Nhiều "khoảng tối" trong bức tranh kinh tế năm 2016
"Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Chính phủ kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh”, đây là chủ đề của Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng 16/3.
Cũng tại Hội thảo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã công bố ấn phẩm thường niên “Kinh tế Việt Nam 2016: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển”.
Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục tái cơ cấu đồng bộ, toàn diện các mặt của nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công
Thay mặt nhóm nghiên cứu của NEU, GS, TS. Ngô Thắng Lợi chỉ rõ những “khoảng tối” trong bức tranh phát triển kinh tế của Việt Nam 2016.
Sau khi tăng trưởng ở mức 6,68% trong năm 2015, cao nhất trong vòng 5 năm (2011-2015), kinh tế Việt Nam gặp khó khăn hơn trong năm 2016, với tốc độ tăng trưởng giảm chỉ còn 6,21%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được Quốc hội đưa ra là 6,7%.
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 4.502,7 tỷ đồng (tương đương hơn 200 tỷ USD), theo đó, GDP bình quân đầu người đạt 2215 USD, tương đương 1770 USD theo giá so sánh 2010, chỉ tăng 4,92% so với năm 2015.
Theo GS, TS. Ngô Thắng Lợi, tốc độ tăng trưởng GDP phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng “nhờ vào gia công”, chủ yếu dựa trên lợi thế về lao động rẻ.
“Nếu ví nền kinh tế như “một dòng sông chảy” thì tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn GDP đã phản ánh một hiện tượng đang “không bình thường” trong nền kinh tế Việt Nam, theo đó “thượng nguồn” đang bị “khô” còn “hạ nguồn” thì lại “ngập. Các ngành thượng nguồn với chức năng sản xuất hàng hóa trung gian không phát triển, vì thế sản xuất luôn phải nhập khẩu các yếu tố đầu vào”, vị chuyên gia này ví von.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 91,1% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm 41,4%; nhóm hàng tiêu dùng chỉ chiếm 8,9%.
Điều đáng lo là xu hướng “kinh tế gia công” không chỉ ở ngành công nghiệp mà còn lan sang cả nông nghiệp.
“Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ngày càng có xu hướng “gia công”, nhập khẩu cả phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi… Đây là yếu tố làm nội ngành nông nghiệp suy giảm về hiệu quả và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế không chỉ trong năm 2016 mà có thể cả giai đoạn sau nếu không có chính sách khắc phục”, GS, TS Ngô Thắng Lợi lo lắng.
Bên cạnh đó, năm 2016 cũng chứng kiến việc lạm phát cao hơn rất nhiều so với 2015, thâm hụt ngân sách cao xấp xỉ năm 2015, nợ công đã chạm ngưỡng cảnh báo mất an toàn và báo hiệu những rủi ro vĩ mô đang ngày càng gia tăng.
Từ những “khoảng tối” của bức tranh kinh tế 2016, kết hợp với những dự báo bối cảnh quốc tế và trong nước năm 2017, nhóm nghiên cứu dự báo và hai phương án tăng trưởng với mức 6,0% và 6,6%.
Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng trên, các chuyên gia của NEU cũng khẳng định rằng, phụ thuộc nhiều vào ý chí quyết tâm và những tính toán khoa học thực hiện những bước đột phá trong hành động từ phía Nhà nươc, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Xây dựng Chính phủ kiến tạo- điểm sáng trong năm 2016
Ở Việt Nam, tư tưởng xây dựng một Nhà nước có chức năng kiến tạo và thực hiện tốt chức năng này là quan điểm chỉ đạo nhất quán của Nhà nước trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2).
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xác định việc “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển và liêm chính” là phù hợp với cương vị người đứng đầu Cơ quan Hành pháp (Chính phủ).
Tư duy về xây dựng Nhà nước kiến tạo đã được chuyển thành những thay đổi trong phương thức điều hành kinh tế vĩ mô của Thủ tướng. Trước hết, Chính phủ nhấn mạnh đến tăng trưởng thực chất, bền vững, không đánh đổi bằng những thành tích ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chú trọng nhiều hơn đến các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đã có những điều chỉnh phù hợp hơn so với các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Có thể nói, năm 2016 là năm mà Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã dồn sức để vượt qua những điểm nghẽn đã tồn tại từ nhiều năm trước. Sự quyết liệt hành động của Chính phủ đã thắp lên ngọn lửa niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp.
Song, cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị
Tuy nhiên, theo GS, TS. Nguyễn Kế Tuấn (Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), trong năm 2016, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong việc hướng tới xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển, qua quan sát thực tế có thể thấy hai hạn chế nổi bật:
(1) Sự chuyển biến của hệ thống các cơ quan hành pháp (Chính phủ và Ủy ban nhân dân) có vẻ mạnh hơn so với sự chuyển biến của hệ thống các cơ quan lập pháp và tư pháp;
(2) Chưa bảo đảm chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ giữa các bộ, ngành trực thuộc Chính phủ và giữa các chính quyền địa phương.
Vì thế, để xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển theo đúng nghĩa đầy đủ, theo ông Tuấn, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, đòi hỏi phải có sự chuyển biến đồng bộ cả trong hệ thống các cơ quan thực hiện quyền lập pháp và các cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở tất cả các cấp trong hệ thống chính quyền nhà nước.
Chia sẻ về mong đợi của người dân đối với chính quyền phục vụ, chuyên gia phân tích quản trị công của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Việt Nam Đỗ Thanh Huyền nhận định, người dân mong đợi minh bạch hóa thông tin liên quan tới quy trình chính sách ở cả giai đoạn và ba thành tố: đầu vào, quy trình và đầu ra; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, giảm thiểu cấu kết công – tư vì vụ lợi; cung ứng dịch vụ công có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, xã hội, doanh nghiệp.
Bà Huyền cho rằng, để xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, cần thay đổi tư duy từ quản lý nhà nước sang kiến tạo phát triển, tư duy quản trị, vì lợi ích chung, mục đích chung cho tất cả các bên.
Cơ cấu tổ chức của bộ máy hành chính cần được sắp xếp theo hướng tinh giản, gọn nhẹ; nghiêm túc thực hiện các chính sách đã đề ra, lắng nghe ý kiến và trao đổi, giải trình với người dân thường xuyên, thực hiện theo dõi và giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp…
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, tái cơ cấu đồng bộ, toàn diện các mặt của nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Điều quan trọng nhất hiện nay, theo ông Bảo là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng thực sự cho các chủ thể trong nền kinh tế./.
Bình luận