Đây là nhận định của ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Hội thảo Tác động của TPP và hội nhập kinh tế đến ngành chăn nuôi, tổ chức ngày 16/10, tại Hà Nội.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội thảo


Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, khi các hiệp định tự do mà Việt Nam tham gia chính thức có hiệu lực ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhà cung cấp nước ngoài. Bởi ngành chăn nuôi của Việt Nam còn nhiều yếu kém, do đó thực phẩm từ các nước đặc biệt là Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Thái Lan… được nhập khẩu về ngày một nhiều. Chỉ tính riêng thịt gia cầm, trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 95 triệu USD, chiếm gần 1 nửa kim ngạch nhập khẩu thịt các loại. Dự báo, sau TPP, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Việt Nam sẽ tăng gấp 43,2 lần năm 2014, từ 2,3 triệu USD lên 100 triệu USD/năm.

Báo cáo của Cục chăn nuôi cho biết, tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi hiện đạt khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Quy mô sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23.000 trang trại, ít hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu. Ước tính mỗi năm chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá trên dưới 3 tỷ USD. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu 90% và khoáng chất, vitamin nhập tới 100%.

Cho rằng, chất lượng con giống chưa cao cũng là yếu thế của ngành chăn nuôi gia cầm khi tham gia hội nhập TPP, ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, một trong những nút thắt hiện nay đối với ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng là vấn đề chất lượng con giống.

“Trong những năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn giống từ nước ngoài, đặc biệt là các giống gà công nghiệp lông trắng, giống vịt chất lượng cao… Do phụ thuộc nước ngoài về nhập khẩu con giống nên chúng ta bị động trong sản xuất. Bên cạnh đó, giá sản xuất con giống ở nước ta sẽ bị đội lên, cao hơn các nước trong khu vực từ 10%-15%” ông Sơn nhấn mạnh.

Đề cập tới tác động trực tiếp của TPP đối với ngành chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, có ba tác động chính là giá, chất lượng, truy xuất nguồn gốc Việt Nam đang thiếu và đấy là những tác động lập tức. Bên cạnh đó, về đầu tư, chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ có một làn sóng đầu tư mới. Khi hội nhập TPP, các nước sẽ đầu tư vào nước ta, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Hàng chục nghìn trang trại và hàng nghìn công ty đang sản xuất chăn nuôi trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi phải cạnh tranh quyết liệt.

“Nếu không cải thiện, ngành chăn nuôi Việt Nam có nguy cơ thua trên sân nhà trong quá trình hội nhập ngày càng sâu với thế giới”, ông Vân khẳng định.

Chỉ ra giải pháp để chăn nuôi hội nhập bền vững, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói chung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị được xem là khâu đột phá. Đồng thời, khi các chuỗi liên kết được hình thành sẽ tạo thuận lợi trong xây dựng nhãn hiệu, tăng cường quảng bá sản phẩm, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Vấn đề nguồn giống, ông Trúc đề nghị phải nhanh chóng củng cố và làm tốt khâu giống vật nuôi, tập trung chọn tạo một số giống bản địa, chọn tạo một số bộ giống phục vụ phương thức chăn nuôi bán chăn thả, phù hợp với lợi thế từng vùng sinh thái, góp phần nâng năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.

Ngoài ra, khuyến khích nhập khẩu giống ông bà năng suất cao, phù hợp với chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn. Phấn đấu đến năm 2020, công tác giống vật nuôi góp phần nâng cao 15-20% năng suất vật nuôi, góp giảm 8-10% giá thành.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Sơn Viện trưởng Viện chăn nuôi khẳng định, tháo gỡ nút thắt trong công tác giống là một trong những giải pháp quan trọng để tăng tỷ lệ cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong đó, cần tăng tỷ lệ lợn thịt giống ngoại và lợn lai lên 75% vào năm 2020 theo hướng lai cải tiến, cấp tiến. Nâng cao chất lượng đàn lợn nội theo hướng chọn lọc nhân thuần. Tăng tỷ lệ đàn gà lông màu từ 50% năm 2013 lên 62% năm 2020; duy trì ổn định cơ cấu đàn gà lông trắng công nghiệp, tăng tỷ lệ đàn vịt đẻ trứng từ 29 triệu con năm 2013 lên 40 triệu con năm 2020.

Về mặt chính sách, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam kiến nghị, để giảm bớt khó khăn cho ngành chăn nuôi giai đoạn hội nhập và góp phần hạ giá thành sản xuất, Chính phủ cần áp dụng cơ chế tín dụng đặc biệt cho ngành chăn nuôi, như: được vay lãi suất ưu đãi, theo chu kỳ sản xuất, theo mùa vụ với các cơ sở sản xuất con giống, chăn nuôi thương phẩm, giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm và các hoạt động, như: xử lý môi trường và chất thải chăn nuôi, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm.