PPP: Chỉ sử dụng vốn nhà nước khi không có phương án tài chính khả thi
Mức vốn tối đa của Nhà nước sẽ được xác định trên cơ sở khoản tài chính thiếu hụt cần bù đắp
Về sử dụng vốn, Dự thảo nhấn mạnh vốn đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được xem xét sử dụng trong trường hợp không có phương án tài chính khả thi nào khác thay thế.
Theo đó, mức tối đa vốn đầu tư của Nhà nước sẽ được xác định trên cơ sở khoản tài chính thiếu hụt cần bù đắp để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận theo phương án tài chính của dự án.
Cơ quan thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi được thuê tư vấn độc lập thẩm tra phương án tài chính của dự án làm cơ sở xem xét, trình phê duyệt mức tối đa vốn đầu tư của Nhà nước.
Dự thảo nêu rõ, vốn đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình không bao gồm do doanh nghiệp nhà nước huy động để thực hiện dự án và không được sử dụng để thanh toán cho các chi phí chuẩn bị đầu tư và chi phí khai thác, vận hành công trình dự án.
Việc lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án phải đáp ứng mục tiêu thu hút và huy động tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực quy định tại Điều 4, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
Vốn đầu tư của nhà nước được ưu tiên cân đối đầu tiên trong tổng vốn đầu tư phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách theo cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại hợp đồng dự án.
Việc lập kế hoạch vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Hai lựa chọn chuyển đổi đầu tư hình thức đầu tư
Về chuyển đổi hình thức đầu tư, Dự thảo quy định dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ có thể được chuyển đổi đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Trong đó, có 02 lựa chọn chuyển đổi hình thức đầu tư, cụ thể:
Thứ nhất, chuyển đổi thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT hoặc hợp đồng tương tự theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP đối với các dự án có khả năng giao cho nhà đầu tư tiếp tục xây dựng và kinh doanh công trình để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
Theo đó, phương án chuyển đổi sẽ là bộ, ngành, địa phương xem xét lựa chọn phương án rút toàn bộ vốn nhà nước đã đầu tư vào công trình (nhà đầu tư hoàn trả cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền phần vốn đã đầu tư theo tiến độ thỏa thuận); hoặc sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn của Nhà nước đã đầu tư tham gia thực hiện dự án (Nhà nước có thể rút một phần vốn đã đầu tư vào công trình)
Toàn bộ hoặc một phần vốn nhà nước đã đầu tư được tính vào phần vốn góp để hỗ trợ xây dựng công trình theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Nhà đầu tư thu xếp phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư xây dựng công trình và được phép kinh doanh thu hồi vốn, lợi nhuận trong thời gian nhất định theo thỏa thuận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận của nhà đầu tư được tính trên cơ sở phần vốn còn lại do nhà đầu tư thu xếp để hoàn thành công trình và phần vốn nhà đầu tư hoàn trả cho Nhà nước (nếu có).
Thứ hai, chuyển đổi thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trong trường hợp các bộ, ngành, địa phương có khả năng thu xếp được quỹ đất giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án khác để thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận.
Theo đó, bộ, ngành, địa phương xem xét, lựa chọn rút toàn bộ vốn của Nhà nước đã đầu tư vào công trình (nhà đầu tư hoàn trả cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phần vốn đã đầu tư theo tiến độ thỏa thuận với bộ, ngành, địa phương và chịu trách nhiệm thu xếp phần vốn còn lại để tiếp tục xây dựng công trình theo cơ chế thực hiện hợp đồng BT); hoặc sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn của Nhà nước đã đầu tư tham gia thực hiện dự án (Nhà nước có thể rút một phần vốn đã đầu tư vào công trình).
Ngoài phần vốn nhà nước đã đầu tư, nhà đầu tư thu xếp phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư xây dựng công trình theo cơ chế thực hiện hợp đồng BT. Giá trị thanh toán tương ứng với phần vốn còn lại đã thu xếp để tiếp tục đầu tư xây dựng công trình và phần vốn nhà đầu tư hoàn trả cho Nhà nước (nếu có).
Dự thảo nhấn mạnh, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án chuyển đổi hình thức đầu tư làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án.
Sau khi phương án chuyển đổi hình thức đầu tư được phê duyệt, các bộ, ngành và địa phương phải công bố thông tin về dự án trên mạng đấu thầu quốc gia và trang thông tin điện tử của ngành, địa phương./.
Bình luận