Năm 2021, M&A sẽ tiếp nối đà sôi động
Nhiều điểm nóng thu hút đầu tư 2021
Báo cáo về xu hướng ngành M&A toàn cầu của PwC có nhận định, xu hướng mua bán sáp nhập doanh nghiệp toàn cầu tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2020, bất chấp đại dịch Covid- 19.
Số liệu được báo cáo của PwC đưa ra cho thấy, số thương vụ tăng 18% và tổng giá trị thương vụ tăng tới 94% trong nửa cuối năm 2020, với số giao dịch quy mô lớn (megadeal) tăng gấp đôi trong 6 tháng cuối năm. Trong đó các lĩnh vực công nghệ và viễn thông đạt tăng trưởng cao nhất do nhu cầu về tài sản số gia tăng nhanh chóng.
Ở cấp độ khu vực, so với 6 tháng đầu năm, số lượng thương vụ nửa cuối năm 2020 tại châu Mỹ tăng 20%, tại khối các quốc gia châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tăng 17% và tại châu Á Thái Bình Dương tăng 17%. Tổng giá trị các thương vụ tại châu Mỹ chứng kiến mức tăng lớn nhất trên 200%, phần lớn nhờ vào các giao dịch quy mô lớn. Điều này cho thấy, bất chấp những bất định do đại dịch COVID-19, thị trường chứng kiến tăng trưởng mạnh về hoạt động M&A giai đoạn nửa cuối năm 2020.
Dựa trên dữ liệu thị trường 6 tháng cuối năm 2020 kết hợp với ý kiến của các chuyên gia, PwC đã dự báo xu hướng chính thúc đẩy hoạt động M&A và các điểm nóng sẽ thu hút đầu tư năm 2021.
Ông Brian Levy, lãnh đạo toàn cầu Khối tư vấn thương vụ của PwC nhận xét: “COVID-19 đã hé mở cho các công ty một cái nhìn không mấy lạc quan về viễn cảnh tương lai. Việc tăng tốc số hóa và chuyển đổi trong doanh nghiệp đã lập tức trở thành ưu tiên hàng đầu và M&A là phương thức nhanh nhất để thực hiện mục tiêu này. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh cao đối với các thương vụ cần thiết cho nhiều doanh nghiệp”.
Các tài sản đang có nhu cầu trên thị trường được định giá cao và cạnh tranh mạnh, chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô. Trong đó bao gồm lãi suất thấp, nhu cầu nắm giữ các hoạt động kinh doanh sáng tạo được hỗ trợ bởi công nghệ hoặc kỹ thuật số, cùng với lượng vốn khả dụng dồi dào từ bên mua là các doanh nghiệp (trị giá hơn 7,6 nghìn tỷ USD tiền mặt và chứng khoán thị trường) và các quỹ đầu tư tư nhân (1,7 nghìn tỷ USD).
Nhận định về vấn đề này, ông Ong Tiong Hooi cho biết “Bối cảnh và thách thức mới do COVID-19 đang tạo ra những nhu cầu và cơ hội đặc thù dành cho các dịch vụ công nghệ và kỹ thuật số giúp hỗ trợ cho xã hội và doanh nghiệp hoạt động. Do đó, việc liên tục đẩy nhanh tiến trình số hóa đã trở nên thiết yếu đối với các ngành khác nhau. Nhu cầu đặt ra về tốc độ số hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp nghiêng về chiến lược mua lại thay vì tự xây dựng (buy-versus-build). Điều này làm gia tăng cạnh tranh giữa các công ty để có được cơ sở hạ tầng kinh doanh cần thiết, do đó, đẩy mức định giá của các tài sản này lên mức cao hơn”.
Khi so sánh, tài sản trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch như sản xuất công nghiệp, hoặc những lĩnh vực được định hình bởi các yếu tố như chuyển đổi sang không phát thải carbon, đang tạo ra những thay đổi trong cơ cấu mà doanh nghiệp cần giải quyết. Khi mô hình kinh doanh hiện tại không còn phù hợp trong tương lai, các công ty có thể tìm đến các cơ hội M&A hoặc tái cơ cấu để giữ giá trị.
Một điểm rất đáng chú ý được các chuyên gia PwC nhấn mạnh là các tiêu chí đánh đánh giá trị thương vụ đang từ các nguồn phi truyền thống đang có xu hướng ngày càng được mở rộng. Các bên thực hiện thương vụ đang ngày càng cân nhắc về những nguồn tạo giá trị phi truyền thống - như các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) - đưa các yếu tố này vào quá trình ra quyết định chiến lược cũng như thẩm định thương vụ. Điều này nhằm bảo vệ, tối đa hóa lợi nhuận từ mức định giá cao bên cạnh nhu cầu lớn từ thị trường.
M&A tại Việt Nam dự báo tiếp tục sôi động
Nhận định về xu hướng M&A tại Việt Nam năm 2021, ông Tiong Hooi, Phó Tổng giám đốc, Dịch vụ tư vấn thương vụ và thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam cho rằng, cùng với xu hướng toàn cầu, ngành M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay.
“Tuy cho đến thời điểm hiện tại thị trường còn khá cẩn trọng, các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực của quốc gia này cho năm 2021. Bên cạnh đó, sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19”, ông Tiong Hooi lý giải.
