Phấn đấu giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người mỗi năm
Nâng cao nghiệp vụ y tế lao động
Theo đó, Chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động.
Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động người làm công tác y tế; 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Chương trình nêu rõ hàng năm phấn đấu giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người.
Nội dung chính của Chương trình gồm các hoạt động: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc; tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về an toàn vệ sinh lao động.
Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để thực hiện Chương trình, cần tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia tham gia và đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; thực hiện chính sách hỗ trợ thông tin, giáo dục, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; nghiên cứu đề xuất chính sách bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là các hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.
Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền để người sử dụng lao động, người lao động và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan tham gia triển khai và hưởng ứng các hoạt động của Chương trình; tiếp tục đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, hoá chất, xây dựng và một số ngành, nghề khác)./.
Bình luận