Quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ: Nan giải!
Vẫn còn tồn tại tới 34.642 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ
Báo cáo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2015 cả nước vẫn còn tồn tại 34.642 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Phần lớn các điểm giết mổ nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y, chỉ có 35% điểm giết mổ được kiểm soát. Mặc dù có 55/63 tỉnh thành phố đã được phê duyệt Đề án quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm tập trung, nhưng thực tế công tác triển khai còn chậm.
Ở nhiều địa phương, việc giết mổ diễn ra phổ biến ngay tại hộ chăn nuôi, do vậy, việc quản lý các điểm, hộ giết mổ thủ công trong khu dân cư, nhất là khu vực ven đô, ngoại thành luôn là vấn đề nan giải.
Các cơ sở này cung cấp phần lớn thực phẩm cho 5 chợ đầu mối, 134 chợ tạm, chợ cóc khi chiếm tới 90% số lượng thịt trâu, bò, 73% thịt lợn, 68,6% thịt gia cầm tiêu thụ trên thị trường. Lượng thịt, phụ phẩm này đều được đưa thẳng tới chợ mà không qua khâu kiểm soát giết mổ, dẫn đến tình trạng không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đặc biệt nguồn nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt tại các hộ xung quanh (Tú Mai, 2016).
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo Chi cục Thú y của Thành phố mặc dù có hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm khá hiện đại, hiện nay trên địa bàn Thành phố đã có 24 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 21 cơ sở giết mổ heo và 2 cơ sở giết mổ trâu, bò, bình quân giết mổ khoảng 7.500-8.000 con trâu, bò, heo/ngày, tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, rất khó kiểm soát.
Với những cơ sở giết, mổ nhỏ lẻ, thiếu tập trung trên địa bàn đã gây khó khăn cho việc cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong năm 2015, chỉ có 35% điểm giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát
Điều đáng nói là trong khi cơ sở giết mổ, chế biến tập trung khá "lay lắt", thì có quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại và hoạt động vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Riêng tại Hà Nội có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp, nhưng đều hoạt động cầm chừng, còn 2.491 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư không bảo đảm điều kiện, gây ô nhiễm môi trường lại rất sôi động.
Cần sự đồng bộ trong vận hành
Nguyên nhân của hiện trạng trên có thể lý giải bằng tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, nên các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ hoạt động tại các hộ gia đình nằm rải rác trong các khu dân cư. Bên cạnh đó, sản phẩm chăn nuôi hiện nay được tiêu thụ dưới dạng thịt tươi tại chợ, chỉ có một lượng nhỏ được cấp đông đưa vào tiêu thụ tại siêu thị, nhà hàng.
Đặc biệt, ý thức của các chủ hộ giết mổ chưa nhận thức đúng đắn về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, nên chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Chủ cơ sở giết mổ chưa nhận thức được trách nhiệm xã hội về nghề nghiệp của mình.
Để giải quyết vấn đề, theo các chuyên gia, ngoài việc hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý về lĩnh vực này.
Hơn nữa, cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này bởi thực tế hiện nay, các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ.
Ngoài ra, còn cần tăng cường công tác thanh kiểm tra các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn các tỉnh, thành phố; tổ chức kiểm tra, rà soát, thông báo yêu cầu chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ tại các khu vực xung quanh các nhà máy giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp đã được đầu tư.
Mới đây, ngày 01/06/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Theo đó, các hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm sẽ phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt của các địa phương, phải đảm bảo các điều kiện: Gia súc, gia cầm giết mổ khỏe mạnh, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, có nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển và giấy chứng nhận phun tiêu độc phương tiện vận chuyển theo quy định... Kiểm tra việc thực hiện các quy định vệ sinh đối với người tham gia giết mổ ; trang phục bảo hộ trong lúc làm việc.
Sau khi giết mổ phải có đóng dấu kiểm soát giết mổ, dán tem vệ sinh thú y hoặc đánh dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với thân thịt, phủ tạng, phụ phẩm ăn được bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển sản phẩm động vật theo quy định...
Văn bản cũng quy định cụ thể về việc kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến; Quy định về dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y...
Có hiệu lực từ ngày 16/7/2016, Thông tư này được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền, các ban, ngành hữu quan trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, góp phần bảo đảm an toàn trong tiêu dùng thực phẩm và vệ sinh môi trường. Có như vậy mới hạn chế được các cơ sở nhỏ lẻ và nhân rộng mô hình tập trung giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động có hiệu quả tại các địa phương./.
Tài liệu tham khảo:
Tú Mai (2016). Phấn đấu giảm cơ sở giết, mổ nhỏ lẻ dưới 30%, truy cập từ http://thanglong.chinhphu.vn/phan-dau-giam-co-so-giet-mo-nho-le-duoi-30
PV (2015). Cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, truy cập từ http://dangcongsan.vn/khuyen-nong-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung/tien-bo-khoa-hoc-ky-thuat/can-kiem-soat-chat-che-cac-co-so-giet-mo-gia-suc-gia-cam-303971.html
Ngọc Quỳnh (2016). Giết mổ gia súc, gia cầm: Vẫn còn bất cập, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/825845/giet-mo-gia-suc-gia-cam-van-con-bat-cap
Bình luận