Phác họa tổ chức không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Trong thời kỳ quy hoạch, Vùng được định hướng phát triển theo 3 tiểu vùng

Định hướng phát triển theo 3 tiểu vùng

Theo đơn vị tư vấn là Viện Chiến lược phát triển, trong thời kỳ quy hoạch, Vùng được định hướng phát triển theo 3 tiểu vùng.

Thứ nhất, tiểu vùng trung tâm (gồm TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai): Dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đầu mối giao thương quốc tế.

Thứ hai, tiểu vùng ven biển (gồm khu vực Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): Kinh tế biển: Cảng biển, logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, hoá dầu; du lịch biển, đảo; khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hình thành khu thương mại tự do tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, TP. Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Thứ ba, tiểu vùng phía Bắc (gồm Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của Đồng Nai, Bình Dương): Kinh tế cửa khẩu, kho vận, công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khu vực mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; trồng cây công nghiệp; bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng trong vùng động lực

Các vùng động lực của Đông Nam Bộ được xác định gồm:

(i) Vùng động lực TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu (Vùng động lực quốc gia) bao gồm TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo Quốc lộ 22, 13, 1, 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng. Tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, logistics. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo.

(ii) Các khu kinh tế, khu thương mại tự do, đô thị đặc thù... Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu tại Tây Ninh, Bình Phước. Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ. Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Cái Mép Hạ. Thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành. Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

(iii) Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng. Khu công nghệ cao; các khu công nghệ thông tin, công nghệ số; Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia TP. Hồ Chí Minh… Thu hút các cơ sở R&D của các tập đoàn lớn trên thế giới…

Phác họa tổ chức không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Hình thành các hành lang kinh tế, tạo không gian tăng trưởng mới cho Đông Nam Bộ

Cơ quan tư vấn cũng đề xuất các hành lang phát triển. Trong đó, có Hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ (từ Đồng Nai đến TP. Hồ Chí Minh); Hành lang kinh tế Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh – Biên Hòa - Vũng Tàu; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; hình thành hành lang kinh tế Quốc lộ 13 (TP. Hồ Chí Minh – Chơn Thành - Cửa khẩu Hoa Lư); từng bước hình thành Hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc – Nam phía Tây.

Hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng

Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại; kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng. Phát triển đô thị theo các đầu mối giao thông lớn, phát triển các đô thị vệ tinh kết nối thuận lợi với các trung tâm với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, giảm tải cho các đô thị lớn, đô thị trung tâm.

Hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt là tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xây dựng và phát triển đô thị tại các vùng có địa hình cao trên các hành lang kinh tế trọng điểm, các tuyến đường vành đai quan trọng.

Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng. Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành và Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương./.