Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Xử lý nghiêm các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích
Tiên phong trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch Covid-19 đã trở thành “khủng hoảng kép”, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân của “khủng hoảng kép” nêu trên xuất phát từ mô hình phát triển thiếu bền vững kéo dài hàng thế kỷ của nhân loại, làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, làm cho khí hậu biến đổi nhanh với cường độ cao.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về sự tham gia chủ động, trách nhiệm vào việc giải quyết những thách thức toàn cầu |
“Chưa bao giờ môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các cấp từ Liên Hợp Quốc cho đến nguyên thủ quốc gia các nước như trong năm 2021”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, “Cùng hành động vì Trái Đất”, “Đoàn kết ứng phó với biến đổi khí hậu”, đã trở thành khẩu hiệu của các Hội nghị quốc tế quan trọng do Liên Hợp Quốc tổ chức, trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ trên khắp toàn cầu. Phục hồi xanh sau đại dịch Covid-19, mục tiêu trung hòa các-bon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại. Điều đó được đặc biệt khẳng định với các cam kết hành động mạnh mẽ của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 vừa qua.
“Giải quyết, chuyển hóa các thách thức an ninh phi truyền thống về môi trường, khí hậu đã trở thành những chủ đề được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội tham gia thảo luận tích cực cùng với nguyên thủ quốc gia tại các diễn đàn, Hội nghị toàn cầu. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải khí mê-tan, tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng về môi trường và khí hậu tại COP26. Vì vậy, hai tiếng “Việt Nam” đã được các nhà Lãnh đạo thế giới nhắc đi, nhắc lại nhiều lần tại các Hội nghị, diễn đàn quốc tế; cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự tham gia chủ động, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết những thách thức toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đời sống kinh tế - xã hội thế giới đang thay đổi nhanh chóng, “luật chơi mới” về đầu tư, thương mại đã hình thành sau Hội nghị COP26. Hơn ai hết, ngành tài nguyên và môi trường phải thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, phải trở thành những người tiên phong trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu để tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Về mục tiêu năm 2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngành tài nguyên và môi trường phấn đấu đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai lưu trữ carbon, góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.
Khắc phục có hiệu quả liên quan tới quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao kết quả mà ngành tài nguyên và môi trường đạt được trong năm 2021, đồng thời nhấn mạnh “một số nội dung nổi bật nhất, có ý nghĩa nhất trong năm vừa qua”.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nghiêm túc, bài bản Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 45/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đột phá về thể chế chính sách”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Công tác thu hồi đất, giao đất được thực hiện kịp thời đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án của các doanh nghiệp, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông |
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
“Đây là quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trên tất cả các lĩnh vực”, Phó Thủ tướng biểu dương.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, năm 2021, công tác thu hồi đất, giao đất được thực hiện kịp thời đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án của các doanh nghiệp, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông... Tổng thu ngân sách từ đất đai năm 2021 đạt trên 172.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng thu ngân sách. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra các dự án, thanh tra kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đã tiến hành thu hồi 7.700 ha đất, giúp các địa phương khắc phục tình trạng dự án treo, một số dự án sử dụng sai mục đích.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành 2 nghị quyết chuyên đề trong vòng 3 tháng, tạo cơ chế đặc thù để xử lý tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ chỗ thiếu 65 triệu m3 vật liệu xây dựng, tới nay cơ bản đã đủ.
“Bộ đã trình, được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo năm 2015, Chiến lược phát triển kinh tế biển năm 2018, trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định về quản lý biển, vùng bờ, quản lý môi trường biển. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi các ngành, các địa phương phát triển kinh tế biển. 28 tỉnh, thành phố ven biển trong giai đoạn vừa qua đều khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của biển, một số địa phương đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, hiện ngành tài nguyên và môi trường cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tài nguyên khoáng sản còn bị khai thác trái phép, chưa được chế biến sâu để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khiếu kiện liên quan đến bồi thường có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỉ lệ lớn…
“Ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới, nhất là một số tồn tại hạn chế liên quan tới quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Về một số giải pháp trong năm 2022, Phó Thủ tướng cơ bản đồng tình với các mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ giải pháp mà ngành tài nguyên và môi trường đề ra. Đồng thời, đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo chuẩn bị bảo đảm chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ.
“Chuẩn bị xây dựng Đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022. Nội dung Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất,... hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc. Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt này, tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Đề cập các tới dự án sử dụng đất hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được.
“Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát kỹ, phân nhóm dự án, “dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn. Đây là nhiệm vụ mà ngành tài nguyên và môi trường cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền; trước mắt trong năm 2022 phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc.
“Đến 2030 chúng ta phải đầu tư xây dựng để đạt 5.000 km cao tốc trong khi đến nay, chúng ta mới hoàn thành 1.200 km cao tốc. Như vậy, để có được gần 4.000 km cao tốc nữa thì việc quy hoạch vật liệu xây dựng phục các dự án này có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò trực tiếp quản lý tài nguyên khoáng sản”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung triển khai sớm hoàn thành Quy hoạch không gian biển và vùng bờ giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình, hiện thực hóa mục tiêu này.
“Quan tâm hơn nữa, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, đặc biệt là đầu tư trang thiết bị, mạng lưới khí tượng thủy văn, đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật (các luật, nghị định, thông tư) để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nói./.
Bình luận