Đây cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia gần đây. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều điều kiện và yếu tố để M&A trỗi dậy trong thời gian tới và thị trường M&A sẽ có những thay đổi ngay từ đầu năm 2021. Trong đó các yếu tố tác động mạnh tới M&A, đó là sẽ có thêm những thương vụ thoái vốn nhà nước ở doanh nghiệp với quy mô lớn làm gia tăng đáng kể giá trị M&A của Việt Nam.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khá lạc quan về thị trường và chính sách trong năm 2021. Ông Hiếu chỉ ra rằng, việc ngày càng có nhiều người mang ý tưởng kinh doanh mới đi tìm mua các doanh nghiệp sẵn có thay vì đầu tư thành lập doanh nghiệp mới sẽ giúp giảm bớt thời gian làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, tìm mặt bằng, tuyển nhân sự, tìm đối tác. Do đó, xu hướng M&A với việc mang lại hiệu quả ngay sẽ được các nhà đầu tưvà doanh nghiệp chuộng hơn đầu tư trực tiếp.
Ngoài ra, những yếu tố tác động tới M&A thời gian tới đó là sẽ có thêm những thương vụ thoái vốn nhà nước ở doanh nghiệp với quy mô lớn làm gia tăng đáng kể giá trị M&A của Việt Nam. Bên cạnh đó tác động từ việc sửa đổi một loạt các luật quan trọng mới về đầu tư kinh doanh trong đó, có các quy định mới cởi mở hơn, minh bạch hơn cho hoạt động M&A; việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực nhận định, cuối năm 2020 đã có những tín hiệu phục hồi và triển vọng tích cực của hoạt động M&A 2021. Theo ông Lực, dịch COVID-19 sẽ dần được kiểm soát sẽkích hoạt trở lại các hoạt động kinh tế bị đình trệ, trong đó có hoạt động M&A. Trong khủng hoảng, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, có nguy cơ phá sản và có nhu cầu bán lại doanh nghiệp. Quá trình hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng và làn sóng dịch chuyển sản xuất, đầu tư ngày càng rõ nét và môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục cải thiện, là những yếu tố thuận lợi cho M&A.
Từ góc độ tổng thể, hoạt động này sẽ mang lại các yếu tố tích cực khi Việt Nam sẽ thu hút được thêm dòng vốn đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả sẽ có cơ hội thu hút các đối tác góp vốn hoặc chuyển giao hoạt động cho các đơn vị có khả năng kinh doanh hiệu quả hơn. TS Cấn Văn Lực dự báo.
Dấu ấn thương vụ MA năm 2020
Hoạt động MA các thương vụ tăng mạnh trong giai đoạn nửa cuối năm với tổng số lượng và giá trị giao dịch toàn cầu tăng lần lượt 18% và 94% so với nửa đầu năm. Ngoài ra, cả số lượng và giá trị giao dịch đều tăng so với sáu tháng cuối năm 2019.
Việc hợp nhất Viglacera đầu quý II năm 2021 sẽ giúp cho GELEX đặt ra mục tiêu cao hơn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tới.
Các lĩnh vực công nghệ và viễn thông có mức tăng trưởng cao nhất, với số thương vụ công nghệ tăng 34% và tăng 118% về giá trị. Số lượng thương vụ viễn thông tăng 15% với giá trị tăng đáng kể gần 300% nhờ có ba thương vụ quy mô lớn.
Tại Việt Nam giai đoạn 2019-2020 cũng diễn ra những thương vụ M&A đình đám. Đó là cái bắt tay hợp tác giữa 2 tỷ phú, ông chủ của Vingroup và Masan trong thương vụ VinCommerce và VinEco với Masan Comsumer (Masan Group). KEB Hana Bank (Hàn Quốc) mua lại 15% vốn điều lệ của BIDV trị giá 878 triệu USD và trở thành cổ đông chiến lược. Và thương vụ KKR & Temasek mua cổ phần Vinhomes trị giá 652 triệu USD...
Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Năm 2020, hoạt động M&A có sụt giảm so với năm 2019 với tổng giá trị đạt khoảng 3,5-4 tỷ USD, tương đương khoảng 50% so với năm 2019 một phần do việc hạn chế đi lại dưới tác động của dịch bệnh và một phần do năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư bị giảm sút do đã tập trung vào khá nhiều thương vụ quy mô lớn vào năm 2019. Tuy nhiên, giá để mua bán các thương vụ M&A của Việt Nam so với tiềm lực phát triển kinh tế trong tương lai được đánh giá là rất hấp dẫn.
Một trong những thương vụ thu hút sự quan tâm lớn của thị trường và giới đầu tư trong nửa cuối năm 2020 được Tổng công ty Thiết bị điện (Gelex) - Tập đoàn nổi tiếng gần đây với các thương vụ mua bán doanh nghiệp - thực hiện hồi tháng 8/2020. Theo đó, vào cuối tháng 8/2020, GELEX và GELEX Electric (sub-holding phụ trách lĩnh vực thiết bị điện của GELEX) đã mua thành công Công ty Dây đồng Việt Nam (CFT) và hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh ghi nhận 100% phần vốn góp của CFT thuộc GELEX và GELEX Electric. Thương vụ này được đánh giá là sẽ góp phần gia tăng sức mạnh và củng cố vị thế dẫn đầu thị trường của GELEX trong lĩnh vực thiết bị điện, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tận dụng lợi thế quy mô, giúp giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận.
Trước khi hoàn toàn về với GELEX, Công ty Dây đồng Việt Nam (CFT) là một liên doanh được thành lập giữa GELEX và hai đối tác lớn, nổi tiếng của Nhật Bản là Furukawa Electric Co., Ltd và Toyota Tsusho Corporation.
Đáng chú ý, trong năm 2020, GELEX đã thoái vốn mảng logistics, nên tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn là 17,2% so với 27% mảng thiết bị điện và 24,5% mảng hạ tầng. Việc hợp nhất Viglacera đầu quý II năm 2021 sẽ giúp cho GELEX đặt ra mục tiêu cao hơn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tới.
Bình luận