Phát triển tín dụng xanh – Thực tiễn triển khai tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI TÍN DỤNG XANH TẠI BIDV
Trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái toàn cầu, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang nỗ lực phát triển kinh tế “Carbon thấp”, “tăng trưởng xanh” để thực hiện lộ trình tiến tới “Nền kinh tế xanh”. Theo đó, nhằm ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường và duy trì hệ sinh thái do phát triển kinh tế gây ra, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ngày càng hoàn thiện về hoạt động bảo vệ môi trường. Việt Nam trong thực hiện “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng” theo hướng phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và mới đây là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (theo Quyết định 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Trong các kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là thành phần quan trọng để hướng dòng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất thân thiện môi trường, giảm thiểu rủi ro vì mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Do đó, phát triển TDX đã trở thành một xu thế tất yếu khách quan của các NHTM, dư nợ TDX tăng đều qua các năm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý I/2021, có 67 tổ chức tín dụng triển khai TDX, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm 3,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2015, tăng 0,46% so với năm 2020 [5]. Ngân hàng BIDV là một trong những ngân hàng Việt tiêu biểu về TDX hỗ trợ đầu tư xanh ở 4 nhóm lĩnh vực gồm: Năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, du lịch xanh, xử lý chất thải. Kết quả thực hiện TDX của Ngân hàng BIDV giai đoạn 2016-2020 cho thấy, có sự tăng trưởng cả về quy mô và tỷ trọng.
Tỷ trọng dư nợ TDX trong tổng dư nợ tín dụng của BIDV
Các số liệu được công bố cho thấy, dư nợ TDX của BIDV tăng đều qua các năm (Bảng 1). Mặc dù tác động của dịch bệnh nên nền kinh tế là rất lớn, nhưng năm 2020 dư nợ TDX của BIDV vẫn đạt 70.186 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,85% so với năm 2019 và 28,63% so với năm 2018.
Bảng 1: Tình hình dư nợ TDX của BIDV giai đoạn 2016-2020
Đơn vị: tỷ VND
Chỉ tiêu | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 |
Dư nợ tín dụng xanh | 38.534 | 45.470 | 54.564 | 65.077 | 70.186 |
Tổng dư nợ | 723.697 | 866.885 | 988.738 | 1.116.997 | 1.214.296 |
Tỷ trọng dư nợ TDX/Tổng dư nợ | 5,3% | 5,3% | 5,5% | 5,8% | 5,78% |
Nguồn: Báo cáo thường niên BIDV
Bảng 1 cho thấy, dư nợ TDX của BIDV có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, nhưng tỷ trọng dư nợ TDX/tổng dư nợ lại ở mức thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 5,4%/năm. Tuy nhiên, đây cũng là xu hướng chung của các NHTM (Biểu đồ), bởi việc cân đối vốn cho hỗ trợ đầu tư xanh còn gặp khá nhiều khó khăn, do tính chất của dự án đầu tư xanh thường có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư dài, phức tạp về kỹ thuật công nghệ… Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, dư nợ TDX của hệ thống NHTM chiếm tỷ trọng rất thấp so với tổng dư nợ tín dụng nói chung của nền kinh tế, trung bình khoảng 3%/năm. Trong đó, dư nợ TDX của các NHTM tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực, như: nông nghiệp xanh, chiếm gần 40%; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chiếm hơn 30%. Như vậy, cho dù tỷ trọng dư nợ TDX/tổng dư nợ của BIDV ở mức thấp 5,4%/năm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình chung dư nợ TDX của hệ thống NHTM.
Biểu đồ: Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam |
Nguồn: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước
Hiệu quả thực hiện TDX của BIDV
Cho vay đối với các dự án đầu tư xanh thường có sự phức tạp trong đánh giá kĩ thuật, công nghệ, thời gian đầu tư dài và chi phí tài trợ cao, do vậy mức độ rủi ro tương đối lớn. Trên thực tế, nhiều dự án phải tạm dừng vì sự phản đối của cộng đồng và xã hội, mặc dù được Chính phủ chấp nhận triển khai và ngân hàng cam kết cấp tín dụng. Bởi nếu triển khai sẽ gây tổn thất cho cả nhà đầu tư cùng với ngân hàng cho vay. Thực tế này đòi hỏi các ngân hàng phải xem xét kỹ lưỡng các yếu tố rủi ro môi trường - xã hội và đánh giá tác động của dự án đến môi trường sinh thái trước khi quyết định cho vay. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, các ngân hàng luôn phải theo giám sát hoạt động và kiểm soát chất lượng dự án.
