Thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Tóm tắt
Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất lớn của thế giới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến để đầu tư, mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, thực tế là Việt Nam hiện vẫn chỉ nằm ở phần đáy của chuỗi giá trị. Bài viết nêu rõ sự hình thành và phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC); hình thức tham gia của doanh nghiệp vào CGTTC; mức độ tham gia vào CGTTC của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, từ đó đưa ra những khuyến nghị trong thời gian tới.
Từ khóa: doanh nghiệp sản xuất, CGTTC, chuỗi giá trị
Summary
Vietnam is becoming one of the world's largest factories, the destination of many foreign investors who has been coming to invest and wish to cooperate with Vietnamese businesses, particularly the small and medium business community. However, it is a reality that Vietnam is still at the bottom of the value chain. The article highlights the formation and development of the global value chain (GVC); GVC participation forms of an enterprise; and the level of GVC participation of manufacturing enterprises in Vietnam, thereby making some recommendations in the coming time.
Keywords: manufacturing enterprises, GVC, value chain
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong một vài thập kỷ gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới sản xuất toàn cầu. Luồng thông tin cập nhật, sự kết nối và vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn đã giúp các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dễ dàng hợp tác hơn dù ở khoảng cách rất xa nhau. Nhưng sự phát triển của công nghệ, kèm theo sự cải cách trong các chính sách thương mại (ví dụ như cắt giảm hàng rào thuế quan), cũng như khả năng tiếp cận các nguồn lực và thị trường đã thúc đẩy hội nhập và tăng tốc hoạt động kinh tế xuyên biên giới quốc gia, và đồng thời kết nối các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới (Sturgeon, 2013; OECD, 2013).
Với xuất phát điểm là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia có độ mở kinh tế lớn nhất trên thế giới với độ mở lên tới 200% GDP, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông và Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chỉ nằm ở phần đáy của chuỗi giá trị khi tập trung chủ yếu vào các hoạt động chế biến, gia công và lắp ráp, đây là những hoạt động có giá trị gia tăng thấp và tính bền vững trong tương lai còn nhiều hạn chế. Tình trạng này cần phải khắc phục trong thời gian tới (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CGTTC
Trước đây, khi thương mại quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa chưa phát triển, hầu hết các dây chuyền sản xuất thường chỉ được gói gọn trong phạm vi một quốc gia. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của thương mại quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ trong hơn 40 năm qua, các dây chuyền sản xuất đã trở nên ngày càng phức tạp, với mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng ra nhiều nền kinh tế. Các sản phẩm ngày nay thay vì được sản xuất bởi một quốc gia đơn lẻ, thì có thể nói là được “sản xuất bởi thế giới”, giá trị sản phẩm cuối cùng được tăng thêm thông qua mỗi công đoạn ở các quốc gia khác nhau (OECD, 2013), mà chúng ta còn gọi đó là CGTTC.
Grossman và Rossi-Hansberg (2006) sử dụng thuật ngữ “Thương mại nhiệm vụ” (Task trade) đề cập tới quá trình các quốc gia tham gia vào các khâu khác nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển và đang phát triển đều góp phần làm gia tăng giá trị dọc theo chuỗi cung ứng toàn cầu với việc thực hiện một khâu cụ thể của quá trình sản xuất, như: sản xuất một bộ phận hoặc linh kiện của sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ trung gian cần thiết cho các khâu tiếp theo của quá trình sản xuất. Thương mại nhiệm vụ có thể được thực hiện thông qua hợp đồng giữa các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau, hoặc thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoặc các thỏa thuận kết hợp của hai hình thức trên.
Có thể nói rằng, những cuộc cách mạng khoa học, công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự tự do hóa đầu tư và thương mại, sự hội nhập của kinh tế quốc tế và việc sản xuất trải rộng ra toàn cầu của những công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia chính là những điều kiện cần dẫn đến sự bùng nổ của CGTTC, biến mô hình CGTTC trở thành cấu trúc điển hình của nền kinh tế thế giới ngày nay.
HÌNH THỨC THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VÀO CGTTC
Cho đến nay, cũng chưa có sự thống nhất chung về sự tham gia, hình thức tham gia của doanh nghiệp trong CGTTC.
