Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Nam Định Phạm Gia Túc báo cáo với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tổng quan hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh Nam Định

Thành tựu 60 năm hình thành và phát triển

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định tiền thân là Ban Khoa học và Kỹ thuật Nam Định được thành lập năm 1964. Ngay từ khi ra đời, Ban Khoa học - Kỹ thuật Nam Định đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức trong những năm tháng chiến tranh gian khổ của đất nước chống đế quốc Mỹ. Song với sự cố gắng nỗ lực cao của tập thể cán bộ, nhân viên Ban Khoa học – Kỹ thuật Nam Định, các hoạt động công tác chuyên môn của Ban vẫn tiếp tục duy trì ổn định. Trong gần 60 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận, cụ thể:

Một là, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học, công nghệ của Tỉnh đã hướng vào việc giải quyết những vấn đề nổi cộm đang đặt ra từ thực tiễn, đặc biệt là khâu giống cho sản xuất; cung cấp các luận cứ khoa học cho quá trình ra các quyết định về quản lý, khai thác có hiệu quả và phát triển bền vững các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng nhanh, có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ để đẩy mạnh quá trình đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển công nghệ, chế thử sản phẩm và áp dụng kỹ thuật tiến bộ đều được gắn với sản xuất, gắn với chủ đầu tư.

Hai là, đối với nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Trung tâm Tin học và Thông tin khoa học và công nghệ, Trung tâm Hiệu chuẩn và Thử nghiệm, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ của Tỉnh thời gian tới.

Thực hiện tốt công tác sử dụng ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đẩy mạnh công tác dự toán, phân bổ; dành phần lớn kinh phí sự nghiệp khoa học cho các hoạt động nghiên cứu, triển khai, thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ.

Ba là, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, về thông tin khoa học và công nghệ và sở hữu trí tuệ, về thanh tra khoa học và công nghệ, quản lý khoa học và công nghệ cấp huyện..., các dự án quốc tế, hợp tác trong và ngoài nước.

Bốn là, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu hàng hoá, đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Năm là, triển khai công tác quản lý hành chính công theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành công việc; đẩy mạnh công tác đào tạo, công tác cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác hành chính trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định Trần Minh Hoan chủ trì Hội nghị

Dấu ấn rõ nét nhất của Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định gặt hái được, đó là công tác quản lý hoạt động khoa học luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, xây dựng môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Từng bước, công tác quản lý khoa học và công nghệ được đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trên từng lĩnh vực, ngành nghề, phù hợp với thực tiễn thị trường và từng bước bắt kịp với những tiến bộ khoa học, công nghệ của thế giới.

Cho đến ngày nay, công tác khoa học, công nghệ của Tỉnh đã và đang ngày càng đẩy mạnh với những bước phát triển lớn mạnh, được cụ thể hóa bằng các hoạt động phát triển thị trường công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh cho khoa học và công nghệ; trọng dụng cán bộ khoa học theo nhóm đối tượng tài năng là một trong những bước đi chính tiếp tục góp phần quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ của đất nước.

Thành công của ngành khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định trên chặng đường 60 năm qua là minh chứng thuyết phục cho tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về sứ mệnh, vai trò động lực của khoa học và công nghệ, được quán triệt và tổ chức thực hiện xuất sắc bởi các thế hệ cán bộ là các nhà khoa học tỉnh Nam Định qua các thời kỳ, đặc biệt là các thế hệ đầu tiên trưởng thành trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết đất nước sau hòa bình.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của ngành khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định trong chặng đường 60 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển, những năm qua Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định đã vinh dự và tự hào được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều Cờ Thi đua, Bằng khen, Giấy khen của các các bộ, ngành và UBND tỉnh Nam Định trao tặng. Đây là phần thưởng vô cùng có ý nghĩa và có giá trị tinh thần to lớn để tiếp thêm nhiều sức mạnh và động lực giúp mỗi cán bộ công chức, viên chức của Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định tiếp tục đoàn kết một lòng, cố gắng phấn đấu nỗ lực hơn nữa để đạt được nhiều thành tích cao trong chặng đường tiếp theo, góp phần thúc đẩy ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Tỉnh đạt được những mốc son mới, những đỉnh cao mới, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Nam Định ngày càng phát triển vững mạnh.

