Nâng cao hiệu quả quản lý dự án đầu tư trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công nhân doanh nghiệp FDI làm việc trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Thưa ông, được biết trong những tháng đầu năm 2023 hoạt động quản lý dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc triển khai khá toàn diện và hiệu quả. Xin ông chia sẻ rõ nét hơn về công tác này?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Công tác quản lý dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là hoạt động quản lý nhà nước xuyên suốt quá trình các nhà đầu tư lập dự án sản xuất kinh doanh trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngay sau khi các nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các KCN của Tỉnh, các phòng chức năng của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã triển khai đồng bộ hoạt động quản lý dự án trên tất cả các mặt công tác: quản lý lao động; kiểm tra, giám sát đầu tư; cải cách hành chính; quản lý môi trường; phòng cháy chữa cháy; an ninh, trật tự; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho nhà đầu tư...
Quý I/2023, công tác quản lý dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được Ban Quản lý tích cực triển khai đồng bộ và hiệu quả, được phản ánh qua các hoạt động cụ thể sau:
Công tác quản lý lao động trong các KCN được quan tâm thực hiện toàn diện. Ban Quản lý đã thực hiện cấp/cấp lại cho 287 Giấy phép lao động; chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 121 lượt doanh nghiệp; tiếp nhận 4 nội quy lao động, 6 thỏa ước lao động tập thể; xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động cho 28 trường hợp và đăng ký làm thêm 300 giờ cho 33 doanh nghiệp.
Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021-2023” và đề án “Nâng cao đời sống công nhân người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2022-2023”; tuyên truyền thực hiện “Tháng vệ sinh an toàn lao động”.
Giải quyết 1 vụ ngừng việc tập thể và yêu cầu tăng lương cho 1 doanh nghiệp (KCN Khai Quang). Với vai trò là cầu nối giữa nhà đầu tư và các cơ quan chức năng, Ban Quản lý đã phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc, Công an Tỉnh, Liên đoàn lao động Tỉnh, Công đoàn các KCN Tỉnh đến doanh nghiệp để nắm bắt tình hình; đồng thời làm việc với người sử dụng lao động để có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn phương án giải quyết, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ với người lao động, sau đó doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường, ổn định.
Công tác kiểm tra, giám sát đầu tư trong quý I/2023 được triển khai tích cực. Ban Quản lý đã tiến hành kiểm tra về trật tự xây dựng tại một số đơn vị hạ tầng và các doanh nghiệp trong các KCN; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và việc chấp hành quy định về lao động tại một số doanh nghiệp trong KCN; trình UBND Tỉnh và đề nghị các đơn vị có thẩm quyền có chế tài xử phạt hành chính về lĩnh vực môi trường (3 doanh nghiệp); lĩnh vực quản lý sử dụng lao động nước ngoài (2 doanh nghiệp) và lĩnh vực đầu tư xây dựng (1 doanh nghiệp).
Công tác quản lý môi trường tiếp tục được quan tâm chú trọng. Trong quý I/2023, Ban đã thực hiện thông báo kết quả lấy mẫu nước thải, khí thải công nghiệp; xác định mẫu vi phạm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong KCN năm 2022; xác minh về lĩnh vực môi trường nước thải công nghiệp đối với doanh nghiệp trong KCN năm 2022; tổng hợp tính toán các chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022; tham gia đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường đối với 3 dự án; tham gia Hội đồng thẩm định và Đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường cho 18 dự án; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường xử lý các vấn đề liên quan đến hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Công tác cải cách hành chính được đặc biệt quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban được đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công theo quy định. Trong quý I/2023 (tính đến ngày 10/3/2023), Ban đã thực hiện giải quyết 637 thủ tục hành chính, trong đó: có kết quả là 625 hồ sơ; rút và trả lại 12 hồ sơ. Trong số 625 hồ sơ có kết quả giải quyết đúng và trước hạn là 620 thủ tục (chiếm tỷ lệ 99,2%); chậm hạn 6 thủ tục (chiếm tỷ lệ 0,8%).
Công tác phòng cháy chữa cháy được quan tâm theo dõi sát sao. Trong quý I/2023, tại các KCN trên địa bàn Tỉnh xảy ra 1 vụ cháy tại dây chuyền sản xuất nhưng không có thiệt hại về người. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố cháy.
Công tác an ninh, trật tự cơ bản được đảm bảo và giữ vững. Trong quý I/2023, Ban tiến hành kiểm soát hoạt động đưa đón công nhân tại các KCN trên địa bàn Tỉnh; đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp và đơn vị hạ tầng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân năm 2023.
Đặc biệt, Ban Quản lý tăng cường công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp. Các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp. Việc giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện kịp thời.
Công nhân Công ty Piaggio Việt Nam làm việc tại KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Xin ông cho biết một số nhiệm vụ cụ thể của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong quý I/2023?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Trong quý I/2023, Ban đã thực hiện tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, cụ thể như:
(1) Cho ý kiến về điều chỉnh mở rộng nhà xưởng của Công ty TNHH Cammsys Việt Nam (KCN Bá Thiện), về phương án tổng mặt bằng và kiến trúc dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BHflex Vina -1 của Công ty TNHH BHFLEX VINA (KCN Khai Quang), về nội dung cải tạo Nhà máy Enplas Việt Nam (KCN Thăng Long VP); (2) hướng dẫn Công ty TNHH VITTO – VP (KCN Tam Dương II- Khu A) hoàn thiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải; (3) phối hợp với Cục Thuế Tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thẩm định các hồ sơ dự án cấp mới/điều chỉnh vào KCN; (4) tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của Công ty Honda Việt Nam.
Cùng với đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Ban Quản lý quan tâm thực hiện hiệu quả trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền và trong quá trình quản lý hoạt động dự án. Qua đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian tiếp cận thông tin, đồng thời tạo được niềm tin đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong các KCN của Tỉnh.
PV: Ban Quản lý tiếp tục triển khai hoạt động quản lý dự án đầu tư trong các KCN như thế nào trong những tháng tiếp theo, thưa ông?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Quý II/2023, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó chú trọng một số hoạt động chủ yếu sau:
Giám sát hoạt động đầu tư và các cơ quan có liên quan về hoạt động đầu tư của các dự án trong các KCN.
Thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn Tỉnh quy định tại Quyết định số 40/2022/QĐ-UBND Tỉnh ngày 25/11/2022.
Thực hiện tốt công tác ủy quyền về lao động; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý nhà nước về lao động; triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan Nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động; hoàn thành việc số hoá cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực lao động trong KCN; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong KCN; chú trọng công tác tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác bảo vệ môi trường trong các KCN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong KCN; phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên ngành kiểm tra quản lý về công tác bảo vệ môi trường tại một số dự án đầu tư trong các KCN; giám sát thúc đẩy việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải của các KCN.
Tiếp tục bám sát nhu cầu của nhà đầu tư để có những hỗ trợ kịp thời tối ưu cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư; ưu tiên tập trung hỗ trợ việc triển khai các dự án lớn. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ (hỗ trợ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Tỉnh; hỗ trợ qua điện thoại, đường dây nóng; hỗ trợ bằng văn bản hoặc email; hỗ trợ giải đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Tỉnh; trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp khi đi khảo sát thực tế tại các KCN...).
Đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, quản lý hoạt động của các dự án bằng phần mềm nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo được niềm tin với các nhà đầu tư và sức hút đầu tư trong các KCN của Tỉnh ./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Toàn cảnh KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Bình luận