Nhiều bất cập trong quản lý giá xăng, dầu
Không thể giảm thuế, phí dù chiếm gần nửa giá xăng
Lần đầu tiên sau nhiều năm, từ khi quyết định điều chỉnh giá xăng dầu tối ngày 7/7, Bộ Tài chính công khai cơ cấu tính giá. Theo phụ biểu này, một lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu (18%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng), thuế giá trị gia tăng (10%), tương đương 8.244 đồng.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, giá CIF (giá thành, bảo hiểm và cước) nhập xăng về cảng là 16.444 đồng mỗi lít, sau khi tính tất cả các chi phí, lợi nhuận định mức, thuế, và trích quỹ bình ổn, giá cơ sở lên đến 26.148 đồng/lít.
Để chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng và bù lỗ cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho phép sử dụng 500 đồng mỗi lít từ quỹ bình ổn giá, đưa giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng tối đa còn 25.648 đồng một lít.
Như vậy, nếu so với giá CIF, thuế phí đang chiếm nửa giá xăng. Còn so với giá bán lẻ, tiền thuế, phí tương đương 1/3.
Trước thực trạng đó, dư luận đặt ra câu hỏi vì sao Bộ Tài chính không điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá xăng dầu trong thời gian qua. Trả lời báo giới, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, giá xăng dầu thời gian qua được điều hành theo đúng quy định của Nghị định số 84, theo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và với nguyên tắc đó thì trong thời gian qua vừa có điều chỉnh tăng, điều chỉnh giảm.
Riêng về thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu quy định đối với xăng dầu tối đa là 40%. Nếu theo Barem và mức giá xăng dầu thế giới thời gian qua và hiện nay thì mức thuế nhập khẩu phải là 20%.
“Nhưng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 18%, còn dầu là 14%, 15%, 16% (tuỳ loại). Như vậy, thuế với các mặt hàng trên vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu công bố của barem và thấp hơn nhiều mức tối đa do Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định”, ông Lợi nói.
Theo ông, thuế nhập khẩu xăng dầu không chỉ đơn thuần công cụ thu ngân sách, mà còn là công cụ điều tiết thị trường, tạo điều kiện cho việc phát triển các dự án nhà máy lọc dầu trong nước, từng bước tiến tới đảm bảo nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vì hiện nay Việt Nam mới sản xuất được 30%, phải nhập khẩu 70% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Mặt khác, thuế thu vào ngân sách cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu, lợi ích chung của xã hội như chi cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, đặc biệt là chi cho người nghèo, vùng nghèo…
Ông Lợi cũng cho biết thêm, về cơ cấu giá xăng dầu, mỗi nước có các loại thuế, phí áp dụng đối với xăng dầu khác nhau, ngoài các sắc thuế chung hầu như các nước đều áp dụng các sắc thuế, như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt,…
Một số nước có chung đường biên giới với Việt Nam còn áp dụng thêm các loại thuế, phí đặc thù khác đối với xăng dầu, như: Trung Quốc có thêm thuế giáo dục, thuế kiến thiết; Lào có thêm phí cầu đường, phí rủi ro doanh nghiệp và chi phí hao phí; Campuchia có thêm phụ thu.
Để so sánh, có thể tính bình quân tỷ lệ thuế, phí trong cơ cấu giá, trong đó, tính bình quân thì tỷ lệ thuế, phí chiếm trong giá bán xăng dầu của Việt Nam thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam hoặc nước có điều kiện tương đồng.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng, ở Việt Nam tỷ lệ thuế chiếm 32% trong giá bán, thấp hơn so với mức 36,12% của Lào; mức 35,91% của Thái Lan và mức 33,95% của Trung Quốc.
Vì vậy, giá bán lẻ xăng (92R) của Việt Nam cũng thấp hơn các nước đó, cụ thể như: Ở Việt Nam hiện nay là 25.640 đồng/lít thì ở Lào là 28.924 đồng/lít (cao hơn 3.284 đồng/lít); ở Thái Lan là 26.129 đồng/lít (cao hơn 489 đồng/lít), ở Campuchia là 27.595 đồng/lít (cao hơn 1.955 đồng/lít).
Như vậy, “có thể thấy giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới, mà một trong các nguyên nhân là do trong cơ cấu giá, Việt Nam có tỷ lệ thuế, phí bình quân thấp hơn. Nay nếu Việt Nam lại điều chỉnh giảm thuế thì sẽ lại phát sinh tình trạng buôn lậu như đã từng xảy ra”, ông Lợi nói.
Vẫn khó thoát độc quyền
Bình luận về vị thế thống lĩnh của Petrolimex hiện nay, trao đổi với báo giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không phải ai cũng có thể làm được. Do đó, việc có nên cấp phép thêm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần phải cân nhắc thận trọng.
Theo ông Doanh, có nhiều hay ít doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu không quan trọng bằng việc phải kiểm soát được hành vi các doanh nghiệp xăng dầu “bắt tay” tăng giá.
Qua theo dõi, mỗi lần tăng giá, các doanh nghiệp đều tăng cùng một lúc và cùng một mức giá. Ở đây, rõ ràng có hiện tượng liên minh. Cũng theo ông Doanh, lâu nay can thiệp của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vẫn chưa rõ ràng.
Với việc Bộ Công Thương thêm quyền điều hành giá xăng dầu (Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu và điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu), dư luận càng lo tới đây Bộ này “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, để bỏ vị thế độc quyền, nên tách Petrolimex thành 3 tổng công ty. Một chuyên về nhập khẩu xăng dầu, một phân phối bán buôn và một chuyên về bán lẻ.
Cũng theo ông Doanh, việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu hiện có vấn đề. Quỹ bình ổn là thu từ dân, chứ không phải tự nhiên mà có. Việc quản lý Quỹ này cũng không có sự quản lý và giám sát của người dân.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế về giá cả, PGS, TS. Ngô Trí Long cũng khẳng định, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định mới có thể tham gia. Còn với các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, nhất thiết phải chia tách nhỏ ra, có thể thực hiện cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo ông Long, để xác định độc quyền hay cạnh tranh, phải căn cứ vào mức độ chiếm lĩnh thị trường. Theo Luật Cạnh tranh, nếu một doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần, đó là thống lĩnh thị trường, là độc quyền. Trong khi đó, ở Việt Nam, xăng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu, còn 70% phải nhập khẩu và do 21 doanh nghiệp đầu mối thực hiện (riêng Petrolimex chiếm trên 50% thị phần).
Như vậy, rõ ràng, thị trường xăng dầu Việt Nam đang mang tính độc quyền./.
Bình luận