Trong bối cảnh hiện nay, các nguồn năng lượng tái tạo được khuyến khích để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn [2]. Tuy nhiên, những chính sách này cũng gây nên những lo ngại, với những vấn đề liên quan đến an ninh lương thực, đa dạng sinh học và các ảnh hưởng môi trường, như phá rừng và thay đổi mục đích sử dụng đất [3].

Đồn điền dầu cọ ở Batanghari, tỉnh Jambi, đảo Sumatra, Indonesia. Nguồn: https://www.reuters.com/business/environment/indonesia-use-existing-laws-palm-oil-moratorium-expires-2021-09-22/
Đồn điền dầu cọ ở Batanghari, tỉnh Jambi, đảo Sumatra, Indonesia. Nguồn: https://www.reuters.com/business/environment/indonesia-use-existing-laws-palm-oil-moratorium-expires-2021-09-22/

Vấn đề quản lý nguồn tài nguyên là một thách thức lớn trong nhiều quốc gia đang phát triển do tính phức tạp và sự không rõ ràng về quyền sở hữu [4]. Thiếu quyền sở hữu rõ ràng đối với những nguồn tài nguyên phổ biến như rừng, đất chăn thả và sông ở các quốc gia đang phát triển dẫn đến việc khai thác quá mức để tối đa hóa lợi ích cá nhân [5,6]. Giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên đất, nước, rừng) ở các nước này, vì thế, thường bị đánh giá thấp, làm cho việc sử dụng chúng một cách ồ ạt nhưng không hiệu quả.

Mặc dù thị trường nhiên liệu sinh học mở ra cơ hội kinh tế tiềm năng cho các quốc gia đang phát triển, nhưng việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch đang đặt ra những thách thức mới. Ví dụ, Indonesia có tỷ lệ phá rừng vượt quá 50% tổng diện tích đất là 94.432.000 ha, trong đó hơn 3.549.000 ha là rừng nguyên sinh. Từ năm 1990 đến năm 2010, đất nước này đã mất hơn 20% tổng diện tích rừng do sản xuất dầu cọ [7]. Các đồn điền công nghiệp, đặc biệt là để sản xuất dầu cọ, góp phần vào việc nhiễu động sinh thái, tác động đến môi trường sống của các loài như đười ươi và xâm lấn các khu vực nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống sinh kế của cộng đồng xung quanh [8].

Tình trạng khai thác này cũng đã diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, chẳng hạn như Khu bảo tồn Quốc gia Korup tại châu Phi, một trong những khu rừng già nhất thế giới, đã bị chuyển đổi thành trang trại dầu cọ. Tương tự, khoảng 55%–59% sự mở rộng của cây dầu cọ ở Malaysia đã dẫn đến chuyển đổi một lượng lớn diện tích đất rừng, làm nảy sinh những lo ngại đáng kể về mất mát đa dạng sinh học [9]. Có thể nói, quá trình chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang một nền kinh tế dựa trên nguồn tài nguyên tự nhiên ở các nước đang phát triển tạo ra áp lực đáng kể đối với cả môi trường và cộng đồng địa phương [10].

Trong bối cảnh đó, Liên minh Châu Âu (EU), từ những năm 2009, đã thể hiện cam kết của mình đối với chiến dịch chống biến đổi khí hậu bằng cách đặt ra các tiêu chí bền vững cho nhiên liệu sinh học [11]. Điểm quan trọng trong cam kết này là yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí chung, không khuyến khích nhập khẩu nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ các khu vực bị phá rừng, đất có giá trị đa dạng sinh học cao, hoặc khả năng lưu trữ carbon cao [12]. Trong tình huống đó, các hoạt động như sản xuất dầu cọ của Indonesia, được coi là không thân thiện với môi trường, không đáp ứng được các tiêu chí của EU nên sẽ bị hạn chế nhập khẩu vào thị trường EU [13].

Đáng lưu ý là, trong bối cảnh của Indonesia, dầu cọ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển quốc gia. Năm 2017, giá trị xuất khẩu dầu cọ đã đạt được một mốc quan trọng, đạt tổng giá trị 23 tỷ USD và đóng góp vào việc tạo việc làm cho một lực lượng lao động đáng kể ở Indonesia [14]. Lệnh cấm từ EU đối với nhập khẩu dầu cọ trực tiếp hoặc kết hợp có thể dẫn đến giảm -0,2% (-0,26%) GDP của Indonesia và -0,12% (-0,54%) việc làm so với mức cơ bản [11]. Do đó, từ đó có thể ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế và phúc lợi của cộng đồng địa phương, tác động đến các khía cạnh như chăm sóc y tế, nhà ở, giao thông, và cung cấp nước và điện [15].