Theo quan điểm của World Bank, IDE-JETRO, OECD, UIBE, WTO (2017), sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo tiền đề cho sự phát triển của các chuỗi cung ứng (chuỗi giá trị) toàn cầu với việc chia sẻ nhiệm vụ thương mại giữa hai hay nhiều quốc gia. Qua đó, các hoạt động trong chuỗi cung ứng toàn cầu gắn liền với sự dịch chuyển qua biên giới của các sản phẩm trung gian có thể được phân chia thành cấp độ đơn giản và phức tạp. Ở cấp độ đơn giản, các hàng hóa trung gian chỉ dịch chuyển qua biên giới một lần trong quá trình sản xuất; trong khi đó, ở cấp độ phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu được hình thành với việc các hàng hóa trung gian được vận chuyển qua biên giới nhiều nước trước khi trở thành thành phẩm và đưa đến tay người tiêu dùng. Như vậy, dù ở cấp độ đơn giản hay phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm mạng lưới nhiều nhà sản xuất đảm nhiệm các chức năng khác nhau của quá trình sản xuất và thực hiện trao đổi thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu.
Dollar và cộng sự (2016) phân tích sự tham gia CGTTC ở cấp độ doanh nghiệp, chia hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thành 4 nhóm chính: (1) Sử dụng đầu vào nội địa để sản xuất cho thị trường nội địa (D2P); (2) Sử dụng sản phẩm nội địa để sản xuất cho thị trường xuất khẩu (D2E); (3) Nhập khẩu đầu vào để sản xuất cho thị trường nội địa (I2P); (4) Nhập khẩu đầu vào để sản xuất cho thị trường xuất khẩu (I2E). Theo đó, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu được hiểu là doanh nghiệp lựa chọn hình thức sản xuất (2), (3), (4), trong khi doanh nghiệp lựa chọn hình thức (1) cho thấy, doanh nghiệp thuần túy hoạt động nội địa và chưa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rigo (2017) sử dụng số liệu điều tra doanh nghiệp của World Bank để phân tích sự tham gia của doanh nghiệp ở các nước đang phát triển trong CGTTC với các hình thức, như: chỉ nhập khẩu, chỉ xuất khẩu, tham gia cả xuất và nhập khẩu, hoặc không tham gia bất kỳ hoạt động thương mại nào. Nhưng, Rigo yêu cầu thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu là tham gia thương mại 2 chiều: cả nhập khẩu đầu vào để sản xuất và xuất khẩu đầu ra cho thị trường nước ngoài.
Nghiên cứu của Lopez - Gonzalez (2017) lại chia các hoạt động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thành 2 mảng: (1) Liên kết thương mại (thông qua các hoạt động xuất khẩu đầu ra và nhập khẩu đầu vào); (2) Liên kết với các doanh nghiệp FDI (thông qua mua đầu vào và bán đầu ra cho doanh nghiệp FDI). Cụ thể, ở phương diện đầu vào, các doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc nhập khẩu hoặc mua đầu vào từ doanh nghiệp FDI. Ở góc độ đầu ra, doanh nghiệp có thể trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm cho doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp trong nước có thể trực tiếp tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua xuất nhập khẩu hoặc gián tiếp tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua liên kết với doanh nghiệp FDI.
Tương tự, Ganne và Lundquist (2019) cũng cho rằng, ở khía cạnh đầu ra (tham gia xuôi chiều - forward participation), các doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc cung cấp đầu vào các công ty đa quốc gia hoặc công ty trong nước có xuất khẩu. Đồng thời, ở khía cạnh đầu vào (tham gia ngược chiều - backward participation), các doanh nghiệp có thể nhập khẩu các đầu vào hoặc mua đầu vào từ các doanh nghiệp trong nước có sử dụng đầu vào nhập khẩu.
Các hình thức tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng (chuỗi giá trị) toàn cầu đều chỉ ra rằng, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu gắn liền với quá trình quốc tế hóa của doanh nghiệp.
