Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại Hội thảo “Khuyến nghị chính sách thúc đẩy hợp tác win-win nhằm phát triển ngành phân phối của Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Viện Phát triển Cải cách Hàn Quốc (ReDI) tổ chức sáng ngày 20/06/2018.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong xu hướng phát triển của ngành phân phối

Theo ông Hur You Seok, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, trước đây, ngành phân phối của Hàn Quốc tập trung vào chợ truyền thống. Tuy nhiên, khi xã hội đã trở nên hiện đại hóa, hình thức phân phối cũng đã trở nên đa dạng. Khi WTO nổi lên và thị trường phân phối đã được mở cửa hoàn toàn vào năm 1996, các hạn chế về đầu tư nước ngoài trong ngành bán lẻ đã bị bãi bỏ. Hơn nữa, việc ban hành Luật Phát triển Công nghiệp bán lẻ (năm 1997) cho phép khởi động quy mô lớn thông qua đăng ký thay vì cho phép.

Kể từ khi mở cửa thị trường phân phối vào năm 1996, ngành phân phối trong nước đã thay đổi và phát triển thành phân phối hiện đại, được gọi là “phân phối kiểu doanh nghiệp”, chẳng hạn như: siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích, trung tâm mua sắm trên internet và mua sắm tại nhà qua truyền hình.

Theo đó, số lượng các trung tâm mua sắm cỡ lớn tăng từ 34 năm 1996 lên 518 vào năm 2006. Đại siêu thị cũng có mức tăng bùng nổ từ 212 năm 1996 lên 1.538 vào cuối năm 2014. Số lượng cửa hàng tiện ích, dựa trên vốn của các tập đoàn lớn, vượt quá 35.000 vào cuối năm 2016.

Ngành bán lẻ Hàn Quốc đóng góp 8,3% GDP vào năm 2014, lớn thứ hai sau ngành điện/điện tử (8,6%), đưa phân phối trở thành ngành công nghiệp xương sống.

Trong khi phân phối hiện đại đã trở thành một trục của nền kinh tế quốc gia, chợ truyền thống dần suy giảm. Đến năm 2010, 11% chợ truyền thống đã biến mất trên toàn quốc, với doanh thu bán hàng giảm xuống 33%. Tính đến cuối năm 2015, tổng số chợ truyền thống Hàn Quốc đã đăng ký là 1.439 chợ.

Tại Việt Nam, theo bà Đỗ Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), sau khi mở cửa toàn bộ thị trường phân phối bán lẻ (vào năm 2010) thì quy mô thị trường bán lẻ dựa vào chi tiêu của hộ gia đình của Việt Nam đã tăng lên 158 tỷ USD vào năm 2016, trong khi chỉ đạt 77,1 tỷ USD vào năm 2011. A.T. Kearney xếp hạng Việt Nam đứng thứ 11 trong số 30 thị trường bán lẻ có triển vọng nhất thế giới vào năm 2016.

Bà Đỗ Phương Dung cũng cho hay, năm 2017, chỉ số tiêu dùng của Việt Nam đạt 115 điểm đã phản ánh sự lạc quan của người tiêu dùng, cũng đồng thời cho thấy, tiềm năng phát triển của ngành phân phối. Sự hiện diện của hàng loạt các tập đoàn phân phối đa quốc gia tại Việt Nam, như: Aeon của Nhật Bản, Lotte và Emart của Hàn Quốc, Metro của Đức đã minh chứng mạnh mẽ cho sức hút này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít lo lắng về tương lai phát triển của ngành phân phối ở Việt Nam. Ông Ngô Văn Hiệp, Đại diện một văn phòng luật bày tỏ, hầu hết các doanh nghiệp phân phối FDI tại Việt Nam dưới hình thức siêu thị lớn, thu hút người tiêu dùng, đạt doanh thu lớn nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa lại gặp khó khăn về tiêu thụ. Hơn nữa, việc cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Cũng phân tích về hiện trạng ngành phân phối của Việt Nam hiện nay, theo ông Võ Văn Quyền, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), có 4 vấn đề nổi lên cần giải quyết đó là:

Thứ nhất, giải quyết sự mâu thuẫn của phân phối hiện đại và phân phối truyền thống.

