Ngày 25/12 (theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua gói ngân sách trị giá 5,396 tỷ USD cho giai đoạn 2018-2019, thấp hơn so với con số 5,4 tỷ USD được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề xuất.

Ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc hoàn toàn tách biệt với ngân sách phục vụ cho việc gìn giữ hòa bình, vốn đã bị cắt giảm 600 triệu USD trong năm nay dưới sức ép của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mỹ hiện là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của Liên hợp quốc với tỷ lệ trên 20%. Trước đó, Mỹ đã nhiều lần bày tỏ mong muốn thể chế đa phương lớn nhất hành tinh này cắt giảm ngân sách khi Tổng thống Trump từng nói rằng phần đóng góp của Mỹ vào ngân sách của Liên hợp quốc là "không công bằng".

Đặc biệt, Mỹ không đồng tình với nghị quyết tuần vừa rồi của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump thu hồi quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Sự nhất trí của 14 thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an được xem là một sự khiển trách mạnh đối với chính quyền của ông Trump vì hành động đơn phương mà họ đưa ra. Song, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley mô tả nghị quyết này là một “sự xúc phạm” và khẳng định Mỹ không cần phải được ai chỉ cho họ vị trí xây đại sứ quán của mình.

Mặt khác, Mỹ cho rằng, các khoản chi tiêu của tổ chức này không hợp lý. Bà Nikki Haley cho rằng, việc chi tiêu mạnh tay và không hiệu quả của cơ quan này khá rõ ràng, nên Mỹ sẽ không tiếp tục hào phóng chi cho các hoạt động như vậy. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh, tương lai Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm đóng góp cho Liên hợp quốc.

Điều đó đã dẫn đến ngân sách của Liên hợp quốc giảm sút. Việc cắt giảm ngân sách sẽ bao gồm cắt giảm chi phí đi lại, tư vấn và các chi phí hoạt động khác; các quy định chặt chẽ về bồi thường và cách thức mới để tối đa hoá việc sử dụng trụ sở của Liên hợp quốc tại New York để giảm thiểu chi phí thuê nhà đắt đỏ.

Các nước khác bày tỏ sự lo lắng về tác động tiềm tàng của việc cắt giảm trong tương lai, vì điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng giám sát các hành vi lạm dụng hoặc đáp ứng các trường hợp khẩn cấp của Liên hợp quốc, thành phần chủ yếu trong công việc của cơ quan này.

Ngân sách của Liên hợp quốc được xây dựng trên cơ sở đóng góp của các quốc gia thành viên. Tỷ lệ đóng góp được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc căn cứ vào chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân trong giai đoạn 10 năm, thu nhập bình quân đầu người và nợ nước ngoài. Vì là quốc gia có lượng đóng góp nhiều nhất cho Liên hợp quốc nên Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định giảm ngân sách trên và coi đây là một bước đi đúng hướng./.

Nguồn tham khảo:
https://www.cbsnews.com/news/united-nations-budget-reduction-nikki-haley/
https://www.nytimes.com/2017/12/25/world/americas/trump-united-nations-budget.html