Người nước ngoài, Việt kiều vẫn khó mua nhà ở Việt Nam
Nhận diện một số “nút thắt” chính
Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 đã cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật và thông tư vẫn chưa được ban hành. Chình vì vậy, hầu hết các giao dịch cho nhóm khách hàng này vẫn chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về dự án và đặt cọc giữ chỗ, chưa thể ký hợp đồng mua bán. Việc tư vấn pháp lý cho nhóm khách hàng này cũng phải chờ đợi thêm.
Bên cạnh đó, các rào cản về mặt thủ tục hành chính cũng là nguyên nhân gây nên tâm lý e ngại cho người nước ngoài và Việt kiều. Theo quy định, muốn sở hữu nhà Việt kiều phải có giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt là giấy khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Tuy nhiên, việc xác minh nguồn gốc đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, tại Mỹ, thời gian người mua nhà phải bỏ ra lo thủ tục, ký giấy tờ chừng 5, 6 tiếng đồng hồ. Thế nhưng tại Việt Nam, kiều bào và người nước ngoài phải mất nhiều thời gian chờ đợi tính hàng tuần, thậm chí hàng tháng (Vũ Lê, 2015).
Tại Hội thảo “Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam” do Báo Thanh niên tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 14/09/2015, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, chính sách về nhà ở cho người nước ngoài đang bộc lộ một số hạn chế, đó là quyền tư hữu. Theo Luật Nhà ở, người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà, còn đất thì được sử dụng có thời hạn nhiều nhất là 50 năm.
Vẫn còn nhiều những băn khoăn của người nước ngoài, cũng như Việt kiêu đối với ván đề nhà ở |
Hay, việc người nước ngoài chưa được vay tiền mua nhà ở từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước cũng được nhiều chuyên gia đề cập đến. Bởi, bất động sản là tài sản lớn và vì vậy, không phải người nước ngoài hay kiều bào nào cũng có thể mua bằng tiền mặt. Có nhiều trường hợp người Việt ở Mỹ, châu Âu và người nước ngoài cần vay thêm một khoản tiền khi mua nhà. Tuy nhiên, các ngân hàng trong nước chưa có hướng dẫn cụ thể cho tình huống này. Trong khi đó, nếu muốn vay các ngân hàng nước ngoài cần xuất trình giấy chứng nhận sở hữu tài sản cho căn nhà đang mua thì Việt Nam chưa có tiền lệ.
Ngoài ra, tại Hội thảo trên, theo ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh, còn một số những hạn chế khác đang cản trở người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam, như: quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án bất động sản là kiều bào vẫn chưa có; cơ sở dữ liệu yếu.
Gỡ như thế nào?
Trao đổi với VnEconomy, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), để tháo gỡ vấn đề nguồn gốc người Việt Nam của Việt kiều sinh sống ở nước ngoài, trong trường hợp Việt kiều không có khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác để chứng minh nguồn gốc người Việt, thì có thể linh hoạt sử dụng thông tin trên giấy tờ khác có giá trị để cung cấp thông tin về nguồn gốc dân tộc, hoặc nơi sinh của Việt kiều do nước sở tại cấp để xác định nguồn gốc người Việt. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt cho Việt kiều cần có giá trị vĩnh viễn, thay vì chỉ có giá trị trong 5 năm như hiện nay (Bảo Anh, 2015).
Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước thống nhất hướng dẫn cá nhân, tổ chức nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ tổ chức tín dụng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà ở hoặc thủ tục vay của những chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam để mua nhà ở.
Đặc biệt, để tháo gỡ nút thắt của nhiều người nước ngoài về thời hạn sở hữu, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, người nước ngoài thuộc diện được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi nhận chuyển nhượng nhà ở của người nước ngoài, thì cũng được phép sở hữu nhà ở tối đa là 50 năm, mà không tính thời hạn của chủ cũ đã sử dụng./.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Lê (2015). 10 rào cản khiến kiều bào, người nước ngoài dè dặt mua nhà, truy cập từ http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/bat-dong-san/10-rao-can-khien-kieu-bao-nguoi-nuoc-ngoai-de-dat-mua-nha-3280033.html
2. Bảo Anh (2015). Vì sao nhiều khách ngoại vẫn chưa dám mua nhà?, truy cập từ http://vneconomy.vn/bat-dong-san/vi-sao-nhieu-khach-ngoai-van-chua-dam-mua-nha-2015091108470759.htm
Bình luận