Năng lượng tái tạo toàn cầu: Công suất tăng, chi phí giảm!
Sự lựa chọn ít tốn kém nhất
Ngày nay, nhờ vào đổi mới công nghệ, quy mô, và cạnh tranh, giá của kWh điện gió đất liền và mặt trời đã cạnh tranh được với giá của nhà máy điện chạy than, dầu, khí và ngay cả điện hạt nhân. Những đổi mới và tiến bộ nổi bật của công nghệ, đặc biệt là lưu trữ điện, được hỗ trợ bởi công nghệ số, đã khiến cho mô hình kinh tế này dễ dàng được chấp nhận hơn. Nhờ năng lượng tái tạo kết hợp với pin và lưới điện nhỏ sẽ có kết cấu hạ tầng rất phân tán và số hóa.
Trong Báo cáo Hiện trạng Năng lượng tái tạo Toàn cầu 2017, Mạng lưới Chính sách Năng lượng Tái tạo thế kỷ 21 (REN21) bình luận, năng lượng tái tạo đang trở thành sự lựa chọn ít tốn kém nhất đối với các quốc gia. Các giao dịch gần đây tại Đan Mạch, Ai Cập, Ấn Độ, Mexico, Peru và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cho thấy, điện tái tạo đang được cung cấp với mức giá 0,05 USD/kWh hoặc thậm chí rẻ hơn. Con số này thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân ở những quốc gia trên.
Nhu cầu bắt buộc về phụ tải nền (base load) thực chất là một cách nghĩ sai lầm. Hệ thống điện có thể tiếp nhận tỷ trọng lớn về năng lượng tái tạo, mà không cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay điện hạt nhân chạy phụ tải nền, dựa vào tính linh hoạt của hệ thống điện thông qua liên kết lưới điện, liên kết ngành, các giải pháp công nghệ (như ICT, bộ lưu trữ điện và máy bơm nhiệt). Điều này không chỉ giúp cân bằng biến đổi trong khâu phát điện, mà còn tối ưu hóa hệ thống và giảm chi phí phát điện. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi số lượng các quốc gia thành công trong quản lý phụ tải đỉnh, hoặc vượt qua mục tiêu điện sản xuất từ năng lượng tái tạo ngày càng tăng lên. Trong năm 2016, Đan Mạch và Đức đã thành công trong việc quản lý phụ tải đỉnh của năng lượng tái tạo ở mức lần lượt là 140% và 86,3%.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo từ nước, nắng, gió, sinh khối, địa nhiệt... đang trở thành xu thế toàn cầu vì đây là nguồn năng lượng sạch, giảm khí thải nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu cũng như giúp các nước trên thế giới giảm khai thác và phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch tự nhiên.
Phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế trên toàn cầu
Cách thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã hoàn toàn chuyển đổi. Để bảo vệ môi trường, thế giới phải thay đổi mô hình phát triển để hướng đến một sự tăng trưởng xanh, hoàn toàn khác biệt với trước đây. Bất cứ một dự án mới nào cũng cần sự chấp thuận của xã hội. Nhu cầu thích nghi với chuyển biến nhanh chóng đã khuyến khích các xí nghiệp, các trường kĩ sư và đại học trong việc đổi mới và đầu tư cho nghiên cứu.
Những kỷ lục được xác lập
Theo Báo cáo Hiện trạng Năng lượng tái tạo Toàn cầu 2017, trong năm 2016, năng lượng tái tạo tiếp tục lập kỷ lục với 161 GW được lắp đặt, tăng tổng công suất toàn cầu thêm gần 9% so với năm 2015, đưa tổng công suất lên gần 2.017 GW. Trong đó, năng lượng mặt trời (PV) chiếm khoảng 47%, điện gió 34% và thủy điện 15,5%.
Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cũng cho biết, trong năm 2016, tổng mức đầu tư toàn cầu dành cho năng lượng tái tạo cao hơn hai lần mức đầu tư dành cho phát triển năng lượng từ than đá và khai thác khí đốt tự nhiên, đạt mức 286 tỷ USD.
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia chi nhiều nhất cho các dự án năng lượng tái tạo, chiếm hơn 30% mức đầu tư toàn cầu và đã vượt Mỹ về sản lượng năng lượng tái tạo.
Tại Mỹ, điện năng do các nhà máy điện sản xuất ra từ năng lượng tái tạo tăng 9% trong năm 2016, trong đó lượng điện năng được tạo ra từ năng lượng gió và mặt trời lần lượt chiếm tỷ lệ 5,2% và 0,8%.
