Đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế về chăn nuôi

Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chăn nuôi.

Theo báo cáo thẩm tra Dự án Luật Chăn nuôi, ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc, sản lượng sản phẩm chăn nuôi đã tăng gấp 2 lần trong giai đoạn từ năm 2005 đến hết năm 2017. Hoạt động chăn nuôi đã gia tăng về quy mô và số lượng trang trại, tạo tiền đề cho phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp. Bên cạnh những sản phẩm chăn nuôi truyền thống đã xuất hiện nhiều loại hình và đối tượng vật nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng có bước phát triển lớn, từ chỗ chủ yếu sử dụng thức ăn đơn, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, đến nay Việt Nam đã có ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi công nghiệp vào loại lớn của khu vực.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nước ta nói chung còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ cao (60%-70%), nên việc đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh và phát huy lợi thế của từng vùng còn gặp nhiều khó khăn; phần lớn chưa sản xuất theo chuỗi khép kín nên khó khăn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm…; môi trường chăn nuôi chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ; việc xử lý và sử dụng chất thải trong chăn nuôi còn chưa thực sự hợp lý; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; thiếu đồng bộ trong cơ cấu chăn nuôi (giữa chăn nuôi gia súc, chăn nuôi lợn và gia cầm; giữa chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giữa cung và cầu con giống,…) và giữa chăn nuôi với trồng trọt, thủy sản… Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu phải có chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh, do đó, Luật Chăn nuôi cần quy định rõ việc quản lý, phát triển bền vững của ngành theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu. Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 12 năm thi hành Pháp lệnh Giống vật nuôi, tổng kết việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới và pháp luật quốc tế về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, quản lý hoạt động chăn nuôi... Nội dung Dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế về chăn nuôi.

Bổ sung quy định về hành vi cấm trong nhập khẩu

Đối với các hành vi cấm trong nhập khẩu, theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang, điều 12 quy định các hành vi bị cấm, nội dung của điều này có 3 khoản cấm trong nhập khẩu, đó là "nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi"; "nhập khẩu kinh doanh, chế biến thịt nội tạng của vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân"; "nhập khẩu chăn nuôi phóng thích sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen".

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, một số quy định về cấm nhập khẩu đối với chăn nuôi như trên là chưa đầy đủ vì trong thời gian qua, Việt Nam nhập khẩu một số vật nuôi có tác hại đến môi trường sống, môi trường sản xuất như nhập khẩu con ốc bươu vàng. Hậu quả là nhiều nơi ốc bưu vàng phá hoại các cánh đồng sản xuất lúa.

“Cần thêm một khoản cấm nữa để có cơ sở pháp lý quản lý chặt chẽ hơn những vật nuôi nguy hại này, đó là cấm nhập khẩu vật nuôi có tác hại đến môi trường sản xuất, môi trường sống” Đại biểu Bé kiến nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề nhập khẩu trong chăn nuôi, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị sửa đổi điểm d khoản 3 Điều 77 theo hướng nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi phải đáp ứng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát và cho phép về các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

“Việc quy định trường hợp sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và dịch bệnh phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất cung cấp tại nước xuất khẩu, trước khi nhập khẩu” Đại biểu Bé băn khoăn về tính khả thi của quy định này.

Liên quan đến các hành vi cấm, Đại biểu Mong Văn Tình - Nghệ An cho rằng, ngoài 14 khoản quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong điều 12, cần bổ sung thêm một khoản cấm là cấm nhập gia súc, gia cầm loại già, loại thải từ nước ngoài với mục đích giết mổ, lấy thịt.

Tăng chính sách cho nhóm nông dân khởi nghiệp

Đối với các chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Bạc Liêu cho rằng, đây là điểm quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của chăn nuôi trong thời gian tới. Tôi nhận thấy, trong dự thảo lần này đã được rà soát, chỉnh sửa và tiếp thu có tiến bộ hơn so với trình lần trước. Tuy nhiên, theo Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Dự thảo Luật vẫn chưa bao quát hết các hoạt động trong chăn nuôi, thiếu nhóm chính sách phát triển cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ và nhóm nông dân khởi nghiệp, quy định nặng về định tính hơn định lượng nên rất khó áp dụng trong thực tiễn.

“Nước ta hiện nay, chăn nuôi quy mô còn nhỏ lẻ, theo hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ lớn và tình trạng mất mùa, được mùa mất giá, sản phẩm ế ẩm, thị trường tiêu thụ không ổn định cũng làm cho người dân điêu đứng và đã được đề cập tại nhiều kỳ họp Quốc hội. Do đó, Ban soạn thảo nghiên cứu, bên cạnh chính sách đảm bảo cho phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại theo chuỗi, cũng cần chính sách hợp lý cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo sinh kế”, Đại biểu Ry nói.

Cụ thể, Đại biểu Ry cho rằng, nên có đảm bảo ngân sách cho công tác quy hoạch và xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi của vùng, của tỉnh. Trên cơ sở đó, định hướng và quản lý chặt chẽ các cơ quan chức năng cho người dân chăn nuôi, giảm thiểu tình trạng tự phát trong sản xuất của người dân và có sự gắn kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị để sản phẩm chăn nuôi có giá trị. Bên cạnh đó, có sự cơ cấu và phân bổ hợp lý nguồn lực từ ngân sách tương xứng với đối tượng thụ hưởng trong tổng đầu tư vốn hiện nay và theo đó quan tâm chính sách đầu tư của Nhà nước cho việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở thí nghiệm, thực nghiệm giống vật nuôi, đặc biệt ở địa phương đủ sức nghiên cứu, cung cấp giống cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng miền và gắn với công nghiệp chế biến sau. Đồng thời, có cơ chế chính sách để phát triển cho nhóm nông dân khởi nghiệp, tự nguyện hợp tác liên kết sản xuất và hình thành các hợp tác xã để hỗ trợ nhau về kỹ thuật phục vụ trong sản xuất, ứng dụng những tiến bộ khoa học cũng như việc tiếp cận thông tin, chính sách tín dụng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Liên quan đến chính sách trong chăn nuôi, Đại biểu Trần Đình Gia - Hà Tĩnh cho rằng, trong thực tiễn chăn nuôi thì khi có biến động của thị trường, nhiều cơ sở chăn nuôi giống đã bỏ đàn bởi vì càng nuôi thì càng lỗ. Vì vậy, đến lúc giá của vật nuôi được phục hồi thì không có giống dẫn đến việc phục hồi tái đàn rất khó khăn.

Nhà nước cần phải có một chính sách để hỗ trợ cho những cơ sở chăn nuôi giống khi giá thị trường biến động, ảnh hưởng đến duy trì đàn giống. Theo đó thì điểm d khoản 2 Điều 4 về chính sách của Nhà nước viết lại là hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường theo quy định của pháp luật”, Đại biểu Gia kiến nghị.

Liên quan đến thực thi chính sách trong chăn nuôi, Đại biểu Phạm Văn Tuân - Thái Bình cho rằng, cần bổ sung điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, vì nhiều nội dung chính sách của nhà nước hỗ trợ còn quy định chung chung, chưa rõ ràng. Ví dụ như việc hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia hoặc như việc di dời các trang trại cần quy định rõ việc hình thành trang trại có quy định trước hay là có sau khu dân cư được quy hoạch gần trang trại, sau đó lại có ý kiến phải di dời trang trại nên mức hỗ trợ là khác nhau.

“Nếu các nội dung trên không giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì khó khăn trong thực thi luật”, Đại biểu Phạm Văn Tuân nói./.