Dư nợ TDX ở tất cả các lĩnh vực được Ngân hàng BIDV triển khai trong giai đoạn 2016-2020 đều có xu hướng tăng qua các năm (Bảng 2). Tỷ lệ nợ quá hạn ở hầu hết các lĩnh vực được cấp TDX đều không quá 2,5%. Kết quả này phản ánh Ngân hàng đã kiểm soát được chất lượng TDX, hạn chế rủi ro tín dụng.
Bảng 2: Dư nợ và tỷ lệ nợ quá hạn các lĩnh vực TDX tại BIDV
Nguồn: Báo cáo thường niên của BIDV
Điểm nhấn một số dự án xanh điển hình do BIDV đóng vai trò ngân hàng bán buôn, gồm có:
+ BIDV đã hợp tác với Công ty VWS thông qua việc tài trợ vốn 90 triệu USD cho dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước Thành phố HCM. Đây là một dự án xử lý rác thải quy mô tầm cỡ quốc tế, có thể xử lý 20.000 tấn rác mỗi ngày trong 5 năm đầu, giai đoạn sau sẽ nâng lên 40.000 tấn/ngày. Với tổng vốn đầu tư ban đầu 450 triệu USD, dự án được chia thành 4 giai đoạn trong đó vốn đầu tư giai đoạn 1 là 211 triệu USD. Theo đó, BIDV cam kết sẽ tài trợ tối đa lên đến 70% tổng đầu tư giai đoạn 1 của dự án. Đây là một tiền đề tài chính quan trọng cho VWS thực hiện dự án đúng tiến độ.
+ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Mục tiêu của Dự án VnSAT là nhằm hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp thông qua, đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững không ngừng nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng: lúa, gạo và cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam đó là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án có tổng vốn đầu tư là 301 triệu USD, trong đó vốn phi tín dụng là 196 triệu USD (chiếm khoảng 65,1%) và vốn tín dụng là 105 triệu USD (chiếm 34,9%).
+ Năm 2017, BIDV đã được WB và Chính phủ tin tưởng, lựa chọn là 1 trong 2 Ngân hàng tham gia cho vay lại Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIEs) trị giá 100 triệu USD. Mục tiêu phát triển của Dự án là nâng cao tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, thông qua đó sẽ đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính (GHG) của Chính phủ. Với vai trò là Cơ quan cho vay lại, BIDV đảm bảo cùng với WB, Bộ Công Thương thẩm định và lựa chọn các tiểu Dự án hiệu quả, đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật, kinh tế và tài chính; góp phần tăng trưởng tín dụng xanh [4].
Việc cấp TDX cho các lĩnh vực của BIDV ngoài thực hiện trách nhiệm xã hội của Ngân hàng đóng góp vào sự phát triển bền vững, thì cũng cần đảm bảo mục tiêu kinh doanh của NHTM. Giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng thu nhập lãi thuần từ các khoản TDX của BIDV chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong tổng thu nhập lãi thuần (Bảng 3)
Bảng 3: Tỷ trọng thu nhập từ TDX của BIDV giai đoạn 2016-2020
Đơn vị: triệu VND
Nguồn: Báo cáo thường niên của BIDV và tính toán của tác giả
Nhìn vào tỷ trọng thu nhập từ TDX của BIDV giai đoạn 2016-2020 có thể thấy, xu hướng tăng thu nhập lãi thuần TDX qua các năm. Kết quả này, phần nào đã phản ánh sự nỗ lực của BIDV trong việc quản lý và giám sát các khoản TDX nhằm thu hồi vốn và có lãi. Tuy nhiên năm 2020, tỷ trọng thu nhập lãi thuần TDX/Tổng thu nhập lãi thuần của BIDV bị giảm do những tác động của đại dịch Covid 19 nên BIDV đã chủ động giảm thu nhập để cơ cấu nợ, hạ và miễn giảm lãi suất, phí cho khách hàng.
