Ngày 09/7/2020, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2020. Trong đó, Vietnam Report có báo cáo đánh giá khá chi tiết về ngành bảo hiểm trong 6 tháng qua và dự báo triển vọng của ngành trong 6 tháng cuối năm.

90,5% số DN bảo hiểm lạc quan về triển vọng 6 tháng cuối năm 2020

Theo nhận định của Vietnam Report, thị trường bảo hiểm năm vừa qua tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu chung là xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 160.180 tỷ đồng, tăng 20,54%, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.387 tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 107.793 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 44.006 tỷ đồng.

Lý giải cho sự tăng trưởng ổn định của ngành bảo hiểm trong thời gian qua, hầu hết các chuyên gia đều nhận định: Năng lực tài chính, khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm không ngừng được nâng cao; các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường, ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm; thêm vào đó, chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, đồng bộ hơn…

Những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 như một “thiên nga đen” làm đảo lộn mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Cũng như nhiều ngành kinh tế khác, khảo sát của Vietnam Report đánh giá tác động của COVID-19 đến doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy dịch bệnh khiến lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm phải xem xét, đánh giá lại mô hình hoạt động, phân phối của họ qua ba khía cạnh: khách hàng, lực lượng bán hàng và hỗ trợ (như đầu tư vào dữ liệu và công cụ kỹ thuật số), điều này giúp cho doanh nghiệp bảo hiểm có thể chuẩn bị cho những rủi ro không thể đoán trước.

Việc giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến

các kênh phân phối và tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm

Cụ thể, hơn một nửa số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết các quyết định liên quan đến Quản trị rủi ro, Quản trị nhân lực, Quản lý dịch vụ và hỗ trợ khách hàng, Tiếp cận khách hàng và Chuyển đổi số đang từng bước thay đổi cùng với sự bùng phát của dịch bệnh.

Đặc thù của ngành bảo hiểm là bán “niềm tin” về việc được bảo vệ khi xảy ra rủi ro trong tương lai nên các kênh bán hàng offline hiện vẫn chiếm đa số trong mạng lưới phân phối của các doanh nghiệp bảo hiểm và là cách thức mà 75% khách hàng tương tác với doanh nghiệp bảo hiểm (theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report). Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến các kênh phân phối và tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng: (1) Tăng cường chuyển dịch sang sử dụng các công cụ kỹ thuật số; (2) Hướng tới tự phục vụ đối với các đại lý và khách hàng; (3) Chuyển đổi quy trình từ offline sang online.

Mặc dù vậy, thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo tiếp tục giữ vững “phong độ” tăng trưởng trên 20% trong năm 2020. Xét trong ngắn hạn, khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 chỉ ra có đến 90,5% số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng toàn ngành bảo hiểm trong 6 tháng cuối năm 2020.

3 Cơ hội – 4 Thách thức – 5 Chiến lược ngành bảo hiểm trong bối cảnh bình thường mới

Khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện chỉ ra Top 3 cơ hội lớn nhất của ngành bảo hiểm trong thời gian tới bao gồm: (1) Công nghệ phát triển mạnh mẽ, ứng dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị bảo hiểm; (2) Nhận thức và hiểu biết của người dân về bảo hiểm ngày càng được cải thiện; (3) Triển vọng kinh tế vĩ mô phục hồi và bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều kênh phân phối hơn bên cạnh kênh truyền thống là đại lý/tư vấn viên. Các kênh bán hàng online như Ứng dụng di động, Chatbot, mạng xã hội đang dần trở nên phổ biến và tạo được sự thuận lợi trong tương tác với khách hàng. Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy trước khi mua bảo hiểm, 75,7% khách hàng đã sử dụng công cụ kỹ thuật số để đưa ra quyết định mua sản phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, xu hướng chuyển dịch phân phối bảo hiểm từ offline sang online trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, thuận tiện cho doanh nghiệp bảo hiểm và cả khách hàng trong khi vẫn đảm bảo an toàn giãn cách xã hội.