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Tập thể cán bộ công chức, viên chức Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định

Dấu ấn chặng đương 60 năm phấn đấu xây dựng và phát triển

Năm 1964, Ban Khoa học – Kỹ thuật Nam Định, tổ chức tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định ngày nay được thành lập. Ban có chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch khoa học và kỹ thuật hàng năm của Tỉnh, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến kỹ thuật, thực hiện công tác đo lường, vận động các tổ chức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quản lý nhà nước về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Để thực hiện các nhiệm vụ đó, Ban đã thành lập hai tiểu ban là nông nghiệp và công nghiệp, nhằm tập hợp những nhà khoa học và kỹ thuật có trình độ, có kinh nghiệm của các ngành, triển khai nghiên cứu, cũng như tham mưu quản lý của Ban đối với các vấn đề liên quan. Xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ công tác đo lường và nghiên cứu khoa học. Ngay sau khi kiện toàn tổ chức, Ban đã hướng dẫn các ngành, ty và địa phương xây dựng kế hoạch và tổng kết hoạt động khoa học kỹ thuật hàng năm; phối hợp với các ngành thủy lợi và giao thông thành lập quy hoạch thủy lợi, bố trí lại ruộng đất và chế độ tưới tiêu nước đối với ruộng lúa và đồng màu; phối hợp với các trường cấp III xây dựng mạng lưới nghiên cứu và ứng dụng vận trù học vào sản xuất nông nghiệp địa phương.

Trong giai đoạn này, đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật Nam Định đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ chuyên môn quan trọng cũng như hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó, đã khẳng định những cố gắng, phấn đấu nỗ lực của Sở trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của lịch sử; là bài học về thực thi sứ mệnh của khoa học và công nghệ trong gánh vác sứ mệnh chung của quốc gia và dân tộc; thực sự truyền cảm hứng cho các thế hệ hôm nay trên con đường phát triển khoa học và công nghệ phục vụ các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Giai đoạn 1960-1975

Ban Khoa học - Kỹ thuật Nam Định mặc dù hoạt động trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, song dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của chính quyền các cấp, ngành cùng sự cố gắng nỗ lực, quyết tâm cao của các cán bộ khoa học kỹ thuật Ban, nên công tác nghiên cứu, phổ biến ứng dụng khoa học, kỹ thuật ở Tỉnh bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động tham mưu và quản lý của Ban Khoa học và Kỹ thuật đã có tác dụng nhất định trong việc hướng dẫn, giúp đỡ các ngành, các địa phương duy trì và chuyển hướng công tác khoa học và kỹ thuật phù hợp với thời chiến, trong việc tập hợp lực lượng cán bộ khoa học và kỹ thuật vào một số vấn đề cấp thiết đối với sản xuất, chiến đấu và đời sống trước mắt, cũng như phục vụ lâu dài sau chiến tranh. Cụ thể như:

Công tác phổ biến đưa khoa học kỹ thuật vào cán bộ lãnh đạo và quần chúng đã được tiến hành trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y tế, đời sống… góp phần nâng cao chất lượng chỉ đạo công tác và trình độ khoa học, kỹ thuật trong quần chúng, đẩy mạnh sản xuất phát triển đảm bảo sức khỏe và nếp sống mới trong quần chúng, nhất là đối với nông nghiệp. Quần chúng đã tin tưởng vào sức lao động sáng tạo của Tỉnh, hủ tục mê tín dị đoan giảm dần.