Một số tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ban đầu, phát triển TDX tại Ngân hàng BIDV cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế:
Thứ nhất, sự phát triển TDX vẫn ở giai đoạn đầu. Tỷ trọng dư nợ TDX chưa thực sự tương xứng với các nguồn lực hiện có của BIDV.
Thứ hai, BIDV chưa xây dựng được chiến lược, lộ trình cụ thể cho việc phát triển ngân hàng xanh theo các cấp độ phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Thứ ba, BIDV chưa thiết kế được sản phẩm TDX chuyên biệt, thực tế BIDV mới chỉ dừng lại ở việc cấp tín dụng cho các dự án thân thiện môi trường hoặc có lồng ghép đánh giá rủi ro môi trường trong các dự án gây tác động đến môi trường. Trong số những dự án BIDV cấp TDX có nhiều dự án cho vay theo chỉ định của Chính phủ. Việc cấp TDX chủ yếu dành cho khách hàng doanh nghiệp, còn đối với nhóm khách hàng cá nhân các sản phẩn TDX, như: cho vay xây nhà tiết kiệm năng lượng; cho vay mua phương tiện giao thông thân thiệt với môi trường… hầu như chưa có.
Thứ tư, BIDV chưa triển khai hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội một cách đồng bộ. Mặc dù BIDV đã xây dựng khung quản lý rủi ro môi trường - xã hội nhưng tính bắt buộc để thực hiện chưa cao, chủ yếu được áp dụng trong các dự án sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á. Hơn nữa, BIDV chưa thành lập được bộ phận chuyên trách thẩm định và phát triển TDX. Hiện nay, bộ phận thẩm định các dự án đầu tư xanh hay các dự án liên quan đến môi trường - xã hội vẫn do các bộ phận thẩm định dự án tín dụng thông thường của Ngân hàng đảm nhận. Điều này sẽ trở nên phức tạp hơn khi các dự án liên quan đến môi trường - xã hội đòi hỏi tính kỹ thuật, quy trình, cách đánh giá và xem xét có những đặc trưng riêng biệt so với các dự án truyền thống. Như vậy, khi xem xét các tiêu chí đánh giá hoạt động quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cho vay của BIDV mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá rủi ro ở khâu quyết định cho vay, khâu giám sát việc tuân thủ của khách hàng, các biện pháp xử lý khi khách hàng vi phạm các vấn đề môi trường - xã hội chưa được chú trọng. Điều này còn trở nên trầm trọng hơn khi ở khâu quyết định tín dụng, BIDV chủ yếu dựa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường trong hồ sơ tín dụng của khách hàng.
Thứ năm, năng lực của đội ngũ nhân viên ngân hàng BIDV, nhất là đội ngũ cán bộ tín dụng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm định TDX, bởi các dự án về môi trường thường có sự phức tạp trong đánh giá kĩ thuật, công nghệ. Bản thân các cán bộ tín dụng họ chỉ có chuyên môn sâu trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng nói chung, còn đối với lĩnh vực đầu tư xanh mang tính chất đặc thù đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có trình độ để thẩm định, đánh giá tác động của dự án đến môi trường - xã hội còn hạn chế. Trên thực tế, có một số cán bộ đôi khi chỉ dựa vào kinh nghiệm thẩm định đánh giá các dự án đã làm trước đó để thẩm định các dự án khác, điều này sẽ đưa ra một quyết định tín dụng thiếu căn cứ và làm cho khoản tín dụng đối mặt với nhiều rủi ro, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái nếu được triển khai.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH TẠI BIDV
Phát triển tín dụng xanh trở thành một xu thế tất yếu khách quan của các NHTM |
Phát triển TDX không chỉ là vấn đề của riêng ngân hàng nào mà nó đã trở thành xu hướng của cả xã hội và nền kinh tế. Mọi nỗ lực của một ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng, các nhà quản lý trong việc nâng cao nhận thức, đồng bộ chính sách tạo nền tảng cho TDX phát triển. Các giải pháp khuyến khích phát triển TDX là sự kết hợp giữa chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, NHTM và các doanh nghiêp. Cụ thể như sau:
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Một là, cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường - xã hội và các luật chuyên ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng xanh như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng.