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng: làm việc tại nhà, đi du lịch bằng máy bay… đặc biệt khiến cho chúng ta quan tâm đến sức khỏe và các vấn đề rủi ro nhiều hơn. Đây được coi là một tín hiệu tích cực của thị trường bảo hiểm. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp bảo hiểm, đây cũng là một trong 3 cơ hội lớn nhất của ngành trong thời gian tới bên cạnh sự phát triển của công nghệ và triển vọng kinh tế vĩ mô phục hồi.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải đối mặt với khá nhiều thách thức, trong đó nổi bật lên 4 thách thức chính là Cạnh tranh trong ngành càng gia tăng; Rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh; Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiểu biết rõ ràng về thị trường bảo hiểm; Hạ tầng Công nghệ thông tin bất cập.

Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn “bình thường mới”. Trong cuộc chiến mới về thị phần bảo hiểm, sự thành công sẽ dành cho những ai tận dụng được sức mạnh của công nghệ, cũng như nắm bắt và chuyển mình tốt nhất với những xu hướng đó. Điều này trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh “bình thường mới”.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cần điều chỉnh hệ thống kênh phân phối theo hướng kỹ thuật số

Trong bối cảnh “bình thường mới”, các doanh nghiệp bảo hiểm cần điều chỉnh hệ thống kênh phân phối theo hướng kỹ thuật số dựa trên 3 nhóm hành động sau:

1. Quyết định kết hợp kênh chuyển tiếp tối ưu. Các đại lý trực tiếp sẽ vẫn là một phần quan trọng của hệ thống phân phối trong những năm tới, đặc biệt là với bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm thương mại lớn. Tuy nhiên các doanh nghiệp bảo hiểm cần thiết lập thêm kênh bán hàng kỹ thuật số để phục vụ khách hàng thích tương tác từ xa thông qua kỹ thuật số

2. Xác định các sửa đổi cần thiết và các công nghệ mới phục vụ cho giai đoạn “bình thường mới”. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần coi công nghệ và kỹ thuật số là những yếu tố khác biệt cốt lõi tạo nên giá trị doanh nghiệp, từ đó xác định các điều chỉnh mong muốn của họ đối với thực tế công nghệ hiện có.

3. Sẵn sàng để đưa ra các quyết định M&A chiến lược để tăng cường phân phối. Bắt tay với các công ty Fintech và Insurtechs có thể là một hướng đi mới dành các doanh nghiệp bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm nên chủ động xác định các lỗ hổng trong hệ sinh thái phân phối cũng như mối quan hệ với các đối tác M&A tiềm năng để có thể tiếp cận nhóm khách hàng mới và các loại sản phẩm mới.

Bài học kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng kinh tế khoảng ba thập kỷ trở lại đây cho thấy rằng, trong những thời kỳ hậu khủng hoảng, những doanh nghiệp nào đáp ứng được một hoặc cả ba điều kiện sau sẽ có nhiều cơ hội phục hồi hoàn toàn và vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ bình thường mới, đó là: (1) Sớm có chuẩn bị chiến lược thoát khỏi khủng hoảng và tái lập hình ảnh; (2) Tiếp tục sử dụng công nghệ để hỗ trợ và tăng năng suất chứ không phải để thay thế con người; (3) Sớm thực hiện chuyển đổi số thích nghi với khủng hoảng ngày một tinh vi hơn và tận dụng tốt sự dịch chuyển trong hành vi tiêu dùng và văn hóa do khủng hoảng tạo ra.

Trong đó, việc tái lập hình ảnh – hay uy tín doanh nghiệp được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu gắn liền với lợi ích kinh tế của chính các doanh nghiệp bởi lẽ, uy tín là một trong những tài sản vô hình quý giá của mỗi doanh nghiệp, có ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của doanh nghiệp trong công chúng cũng như quyết định của nhà đầu tư và các bên liên quan./.