Thứ hai, giải quyết sự phát triển hài hòa giữa doanh nghiệp lớn với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp FDI với hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba, phát triển hài hòa giữa kinh doanh trực tuyến và phi trực tuyến. Các hoạt động trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ truyền hình, điện thoại ngày càng phát triển với tốc độ rất cao. Vì vậy, cần có định hướng phát triển hài hòa giữa các hoạt động này.

Thứ tư, mâu thuẫn cũng như yêu cầu nội tại của nền kinh tế Việt Nam, đó là tổ chức tiêu thụ hàng hóa trong một đất nước phần lớn là nông nghiệp và đi lên từ nông nghiệp.

Giải quyết như thế nào?

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển ngành phân phối của Hàn Quốc cho thấy, vai trò của Chính phủ trong việc ban hành những chính sách phù hợp là tối cần thiết.

Theo ông Hur You Seok, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và ngăn chặn suy thoái từ việc cạnh tranh với các công ty lớn, Chính phủ Hàn Quốc đã quy định việc mở cửa và mở rộng các cửa hành cho các tập đoàn lớn và các chi nhánh của họ bằng cách sửa đổi Luật Phát triển ngành công nghiệp phân phối và Đạo luật hợp tác win – win dành cho doanh nghiệp nhỏ.

Năm 1997, Hàn Quốc đã ban hành Luật Phát triển ngành công nghiệp phân phối với tư cách là luật cơ bản về ngành công nghiệp phân phối. Bộ luật này đã được chỉnh sửa 15 lần kể từ đó đến nay. Nguyên nhân chính cần chỉnh sửa là do sự tiến bộ của ngành công nghiệp phân phối và sự phát triển của hợp tác win – win trong ngành công nghiệp bán lẻ nhỏ và vừa, đồng thời cũng góp phần bảo hộ hàng hóa truyền thống.

Điểm đáng chú ý của Luật này là đã thiết lập, thi hành kế hoạch phát triển ngành công nghiệp phân phối; Đăng ký và hạn chế kinh doanh đối với cửa hàng quy mô lớn (điều chỉnh các nhà bán lẻ lớn để bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ và vừa); Tăng cường sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp phân phối; Đẩy mạnh nền tảng phát triển ngành công nghiệp phân phối; Ủy ban giải quyết tranh chấp để duy trì trật tự phân phối. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ban hành các luật hỗ trợ khác như: Luật Bảo hộ và hỗ trợ tiểu thương (năm 1997), Luật Đặc biệt nhằm phát triển thị trường truyền thống và trung tâm thương mại (năm 2004), Luật về thúc đẩy hợp tác win – win giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, Luật về hỗ trợ thị trường và thúc đẩy mua sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Theo ông Lee Tae Joo (Viện Phát triển Cải cách Hàn Quốc), để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các loại hình doanh nghiệp và các loại hình phân phối, phương hướng của chính sách phân phối ở Việt Nam cần theo hướng như sau: Nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp phân phối; Phát triển cân bằng của các cửa hàng lớn và phân phối quy mô nhỏ và vừa; Tăng cường năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và chính sách hợp tác win – win ưu tiên trước; Hiện đại hóa các chợ truyền thống và cân nhắc các ngõ hẻm; Tìm kiếm hành động đối với việc phân phối sản phẩm mới và phân phối mới.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), với những khuyến nghị được phía Hàn Quốc đưa ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, nghiên cứu để ứng dụng phù hợp với thực tiễn của ngành phân phối tại Việt Nam. Đặc biệt trong việc quản lý hoạt động siêu thị, quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích đưa hàng hóa do doanh nghiệp nhỏ sản xuất vào hệ thống phân phối. Bộ cũng sẽ nỗ lực phối hợp xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà sản xuất Việt Nam đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, giúp người tiêu dùng yên tâm, qua đó thúc đẩy hoạt động giao thương.

“Riêng với loại hình kinh doanh truyền thống, trong thời gian tới, chợ truyền thống sẽ được tập trung hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, ứng dụng thanh toán hiện đại, kinh doanh hàng hóa có mã số mã vạch…”, ông Hội thông tin.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết, để định hướng cho phát triển ngành phân phối, bên cạnh việc tìm giải pháp dung hòa về tăng trưởng giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì cần phát huy được vai trò của chợ truyền thống trong tập quán tiêu dùng của người Việt Nam./.