MỨC ĐỘ THAM GIA VÀO CGTTC CỦA CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT TẠI VIỆT NAM
Nhiều nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu thương mại giá trị gia tăng (TIVA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng tạo ra, để đánh giá sự tham gia của CGTTC của các nền kinh tế (OECD, 2012). Sự tham gia vào CGTTC của Việt Nam được phản ánh bằng 2 chỉ số: tham gia vào CGTTC bằng liên kết ngược và tham gia vào CGTTC bằng liên kết xuôi. Sự tham gia liên kết ngược được đo bằng tỷ lệ giữa hàm lượng giá trị gia tăng thêm ở nước ngoài (Foreign value added - FVA) của hàng xuất khẩu so với tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế. Cách tính này dựa trên quan điểm của “người mua” hoặc bên tìm nguồn cung ứng trong CGTTC C, nơi một nền kinh tế nhập khẩu sản phẩm trung gian để sản xuất hàng xuất khẩu của mình. Trong khi đó, sự tham gia vào CGTTC bằng liên kết xuôi được đo bằng tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước được chuyển đến các nền kinh tế thứ ba trên tổng kim ngạch xuất khẩu (Domestic value added - DVA) của nền kinh tế. Chỉ số này phản ảnh giá trị nằm trong nguyên liệu đầu vào được gửi đến các nền kinh tế thứ ba để tiếp tục xử lý và xuất khẩu thông qua các chuỗi giá trị. Đây là quan điểm của “người bán” hoặc bên cung cấp khi tham gia CGTTC (Kowalski và cộng sự, 2015).
Đầu tiên, nghiên cứu này xem xét hàm lượng giá trị gia tăng nội địa (DVA) thể hiện trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới, so sánh với các nền kinh tế Đông Á. Bảng 1 cho thấy, tỷ trọng DVA của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu thấp nhất trong các nước, với xu hướng giảm dần theo thời gian, đạt 48% vào năm 2018. Xu hướng này trái ngược với xu hướng của các nền kinh tế Đông Á khác, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này thể hiện sự yếu kém của ngành công nghiệp trong nước của Việt Nam.
Bảng 1: Tỷ trọng DVA trong xuất khẩu của Việt Nam và các nước Đông Á khác (%)
Nguồn: Truong, 2022 |
Khi xem xét giá trị gia tăng trong nước của Việt Nam được sử dụng trong xuất khẩu của các nước khác so với hai nền kinh tế ASEAN là Singapore và Thái Lan, Hình 1 cho thấy chỉ số này của Việt Nam đã tăng đáng kể từ 2,9 tỷ USD năm 2000 lên 14,6 tỷ USD vào năm 2019.
Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng giá trị gia tăng trong nước của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Singapore. So với Singapore và Thái Lan, tỷ lệ trung bình tham gia vào CGTTC bằng liên kết ngược trong giai đoạn 2000-2018 của Việt Nam cao hơn; tuy nhiên, xét về giá trị, Việt Nam thấp hơn nhiều so với hai nước ASEAN còn lại.
Hình 1: Giá trị gia tăng trong nước từ một số nước ASEAN chọn lọc
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Nguyen và Truong, 2022 |
Bảng 2: Tỷ lệ giá trị gia tăng ở nước ngoài của Việt Nam và các nước Đông Á khác (%)
Nguồn: Truong, 2022 |
Bảng 2 cho thấy, tỷ trọng giá trị gia tăng ở nước ngoài trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang tăng từ 29.9% năm 2000 lên 51% vào năm 2018. Điều thú vị là từ năm 2005 đến 2018, trong khi Việt Nam có tỷ trọng FVA tăng nhanh, thì nhiều quốc gia Đông Á khác cho thấy xu hướng ngược lại, với sự suy giảm cao nhất xảy ra ở Malaysia và Philippines. Quan trọng hơn, tỷ lệ FVA của Việt Nam là cao nhất trong số các nền kinh tế Đông Á, cho thấy rằng sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhập khẩu hàng hóa trung gian từ các đối tác nước ngoài cao hơn nhiều so với các nước Đông Á. Mức độ tham gia CGTTC bằng liên kết ngược của Việt Nam có xu hướng tăng, và khá tương đồng với Singapore, trong khi chỉ tiêu này cao hơn nhiều so với Thái Lan.