Ở khu vực Đông Nam Á, kể từ khi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu được phê chuẩn vào tháng 12/2015, cũng như Cam kết của các quốc gia về môi trường (INDC) được ký kết vào tháng 11/2016, các nước trong khu vực đã tập trung áp dụng các giải pháp chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng thải ra ít carbon hơn.
Để đẩy nhanh kế hoạch “Năng lượng sạch cho toàn châu Âu”, các nước thành viên EU đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về gói đầu tư trị giá 444 triệu Euro cho 18 dự án lớn của EU về kết cấu hạ tầng năng lượng. Các dự án liên quan lĩnh vực năng lượng thông minh sẽ giúp liên kết và tăng cường an ninh cho mạng lưới năng lượng trên toàn châu Âu. Theo đó, các thành viên EU đang đẩy nhanh việc chuyển đổi sang nền kinh tế có mức độ thải khí carbon thấp, an toàn và cạnh tranh. Theo thống kê, đầu tư vào năng lượng gió ngoài khơi ở châu Âu đã tăng gấp hai lần vào năm 2016, đạt kỷ lục 13,3 tỷ Euro.
Đặc biệt, theo IRENA, năng lượng tái tạo trên toàn cầu tạo ra 9,8 triệu việc làm trong năm 2016, được phân chia như sau: mặt trời (3,1 triệu việc làm), nhiên liệu sinh học (1,7 triệu việc làm), đập thủy điện lớn (1,5 triệu việc làm), gió (1,1 triệu việc làm).
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, năng lượng tái tạo sẽ phát triển nhanh trong những năm tới bởi chi phí thấp và các chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này. Trong báo cáo vừa công bố đầu tháng 10, IEA dự báo, đến năm 2022, công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng 43%.
Năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% ngành sản xuất điện năng, so với mức 24% của năm 2016. Dù than đá sẽ vẫn là nguồn sản xuất điện năng lớn nhất vào năm 2022, song năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm mạnh khoảng cách với loại nhiên liệu này.
Theo IEA, đến năm 2022, ba nước Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ sẽ chiếm 2/3 mức tăng trưởng năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Trung Quốc duy trì vị trí đầu bảng về công suất điện tái tạo trong thời gian dự báo, chiếm 40% tổng công suất toàn cầu, chủ yếu do lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí tại nước này.
Trong khi đó, Mỹ vẫn được dự báo là thị trường sản xuất năng lượng tái tạo lớn thứ 2 trên thế giới, bất chấp những chính sách chưa rõ ràng của chính quyền liên bang.
Vẫn còn lắm gian nan
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, tốc độ chuyển dịch năng lượng chưa đủ nhanh để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris, bất chấp những tín hiệu tích cực trong phát triển năng lượng tái tạo. Theo Chủ tịch REN21, ông Arthouros Zervos, mặc dù đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo cao gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch, nhưng so với năm 2015 thì vốn đầu tư cho lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo mới giảm 23%. Ở các quốc gia có thị trường mới nổi hoặc đang phát triển, đầu tư cho năng lượng tái tạo giảm 30% xuống còn 116,6 tỷ USD, trong khi đó các nước phát triển giảm 14% xuống còn 125 tỷ USD.
Việc áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo trong lĩnh vực sưởi ấm và làm lạnh vẫn là một thách thức bởi tính chất đặc trưng và phân tán của thị trường này. Giảm phát thải carbon dựa vào sử dụng năng lượng tái tạo đối với ngành vận tải vẫn chưa được xem xét nghiêm túc, hay được ưu tiên.
Bên cạnh đó, ứng dụng năng lượng tái tạo trong ngành hàng hải và hàng không rõ ràng là thách thức lớn nhất, tuy nhiên những chính sách và can thiệp thương mại của các chính phủ chưa đủ để tìm ra lời giải thích hợp.
Mặc khác, trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch và điện hạt nhân vẫn vượt xa so với năng lượng tái tạo. Năm 2014, tỷ lệ trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch so với năng lượng tái tạo là 4:1. Như vậy, cứ 1 USD chi cho năng lượng tái tạo, thì các chính phủ lại dành 4 USD để duy trì sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch.
“Đến cuối năm 2016, hơn 50 quốc gia đã cam kết chấm dứt trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch và tiến hành cải cách, nhưng như vậy vẫn chưa đủ”, Chủ tịch của REN21, ông Arthouros Zervos nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, việc các quốc gia cần làm hiện nay là đầu tư vào năng lượng sạch, đồng thời đánh giá tình trạng ô nhiễm do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó có hướng đi đúng, góp phần giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng liên quan để đưa ra các chiến lược, chính sách nhằm duy trì tốc độ chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo như hiện nay./.
Bình luận