Đã tiến hành điều tra cơ bản một số mặt như: Thổ nhưỡng, giống lợn, giống lúa và một số đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở địa phương, cũng như các ngành nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông… Các cơ sở nghiên cứu như trạm trại, phòng thí nghiệm đã được trang bị nhiều máy móc và phát triển thêm. Kết quả các công tác trên đã giúp cho Tỉnh bước đầu nắm bắt được số liệu để chỉ đạo sản xuất, phát triển công cụ sản xuất, tăng năng suất lao động, thêm mặt hàng mới, sử dụng các phế liệu, phế phẩm địa phương, giải quyết được một phần yêu cầu sản xuất và đời sống đặt ra.

Phong trào phát minh sáng kiến và thực nghiệm khoa học mỗi năm một tăng, quần chúng công nông và cán bộ đã nhiệt tình tìm tòi suy nghĩ cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Có nhiều sáng kiến có giá trị khoa học, kỹ thuật mang lại lợi ích kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí.

Lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật của Ban Khoa học - Kỹ thuật Nam Định ngày một phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Năm 1956, toàn Tỉnh chỉ có 1 cán bộ dự bị đại học, thì đến cuối năm 1973 số lượng cán bộ đại học đã lên đến khoảng 1.500 người, số cán bộ trung cấp có khoảng 5.000 người. Đây là lực lượng rất quan trọng để triển khai công tác khoa học, kỹ thuật địa phương.

Giai đoạn 1976-1991

Năm 1976, Ban Khoa học và Kỹ thuật Hà Nam Ninh được thành lập trở lại trên cơ sở Ban Khoa học và Kỹ thuật Ninh Bình và Phòng Đo lường của Ty Công nghiệp Nam Định trước kia.

Trong giai đoạn này, hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm và áp dụng kỹ thuật tiến bộ của Ban Khoa học và Kỹ thuật Hà Nam Ninh đã được triển khai với những hoạt động phong phú và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận (thể hiện rõ nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp) không chỉ góp phần vào kết quả chung của ngành khoa học công nghệ toàn quốc, mà còn có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và xây dựng các hệ thống văn bản pháp quy về quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ không chỉ ở trung ương, mà cả ở địa phương trong giai đoạn này và cả thời gian sau. Bên cạnh đó, những kết quả và kinh nghiệm hoạt động của Ban Khoa học và Kỹ thuật Hà Nam Ninh sẽ là những tiền đề để các sở khoa học thuộc các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình kế thừa và phát triển, trở thành căn cứ thực tiễn để định hướng đổi mới tư duy và phương pháp quản lý, cách thức triển khai để các hoạt động khoa học kỹ thuật đi đúng hướng, phát huy được vai trò nòng cốt, động lực để thúc đẩy sản xuất phát triển phù hợp với thực tiễn của từng địa phương ở những giai đoạn sau. Một số hoạt động cụ thể:

Ban Khoa học và Kỹ thuật đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu về nông nghiệp, tạo được các tập đoàn giống lúa cho năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi điều kiện thổ nhưỡng như giống IR1820, CR203, NN5, NN8... góp phần đưa năng suất lúa của Tỉnh từ 22,6 tạ/ha năm 1975 lên 32,22 tạ/ha năm 1991, sản lượng lương thực năm 1991 đạt 722.000 tấn. Nhiều hợp tác xã ở Hải Hậu, Xuân Thủy, Nam Ninh duy trì năng suất lúa cả năm đạt 5 tấn/ha; đặc biệt hợp tác xã Xuân Tiến (Xuân Thủy) đạt trên 10 tấn/ha, hợp tác xã Giao An (Xuân Thủy) đạt 7,4 tấn/ha.

Trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, vật liệu mới phục vụ phát triển của các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, xây dụng, đánh bắt thuỷ hải sản và khai thác kinh tế ven biển… Điển hình tiên tiến là các sản phẩm: Cầu dao điện 3 pha của Nhà máy sửa chữa động cơ; máy vò lúa của các nhà máy cơ khí Nam Hà, Ninh Bình, Hà Nam; xi măng của Nhà máy xi măng Ninh Xuân, Ba Sao, Hệ Dưỡng, X18; sản phẩm bột nhẹ của HTX vật liệu xây dựng Thanh Lâm, Thanh Liêm; Nhóm sản phẩm dệt kim của nhà máy dệt kim Thắng Lợi; sản phẩm lụa Satin của nhà máy Dệt lụa; nhóm sản phẩm khăn, vải màn của HTX dệt Nam Ninh, Xuân Thủy…

Đặc biệt, phong trào thi đua lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất, sản lượng ở các xí nghiệp, nhà máy diễn ra sôi nổi. Có 5.711 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất. Có thể nói, phong trào sáng kiến cải tiến kinh nghiệm đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng năng suất, chất lượng hơn không chỉ trong các thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, mà còn bước đầu tái tạo lập nền kinh tế hộ gia đình, phù hợp với chủ trương hướng tới đổi mới phát triển kinh tế nhiều thành phần trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, những điển hình tiên tiến đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý về xây dựng công nghiệp địa phương, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng, góp phần hình thành nên những trung tâm công nghiệp ở TP. Nam Định, trung tâm tiểu thủ công nghiệp ở huyện Nam Ninh.

Giai đoạn 1992-2002

Ban Khoa học và Kỹ thuật được đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, có chức năng nhiệm vụ tham mưu giúp Tỉnh quản lý nhà nước về công tác khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn này, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là một lĩnh vực mới nên rất được quan tâm và triển khai thường xuyên và đồng bộ trên các lĩnh vực. Giai đoạn này, vai trò của khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường đã được khẳng định là động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nam Định, đưa năng suất lúa bình quân tăng từ 7,8 tấn/ha năm 1994 lên 11,7 tấn/ha năm 1999; sản lượng lương thực đạt từ 988 nghìn tấn năm 1994 lên 1.015 nghìn tấn năm 1999; sản lượng thuỷ hải sản năm 1999 đạt 31.800 tấn; sản xuất công nghiệp trong 10 năm tăng bình quân 13,5%.

Với những cố gắng nỗ lực trong công tác nghiên cứu, lựa chọn, tiếp nhận những tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đặc biệt với những thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo, xây dựng Tổ quốc trong cả quá trình xây dựng và phát triển ngành Khoa học, Công nghệ và Môi trường; tháng 1/2000, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Ngành (1964-1999), Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nam Định đã được vinh dự và tự hào được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Giai đoạn 2003-2023

Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nam Định được đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND Tỉnh quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

Trong hơn 10 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh đã kiên trì phấn đấu nỗ lực giúp Nam Định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, chuyển hướng mạnh phát triển công nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thân thiện với môi trường. Song song với đó là hoàn thiện cơ chế và chính sách phát triển, tăng cường liên kết vùng và tối ưu hóa nguồn lực để khai thác hiệu quả tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chuyển hướng mạnh phát triển công nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhờ đó mà kinh tế của tỉnh Nam Định đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, năm 2023 kinh tế của Tỉnh có bước phát triển mới, GRDP ước tăng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 6 cả nước (năm 2022 tăng 9,07%, năm 2021 tăng 7,7%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 82,5%, tỷ trọng nông lâm thủy sản chiếm 17,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,5%. Hoạt động thương mại, dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước tăng 14,3%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đến nay, toàn Tỉnh có 191/204 (93,6%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Giao Thủy hướng đến là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng thưởng vì đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực trong Tỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển

Cần xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của Nam Định

Nhìn vào chặng đường 60 năm qua của Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định đã khẳng định bề dày những đóng góp mà ngành khoa học và công nghệ Tỉnh đã đạt được, ban đầu gồm 3 mục tiêu quốc gia “Sản xuất - Dân sinh - Quốc phòng”, sự hy sinh cống hiến xương máu trong những năm tháng cả dân tộc đấu tranh để thống nhất đất nước và những chương trình khoa học về phát triển nông nghiệp, về kinh tế biển, sáng kiến cải tiến kinh nghiệm, đo lường – chất lượng… Đây là những nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Nam Định ngày hôm nay và mai sau.

