo dục, 31 khoa, ngành sư phạm trong các trường đại học đa ngành, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa, ngành sư phạm trong các trường cao đẳng đa ngành, 3 trường trung cấp sư phạm và 10 trường trung cấp chuyên nghiệp.
Chỉ trừ tỉnh Đắk Nông, các tỉnh, thành phố còn lại hiện nay mỗi tỉnh có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên. Trong đó, vùng miền núi và trung du phía Bắc có 19 cơ sở, Đồng bằng sông Hồng có 26 cơ sở, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ có 23 cơ sở, Tây Nguyên 8 cơ sở, Đông Nam Bộ có 18 cơ sở, Đồng bằng sông Cửu Long có 14 cơ sở.
Những số liệu trên cho thấy hệ thống đào tạo giáo viên của nước ta là khá lớn, cùng với chính sách miễn giảm học phí cho thấy, thời gian qua Việt Nam đã chú trọng trong việc thu hút học sinh tuyển sinh vào sư phạm. Điều này góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thì một vấn đề nhức nhối đang diễn ra hiện nay là số lượng sinh viên tốt nghiệp sư phạm thất nghiệp ngày một tăng. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2014, cả nước đang dư thừa khoảng 35.000 giáo viên phổ thông. Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, tới đây sẽ có thêm khoảng 10.000 sinh viên ngành sư phạm ra trường không có việc làm.
Điều này đang đặt ra một bài toán cho ngành giáo dục về hiệu quả đầu tư của Ngành bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc làm, tương lai của các em, mà còn ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục.
Trên thực tế mức kinh phí từ ngân sách dùng để cấp bù học phí cho các trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hằng năm. Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2011, trong hơn 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho giáo dục thì riêng dự toán chi bù học phí cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo theo khung học phí quy định tại nghị định 49 là gần 250 tỷ đồng.
Đến năm 2012, tổng mức chi bù học phí thực tế từ nguồn ngân sách cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nâng lên con số hơn 354 tỷ đồng. Đến năm 2013, dự toán của Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo về mức chi ngân sách bù học phí sinh viên sư phạm các trường đại học, cao đẳng và cấp bù miễn giảm học phí tăng lên hơn 440 tỷ đồng và năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng lên hơn 484 tỷ đồng.
Tiếp tục lộ trình giảm tuyển sinh ngành sư phạm
Trước tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều, có lẽ, giải pháp trước hết mang tính cấp bách là giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành sư phạm.
Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo địa phương năm 2017.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông năm 2017 theo lộ trình giảm hợp lý so với năm 2016. Mục đích nhằm khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục phải căn cứ vào đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của mình, từ đó tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT, ngày 2/12/2011 quy định đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của các trường và Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT, ngày 16/12/2015 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực; thực hiện chuyển đổi mô hình đào tạo từ phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của địa phương và xã hội.
Như vậy, bên cạnh việc yêu cầu các địa phương giảm chỉ tiêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh việc các trường sư phạm cần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với nhu cầu thị trường. Đó là một cách chuyển hướng đầu tư từ chiều rộng (số lượng) sang chiều sâu (chất lượng), nâng cao hiệu quả cho nguồn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục./.
Bình luận