Hình 2 cho thấy, giá trị FVA của Việt Nam ra thế giới đã tăng đáng kể lên 21.8 tỷ USD vào năm 2019 so với 3.2 tỷ USD vào năm 2000. Tuy nhiên, so với Thái Lan và Singapore, chỉ số này của Việt Nam thấp hơn nhiều.
Hình 2: Giá trị gia tăng ở nước ngoài của các quốc gia ASEAN được chọn
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Nguyen và Truong, 2022 |
Trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu của Truong (2022) đã chỉ ra rằng, hàm lượng DVA cao nhất là trong các ngành thâm dụng công nghệ thấp, như: sản phẩm thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, hóa chất, sản phẩm gỗ và giấy. Ngược lại, hàm lượng DVA trong tổng kim ngạch xuất khẩu được phát hiện là rất thấp trong các ngành thâm dụng công nghệ trung bình và cao, cụ thể là máy móc và thiết bị, kim loại và máy tính, thiết bị điện và điện tử. Xu hướng này cho thấy, do năng lực sản xuất hạn chế, doanh nghiệp nội địa Việt Nam chỉ có thể sản xuất hàng hóa trung gian trong các ngành thâm dụng công nghệ thấp với tỷ trọng cao hơn trong các ngành thâm dụng công nghệ trung bình và cao. Xét về hàm lượng FVA trong xuất khẩu, máy móc và thiết bị, ngành công nghiệp kim loại, cũng như máy tính, điện tử và thiết bị điện có tỷ trọng FVA cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này có thể giải thích là do dòng vốn FDI chảy nhiều vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, làm gia tăng nhập khẩu các bộ phận và linh kiện từ nước ngoài.
Xét về mức độ tham gia CGTTC bằng liên kết xuôi, Hình 3 thể hiện xu hướng tăng lên của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2005. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, chỉ số này giảm đáng kể, đạt 11% vào năm 2018. Xét về sự tham gia bằng liên kết ngược của Việt Nam, Hình 3 cho thấy tỷ lệ tham gia vào CGTTC ngược của Việt Nam đã tăng đáng kể từ 22.9% năm 1995 lên 51,0 vào năm 2019. Tỷ lệ tham gia CGTTC bằng liên kết ngược của Việt Nam là cao nhất trong số các nền kinh tế Đông Á.
Hình 3: Tỷ lệ tham gia CGTTC bằng liên kết ngược và liên kết xuôi của Việt Nam
Nguồn: Nguyen và Truong, 2022 |
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Thực tế cho thấy Việt Nam đang tham gia vào chuỗi liên kết ngược nhiều hơn và xu hướng này được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất tham gia sâu hơn, rộng hơn vào CGTTC, đặc biệt là nâng cao vị thế trong chuỗi, thì phải có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cùng với những chính sách để thúc đẩy, cụ thể là:
Một là, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt cần có những cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế tạo sản xuất. Hiện nay, những cơ chế hỗ trợ này chưa đủ mạnh để tạo đột biến, các chính sách mang tính lồng ghép trong nhiều chương trình khác, ngân sách cho những cơ chế hỗ trợ này còn hạn chế. So với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam được đánh giá kém đa dạng và kém cạnh tranh hơn về số lượng cơ chế ưu đãi và mức độ cơ chế ưu đãi. Ví dụ, Indonesia được miễn thuế tối đa lên tới 20 năm, thì Việt Nam chỉ miễn thuế 4 năm, thấp nhất trong khối ASEAN (OECD, 2019). Bên cạnh đó, những cơ chế hỗ trợ bị lồng ghép trong nhiều chương trình khác, ví dụ doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế trong Chương trình “phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ” dựa trên cơ sở ưu đãi của Luật Công nghệ cao. Mặt khác, bên cạnh tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, Chính phủ cần đơn giản hóa quy trình thủ tục hải quan, giúp thúc đẩy xuất khẩu, tằng cường sự tham gia của Việt Nam vào CGTTC
Hai là, hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Việc này có thể thực thi nhờ tăng cường vai trò trung gian của các hiệp hội và tổ chức, không chỉ giúp các doanh nghiệp trong nước liên kết được với các doanh nghiệp nước ngoài, mà còn giúp minh bạch hóa thông tin, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước những biến cố bất ngờ xảy ra.
