Năm 2018: Hà Giang phấn đấu GRDP đạt 8%
Năm 2017: Nhiều chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch
Theo báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 của tỉnh Hà Giang, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,36% so với năm 2016 (vượt mục tiêu 0,36%).
Về sản xuất nông nghiệp, năm 2017, Tỉnh đã phối hợp, hướng dẫn các huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tổng sản lượng lương thực cả năm đã tăng so với năm 2016, ước đạt trên 39 vạn tấn. Sản lượng thịt hơi gia súc xuất chuồng tăng khá so với năm 2016, tăng 4,51%.
Sản xuất công nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tích cực, ước cả năm đạt hơn 4.760 tỷ đồng, đạt 99,2% kế hoạch, tăng 23% so với năm 2016. Trong đó, một số sản phẩm đạt mức tăng khá so với cùng kỳ, như: Quặng sắt và tinh quặng sắt hơn 564.900 tấn, tăng 36,3% so với năm 2016; quặng Antimon 730 tấn, tăng 1,1% so với năm 2016; gỗ xẻ các loại hơn 20.360 m3, tăng 2,79%; điện thương phẩm gần 400 triệu Kwh, tăng 23,9% so với năm 2016.
Một góc TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang |
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ước cả năm đạt 550 triệu USD, đạt 110% so với kế hoạch (không bao gồm hàng tạm nhập-tái xuất). Các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, đi lại của nhân dân. Doanh thu vận tải và hành khách ước đạt 484,1 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch được tăng cường, các hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi, đồng thời các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ; ước đến hết năm 2017 thu hút 950 nghìn lượt khách du lịch, đạt 100% kế hoạch. Theo đó, doanh thu du lịch, du lịch đạt hơn 760 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhờ thực hiện tích cực các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, ngày 28/04/2016 của Chính phủ, nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp hoạt động trở lại và hiệu quả có xu hướng tăng so với các năm trước.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 192 doanh nghiệp, tăng 46,3% so với cùng kỳ, với số vốn đăng ký 1.185 tỷ đồng. Lũy kế số doanh nghiệp được thành lập là 2.120 doanh nghiệp. Số hợp tác xã có thêm trong năm là 109 hợp tác xã, lũy kế số hợp tác xã được thành lập là 753. Trong đó, đang hoạt động là 641 hợp tác xã; giải thể là 126 hợp tác xã; ngừng hoạt động là 112 hợp tác xã.
Năm 2018: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm
Năm 2018, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu có GRDP đạt 8% so với năm 2017. Theo đó, các giải pháp để đạt được mục tiêu trên, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết số 209/2015/NQ – HĐND và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung số 86/2017/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh. Rà soát quy hoạch để bố trí quỹ đất thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Vị Xuyên, dự án trồng và chế biến dược liệu, trồng và chế biến chè hữu cơ, trồng rau an toàn tại huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần của Tập đoàn TH True milk; Dự án Nhà máy chế biến dược liệu của Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng...
Thứ hai, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Chủ động nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về đất đai - đền bù giải phóng mặt bằng; vùng nguyên liệu, vốn kinh doanh; tiếp cận cơ chế, chính sách; đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất công nghiệp.
Thứ ba, phát triển mạnh thương mại, dịch vụ gắn với quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch; khu dân cư tập trung. Kết hợp phát triển thương mại truyền thống với hệ thống các siêu thị vừa và nhỏ. Thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính hải quan, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn; đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm của địa phương. Tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...).
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về cơ chế, chính sách, cơ hội đầu tư, tiềm năng của tỉnh; chủ động tiếp cận xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, thương hiệu lớn trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực du lịch, kinh tế biên mậu, dược liệu, nông lâm nghiệp đến đầu tư vào tỉnh; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư theo chuỗi giá trị, các dự án nông nghiệp theo hướng an toàn, công nghệ cao; Tư vấn, hỗ trợ đầu tư các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Thứ năm, chỉ đạo, đôn đốc các nhà đầu tư tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án chậm tiến độ như khách sạn Yên Biên, tòa nhà trụ sở ngân hàng Vietinbank, tổ hợp văn phòng và kinh doanh thương mại dầu khí... Xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư của Tỉnh, chú trọng các dự án có quỹ đất sạch; Tổ chức giới thiệu các nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, hướng dẫn và hỗ trợ tối đa tạo sự thông thoáng để các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án./.
Bình luận