Hai là, tăng cường tuyên truyền các thông tin về tăng trưởng xanh, TDX cho doanh nghiệp để từ đó nâng cao nhận thức của họ cũng như có sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhằm tìm kiếm các nhu cầu đầu tư xanh. Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiêu dùng xanh tạo ra động lực khuyến khích tiêu dùng và cung ứng sản phẩm xanh. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt.
Ba là, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành chương trình phát triển ngân hàng xanh với mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể; sớm đưa ra các hướng dẫn và bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường - xã hội để các ngân hàng áp dụng khi thẩm định cấp tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng cơ chế động lực thúc đầy tài chính xanh như ưu đãi về thuế, lãi suất, ổn định giá đầu ra cho các dự án xanh cho doanh nghiệp từ đó hỗ trợ các NHTM thẩm định về hiệu quả, khả năng trả nợ của khách hàng.
Đối với bản thân BIDV
Một là, xây dựng khung chiến lược và lộ trình phát triển ngân hàng xanh. Với định hướng kinh doanh, phân khúc thị trường và việc xác định lợi thế năng lực của mình, Ngân hàng BIDV nên đưa ra chiến lược và lộ trình phát triển ngân hàng xanh theo các tiêu chí: trọng tâm xanh; thu hút nguồn vốn; năng lực kỹ thuật; cơ cấu tổ chức.
Hai là, nâng cao nhận thức của ban lãnh đạo Ngân hàng BIDV và nhân viên về các vấn đề liên quan đến ngân hàng xanh và TDX và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tín dụng thẩm định đánh giá dự án cấp TDX. Trước mắt, BIDV cần hướng tới thành lập bộ phận chuyên trách về triển khai quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong các dự án cấp TDX và giám sát việc triển khai ngân hàng xanh. Bộ phận này sẽ tập hợp các cán bộ tín dụng có trình độ, giàu kinh nghiệm trong việc đánh giá các dự án liên quan đến MT trước đó.
Ba là, BIDV cần xây dựng danh mục ngành nghề được ưu tiên hỗ trợ và khuyến khích cấp TDX trên cơ sở các danh mục được các cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Đồng thời, xây dựng hệ thống quy trình quản lý rủi ro môi trường - xã hội, bao gồm quy trình thẩm định, ra quyết định, giám sát, xử lý tín dụng… Tăng cường huy động nguồn vốn từ cả khu vực tư nhân và khu vực công hỗ trợ TDX.
Bốn là, đa dạng hóa danh mục TDX. Không chỉ chú trọng các sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng doanh nghiệp, BIDV cần thiết kế các dịch vụ TDX dành cho khách hàng cá nhân. Thị phần khách hàng cá nhân khá tiềm năng và đây là nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng gia tăng.
Năm là, nâng cao năng lực quản trị rủi ro của BIDV. Đầu tư vào các dự án xanh luôn phải đối mặt với mức độ rủi ro cao do tính chuyên biệt và độ phức tạp của các dự án này. Do vậy việc tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng phải được quan tâm đúng mức.
Đối với các doanh nghiệp
(i) Xây dựng chiến lược đầu tư xanh trong kế hoạch phát triển dài hạn của mình bởi trong quá trình cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã khiến cho các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ ngày càng được ưa chuộng hơn. Từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận trong dải hạn.
(ii) Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các yếu tố môi trường - xã hội trong hoạt động đầu tư. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp xanh trong hoạt động nội bộ doanh nghiệp như tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, tiết kiệm giấy… và các hoạt động bên ngoài doanh nghiệp, như: lựa chọn các dự án đầu tư xanh, đầu tư mua sắm công nghệ tiêu tốn ít năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời...
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, ban hành theo Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg, ngày 12/4/2012
2. Thủ tướng Chính phủ (2021). Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, ban hành theo Quyết định số 1658/2021/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021
3. Ngân hàng Nhà nước - Vụ tín dụng các ngành kinh tế (2020). Báo cáo tăng trưởng tín dụng xanh
4. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (2016-2020). Báo cáo thường niên
5. Ngân hàng Nam Á (2021). Thông cáo báo chí: Tài chính xanh - giải pháp vốn cho doanh nghiệp vì môi trường, truy cập từ https://www.namabank.com.vn/thong-cao-bao-chi-tai-chinh-xanh--giai-phap-von-cho-doanh-nghiep-vi-moi-truong
ThS. Trần Thị Kim Liên
Trường Đại học Công đoàn
Bình luận