Trong chặng đường 60 năm qua, ngành khoa học và công nghệ Nam Định đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Những thành tựu đó đã đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới của Tỉnh, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, giữ vững quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, tạo nên thế và lực mới cho Nam Định vững bước phát triển lên một tầm cao mới.

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Lãnh đạo tỉnh Nam Định bấm nút phát động "Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành Nam năm 2023-2024"

Lãnh đạo tỉnh Nam Định khẳng định, những thành công đạt được vừa qua là hết sức đáng khích lệ. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức do nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động nên hoạt động khoa học và công nghệ của Tỉnh thời gian qua chưa có định hướng rõ nét. Trong bối cảnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu với các cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi bất kỳ một địa phương nào cũng cần nhanh chóng đổi mới tư duy và hành động kịp thời. Một mặt cần kiên trì các giải pháp tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ trong dài hạn, mặt khác quyết tâm tìm cách đi riêng để phát triển bứt phá.

Ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định cho biết: Để làm được điều đó, Nam Định nói chung, ngành khoa học nói riêng cần xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nam Định là mảnh đất có truyền thống khoa bảng, văn hóa và phát triển. Tuy nhiên, Nam Định không thể chỉ sống bằng di sản, lịch sử. Muốn có một tương lai thực sự hấp dẫn, nhất là đối với lớp trẻ, cần phải tạo được thương hiệu là một vùng đất có sức sống mới. Đặc điểm cốt lõi chính là tính đổi mới, sáng tạo xuất phát từ tư tưởng cởi mở, sự linh hoạt trong quản lý, cũng như khả năng nuôi dưỡng tài năng của cả cá nhân và doanh nghiệp. Một không khí sôi động, sáng tạo là điều thuận lợi để giữ chân giới trẻ năng động, từ đó tạo ra những lợi thế thực sự về kinh tế, giữ chân người tài, hạn chế chảy máu chất xám như hiện nay.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định Trần Minh Hoan, để thực hiện được hiệu quả nội dung trên, trước hết Nam Định cần xác định phải là những khách hàng của đổi mới, sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những công nghệ mới, đồng thời cũng là người tiếp thị, xây dựng thương hiệu về mảnh đất của chính mình.

Mặt khác, Nam Định cần tạo ra sự hài lòng với người dân và doanh nghiệp bằng hệ thống dịch vụ công hiện đại và thông minh. Sự tương tác của cư dân sống trong đó với những thiết chế quản trị của địa phương và cộng đồng được diễn ra một cách công khai, minh bạch cả trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, cũng như quản lý, phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy giao lưu và quảng bá các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch… cũng cần được quan tâm đẩy mạnh nhằm tạo nên một không khí sôi động, đa dạng và cuốn hút nhằm thu hút các khách du lịch và các nhà đầu tư đến với Nam Định để thăm quan, mở rộng hợp tác đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội tỉnh Nam Định./.

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Tỉnh phát triển

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG CỦA SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NAM ĐỊNH

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định thăm quan gian hàng giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ và giới thiệu với các đại biểu sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật của Tỉnh

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định tổ chức Hội nghị tập huấn cho doanh nghiệp
Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển

Lãnh đạo Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định và các đại biểu thăm quan gian hàng giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ của Tỉnh

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định thăm quan mô hình dự án trồng hoa
Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh Nam Định thu hút người dân đến thăm quan và mua sản phẩm

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo do Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ Tỉnh chủ trì

Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển
Giới thiệu sản phẩm nấm của Trung tấm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ Tỉnh chủ trì