Nâng cao hiệu quả phát triển KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn |
Giữ vững nhịp phát triển trong KKT cửa khẩu
Năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn nói chung và tại khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn (KKT hay KKT cửa khẩu) nói riêng.
Với quyết tâm cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn (Ban Quản lý) đã ra sức thi đua vượt khó, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ chính trị được lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn giao. Cùng với đó, Ban Quản lý đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, lực lượng chức năng trong Tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa an toàn và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định và an toàn môi trường đầu tư, kinh doanh trong KKT cửa khẩu trên địa bàn.
Hoạt động xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu trong năm 2021 đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn; công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT cửa khẩu nói riêng và các khu vực cửa khẩu biên giới nói chung được tăng cường đầu tư đẩy mạnh đã tạo được bộ mặt đô thị mới cho KKT cửa khẩu, tạo lực kéo thúc đẩy thu hút đầu tư và các hoạt động giao thương kinh tế, du lịch, dịch vụ phát triển…
Xe hàng chờ xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn |
Hoạt động đầu tư, kinh doanh ổn định và tăng trưởng
Năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn và công tác quản lý biên giới, quản lý thương mại của Trung Quốc gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid-19, nên lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm mạnh. Trước tình hình đó, Ban Quản lý đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19. Ngoài ra, Ban Quản lý đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu triển khai thực hiện thí điểm nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Hữu Nghị từ ngày 06/12/2021.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong KKT, Ban định kỳ báo cáo hàng tuần về hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, các cơ chế chính sách điều hành, quản lý phía Trung Quốc nhằm kịp thời tham mưu cho lãnh đạo UBND Tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết các khó khăn vướng mắc tại các khu vực biên giới. Trong năm Ban Quản lý đã chủ trì, phối hợp với với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, đồng thời thông tin, phổ biến tới các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách trong điều hành, quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu để doanh nghiệp biết và triển khai thực hiện.
Với tinh thần cố gắng nỗ lực của tập thể Ban Quản lý, năm 2021 hoạt động tại các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh (04/12 cặp cửa khẩu: Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan, Tân Thanh-Pò Chài, Chi Ma-Ái Điểm và Ga đường sắt Đồng Đăng-Ga Bằng Tường) cơ bản duy trì hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn các cửa khẩu năm 2021 ước đạt 4.270 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 1.370 triệu USD, tăng 12,3%; nhập khẩu 2.900 triệu USD, tăng 82,4%.
Thu phí qua cửa khẩu đạt 664.127 triệu đồng, tăng 40,2% so với cùng kỳ 2020; trong đó phí thu đối với phương tiện sang tải được 100.751 triệu đồng/215.385 lượt xe, đạt 178,26% chỉ tiêu dự toán giao, tăng 37,5% so với cùng kỳ.
Những kết quả trên của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đạt được trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt trong môi trường có tính đặc thù cao (kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu tương đối khó khăn, phức tạp) đã minh chứng cho những cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị trong Tỉnh, đặc biệt là Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các KCN, KKT cửa khẩu. Góp phần tạo khí thế và động lực để Ban Quản lý và các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quản lý và phát triển KKT cửa khẩu trong năm 2022.
Xe hàng chờ xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn |
Thúc đẩy phát triển KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
Để tiếp tục xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế cuả tỉnh Lạng Sơn, năm 2022 Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm cơ bản sau:
Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành: Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các Chương trình, Kế hoạch, Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh triển khai thực hiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2025; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tổ chức thực hiện, trong đó có các các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 được UBND Tỉnh giao.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Ban Quản lý, các nhiệm vụ công tác thường xuyên của các bộ phận, đơn vị trực thuộc; Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế; trong đó tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại khu vực cửa khẩu.
Thứ hai, công tác tổ chức bộ máy, cải cách hành chính: Trình UBND Tỉnh ban hành Quy chế phối hợp lý nhà nước giữa Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với các sở, ngành, UBND các huyện biên giới và thành phố.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Quản lý để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao; Tạo điều kiện, cử công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng tham mưu của công chức, viên chức. Triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch 250/KH-UBND ngày 30/12/2021 của UBND Tỉnh về Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Lạng Sơn năm 2022.
Hoạt động giao nhận hàng hóa qua đường sông tại cặp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nhi Quan, tỉnh Lạng Sơn |
Thứ ba, công tác quản lý các dự án đầu tư công: Nghiên cứu xây dựng danh mục các lĩnh vực, công trình đầu tư vào KKT cửa khẩu giai đoạn 2021-2025 do KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn đã được Chính phủ tiếp tục lựa chọn là một trong 08 KKT được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
Thực hiện thủ tục quyết toán các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng; Tham mưu đề xuất cải tạo, sửa chữa các hạng mục trong khu vực cửa khẩu để đáp ứng công tác và hoạt động chung.
Thứ tư, công tác quản lý đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách: Đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các khu chức năng (Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1, Khu Phi thuế quan và một số dự án khác).
Xây dựng Chương trình kiểm tra các dự án bến bãi, thương mại dịch vụ tại các khu vực quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời phát hiện, kiên quyết đề xuất xử lý các vi phạm về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng và tiến độ thực hiện dự án.
Thứ năm, công tác quản lý hạ tầng: Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai đã giao cho Ban Quản lý, không để tình trạng, một số nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất không hiệu quả tại khu vực cửa khẩu; hỗ trợ kịp thời nhà đầu tư trong công tác GPMB, thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, các ưu đãi về quyền sử dụng đất.
Hoàn thành hồ sơ Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 08/7/2010. Hoàn thành Điều chỉnh Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 KCN Đồng Bành, tỉnh Lạng Sơn.
Tham mưu khai thác hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng cửa khẩu; kịp thời để xuất đầu tư, cải tạo các hạng mục nhằm phục vụ điều kiện làm việc của các lực lượng trong công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.
Thứ sáu, công tác quản lý thương mại, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu: Triển khai các hoạt động phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch nội địa tại các khu vực cửa khẩu, trước hết là tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh để triển khai các nội dung của Đề án phát triển thương mại, du lịch Tân Thanh.
Tăng cường công tác quản lý, điều hành và thực hiện tốt công tác phối hợp các lực lượng chức năng đảm bảo các hoạt động tại cửa khẩu được thực hiện thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, có trật tự, có nề nếp...
Thứ bảy, công tác đối ngoại: Tiếp tục duy trì trao đổi, hội đàm, phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phía Quảng Tây, Trung Quốc để sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phụ; kịp thời giải quyết các vướng mắc, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, rút ngắn thời gian kiểm tra, kiểm soát các hàng hóa xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực xếp dỡ, giải phóng lượng xe tồn nhiều bên Trung Quốc để cắt giảm các chi phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là chi phí bến bãi..
Phối hợp cùng các sở, ngành và UBND các huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu về việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình hoạt động tại khu vực cửa khẩu.
Phối hợp với Sở Ngoại vụ: Thực hiện các thủ tục đưa tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 vào hoạt động chính thức và trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)- Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), các thủ tục nâng cấp và chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nhi Quan (Trung Quốc), hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ hai bên phê chuẩn thời gian làm việc chính thức tại cặp cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm và bổ sung vào Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa.
Triển khai xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan và vận hành “Luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh. Hoàn thiện các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch cửa khẩu để triển khai Đề án phát triển thương mại, du lịch Tân Thanh.
Thứ tám, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh: Tiếp tục kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố (DDCI), trong đó chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần về Ban Quản lý.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu, KCN trên địa bàn Tỉnh; Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử.../.
Bình luận