Như vậy, có thể thấy tình trạng phá rừng ở Indonesia để mở rộng các đồn điền dầu cọ về ban đầu được thúc đẩy bởi nhận thức thâm hụt sinh thái, cho rằng sản xuất và xuất khẩu dầu cọ là một hoạt động kinh doanh sinh lợi và thúc đẩy sự thịnh vượng về mặt kinh tế. Tuy nhiên, nếu Indonesia nói riêng và các nước đang phát triển nói chung vẫn tiếp tục theo đuổi kinh tế theo hướng này, sẽ dẫn đến những hậu quả môi trường sâu sắc, bao gồm việc phá rừng trên diện rộng, mất đa dạng sinh học, gián đoạn hệ sinh thái và đóng góp vào biến đổi khí hậu [16]. Các hậu quả suy thoái môi trường sau đó sẽ gia tăng những thiệt hại kinh tế thông qua một vòng lặp tiêu cực của hiện tượng “tăng trưởng bần khốn” (“immiserizing growth”), đồng thời ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi phải có một sự thay đổi theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, tăng cường bảo tồn và phát triển song song với một nền kinh tế đa dạng nhằm cân bằng nhu cầu tăng trưởng kinh tế với bảo tồn môi trường. Tuy nhiên để làm được việc này, điều quan trọng nhất là cần phải thay đổi nhận thức và thừa nhận giá trị lâu dài của các hệ sinh thái nguyên vẹn đối với sự bền vững môi trường và thịnh vượng của nền kinh tế [16-18].

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Vinke-de Kruijf, J., & Pahl-Wostl, C. (2016). A multi-level perspective on learning about climate change adaptation through international cooperation. Environmental Science & Policy, 66, 242-249. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1462901116303926

[2] Akorede, M. F., Hizam, H., & Pouresmaeil, E. (2010). Distributed energy resources and benefits to the environment. Renewable and sustainable energy reviews, 14, 724-734. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1364032109002561

[3] Renzaho, A. M., Kamara, J. K., & Toole, M. (2017). Biofuel production and its impact on food security in low- and middle-income countries: Implications for the post-2015 sustainable development goals. Renewable and Sustainable Energy Reviews, 78, 503-516. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1364032117305786

[4] Chichilnisky, G. (1994). North-south trade and the global environment. The American Economic Review, 851-874. https://www.jstor.org/stable/2118421

[5] Hardin, G. (1998). Extensions of "the tragedy of the commons". Science, 280, 682-683. https://www.science.org/doi/10.1126/science.280.5364.682

[6] Copeland, B. R., & Taylor, M. S. (2009). Trade, tragedy, and the commons. American Economic Review 99, 725-749. https://www.aeaweb.org/articles?id=10.1257/aer.99.3.725

[7] Carlson, K. M., Curran, L. M., Ratnasari, D., Pittman, A. M., Soares-Filho, B. S., Asner, G. P., Trigg, S. N., Gaveau, D. A., Lawrence, D., & Rodrigues, H. O. (2012). Committed carbon emissions, deforestation, and community land conversion from oil palm plantation expansion in West Kalimantan, Indonesia. Proceedings of the National Academy of Sciences. 109, 7559-7564. https://www.pnas.org/doi/abs/10.1073/pnas.1200452109

[8] Varkkey, H. (2012). The growth and prospects for the oil palm plantation industry in Indonesia. Oil palm Industry Economic Journal, 12, 1-13. https://eprints.um.edu.my/8380/

[9] Koh, L. P., & Wilcove, D. S. (2008). Is oil palm agriculture really destroying tropical biodiversity? Conservation Letters, 1, 60-64. https://conbio.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1755-263X.2008.00011.x

[10] Barbier, E. B. (2010). Scarcity and frontiers. The Geographical Journal, 178(2), 110-122. https://rgs-ibg.onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1475-4959.2012.00462.x

[11] Rum, I. A., Tukker, A., de Koning, A., & Yusuf, A. A. (2022). Impact assessment of the EU import ban on Indonesian palm oil: Using environmental extended multi-scale MRIO. Science of the Total Environment, 853, 158695. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0048969722057941

[12] Bracco, S. (2015). Effectiveness of EU biofuels sustainability criteria in the context of land acquisitions in Africa. Renewable and Sustainable Energy Reviews, 50, 130-143. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1364032115004645

[13] Arief, R., Cangara, A., Badu, M., Baharuddin, A., & Apriliani, A. (2020). The impact of the European Union (EU) renewable energy directive policy on the management of Indonesian palm oil industry. In IOP Conference Series: Earth and Environmental Science, 575, 012230. IOP Publishing. https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1755-1315/575/1/012230/meta

[14] Purnomo, H., Okarda, B., Dermawan, A., Ilham, Q. P., Pacheco, P., Nurfatriani, F., & Suhendang, E. (2020). Reconciling oil palm economic development and environmental conservation in Indonesia: A value chain dynamic approach. Forest Policy and Economics, 111, 102089. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S138993411930022X

[15] Santika, T., Wilson, K. A., Meijaard, E., Budiharta, S., Law, E. E., Sabri, M., Struebig, M., Ancrenaz, M., & Poh, T.-M. (2019). Changing landscapes, livelihoods and village welfare in the context of oil palm development. Land Use Policy, 87, 104073. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0264837718314923

[16] Hoàng, V. Q., Hoàng, N. M, & Sơn, N. H. (2023). Không hy sinh rừng để phát triển kinh tế - xã hội: Việt Nam lựa chọn lối hài hòa, cân bằng sinh thái. https://dangcongsan.org.vn/hoidonglyluan/Lists/XayDungDang/View_Detail.aspx?ItemID=198

[17] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[18] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9(1), 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9