Ba là, đầu tư cơ sở hạ tầng logistics tốt. Trong CGTTC, hoạt động logistics không hiệu quả, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc sẽ làm tăng chi phí giao dịch và làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với những ngành lĩnh vực mà các công đoạn sản xuất phân tán theo vị trí địa lý, lúc này doanh nghiệp cần phải vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả, thậm chí là qua các biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu và quy hoạch các trung tâm logistics lớn nhằm đảm bảo kết nối giữa các tuyến vận tải được thông suốt, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Bốn là, Chính phủ hình thành những doanh nghiệp đầu tàu, đây là những kinh nghiệm rất thành công, mà Hàn Quốc và Nhật Bản đã thực hiện. Theo chuyên gia Marcin Piatkowski, Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần có những cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn trong ngành, giúp những doanh nghiệp này trở thành đầu tàu, từ đó những “con chim đại bàng” sẽ liên kết, dẫn dắt các doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi giá trị, như: Vinfast, Vinamilk, FPT...
Như vậy, Chính phủ, với vai trò chỉ đạo, cần lên kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn phát triển, không ngừng hoàn thiện các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, cụ thể, hiệu quả để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sự tham gia vào CGTTC./.
Nguyễn Thị Thanh Tân – Học viện Ngân hàng
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16 - tháng 6/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Dollar, D., Ge, Y., and Yu, X. (2016), Institutions and Participation in Global Value Chains, Global Value Chain Development Report Background Paper, http://rigvc.uibe.edu.cn/docs/20160407201118816062.pdf.
2. Ganne, E., Lundquist, K. (2019), The digital economy, GVCs and SMEs, chapter 6 in WTO, IDE-JETRO, OECD, UIBE, World Bank Group (2019), Global Value Chain Development Report 2019: Technological innovation, supply chain trade and workers in a globalized world.
3. Grossman, G.M., Rossi-Hansberg, E. (2006), Trading Tasks: A simple theory of offshoring, National Bureau of Economic Research, Working Paper 12721.
4. Nguyen, H. H., and Truong, H. Q. (2022), The Nexus between Inward Foreign Direct Investment and Global Value Chains in Developing Countries: A Case Study of Viet Nam, Economic Research Institute for ASEAN and East Asia – ERIA, http://www.eria.org/publications/the-nexus-between-inward-foreign-direct-investment-and-global-value-chains-in-developing-countries-a-case-study-of-viet-nam/.
5. Kowalski, P., Gonzalez, J. L., Ragoussis, A., and Ugarte, C. (2015), Participation of Developing Countries in Global Value Chains: Implications for Trade and Trade-Related Policies, OECD.
6. Lopez-Gonzalez, J., Munro, L. (2017), Participation and benefits of SMEs in GVCs in Southeast Asia: Project Outline, TAD/TC/WP(2017)14.
7. OECD (2012), Trade in value-added: Concepts, Methodologies and Challenges, retrieved from https://www.oecd.org/sti/ind/49894138.pdf.
8. OECD (2013), Interconnected Economies: Benefiting from Global Value Chains, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/9789264189560-en.
9. Rigo, D. (2017), A Portrait of Firms Participating in Global Value Chains, CTEI Working Papers series 01-2017, Centre for Trade and Economic Integration, The Graduate Institute.
10. Sturgeon, T. (2013), Global Value Chains and Economic Globalization, retrieved from http://ec.europa.eu/eurostat/documents/7828051/8076042/Sturgeon-report-Eurostat.pdf.
11. Truong, H. Q. (2022), Vietnam’s Global Value Chains Participation and Policy Implications for South Korea-Vietnam Economic Cooperation, SSRN Scholarly Paper No. 4272026, https://doi.org/10.2139/ssrn.4272026.
12. World Bank, IDE-JETRO, OECD, UIBE, WTO (2017), Global Value Chain Development Report 2017: Measuring and Analyzing the Impact of GVCs on Economic Development, Washington, DC: World Bank.
Bình luận