Quốc hội bàn về sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục
Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh THCS trường công lập
Chiều nay (8/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, rà soát các nội dung của Luật Giáo dục để sửa đổi một cách toàn diện.
Việc xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối với những nội dung khác.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay, bố cục của Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp với tính chất và nội dung của dự thảo Luật. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 chương 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 1 chương, 1 mục và 7 điều so với Luật Giáo dục hiện hành; tăng 1 chương và sửa đổi, bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).
Về nội dung, Ban soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của 2 chính sách mới: chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên mầm non sẽ gắn với việc đào tạo lại giáo viên mầm non để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 119: “Các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 72 của Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2026. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn”.
Đối với chính sách không thu học phí, báo cáo nêu rõ: trên cơ sở đánh giá tác động về cả ngân sách đầu tư và hiệu quả đầu tư, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW; xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Ban soạn thảo cũng đã sửa đổi khoản 1 Điều 97 theo nguyên tắc đối với chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường dân lập, tư thục; học sinh tiểu học trường tư thục sẽ thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.
Đối với chính sách không thu học phí học sinh trường trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục: dự thảo Luật quy định trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách này đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước...
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày, khẳng định Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Ủy ban) tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ.
Ủy ban cho rằng, nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013.
Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Về hồ sơ dự án Luật, Ủy ban nhận thấy hồ sơ Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Tuy nhiên, để làm rõ hơn căn cứ của việc đề xuất các chính sách mới và sửa đổi các điều khoản của dự án Luật, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, xác định rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để xem xét thấu đáo những vấn đề do thực tiễn đặt ra, thể hiện được định hướng phát triển lâu dài và bền vững cho giáo dục Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về dự thảo Luật theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 26; tổng hợp, làm căn cứ sửa đổi các quy định của Luật bảo đảm hợp lý, có tính khả thi cao.
Về kết cấu, bố cục dự án Luật, theo ông Phan Thanh Bình, đa số thành viên Ủy ban cơ bản tán thành với kết cấu dự thảo Luật do Chính phủ trình và cho rằng, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã bảo đảm yêu cầu vừa sửa đổi toàn diện, vừa kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành. Với 10 chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều, dự thảo Luật đã được sắp xếp các chương, mục, điều, khoản khá phù hợp.
Để đảm bảo chất lượng dự án Luật, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cấu trúc, bố cục dự thảo Luật theo hướng súc tích, mạch lạc, rõ ràng hơn. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định về triết lý giáo dục; bổ sung quy định cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật cần quan tâm các lĩnh vực, đối tượng chưa có luật điều chỉnh chi tiết, như: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, nhà giáo… tạo tiền đề cho việc xây dựng các luật chuyên ngành khi có điều kiện.
Trên cơ sở thẩm tra, Ủy ban đề xuất một số nội dung đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, làm rõ về: chính sách, trách nhiệm nhà nước đối với phổ cập giáo dục bắt buộc và phổ cập giáo dục (Điều 97); chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm (Điều 83); chính sách lương đối với nhà giáo (Điều 76); đầu tư, tài chính và xã hội hóa giáo dục (Chương VII); mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao.
Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật này./.
Bình luận